Dấu ấn tuổi trẻ Tây Ninh qua 20 năm tình nguyện

13:21 21/08/2019     948

Chiến dịch tình nguyện hè   Web.ĐTN: Tròn 20 năm tuổi, phong trào thanh niên tình nguyện đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân tỉnh Tây Ninh bằng hàng nghìn công trình, phần việc thiết thực vì cộng đồng.

Tuổi trẻ Tây Ninh cùng những nhịp cầu kết nối bờ vui

 

Tiếp nối phong trào tình nguyện từ thế hệ cũ

Tiếp nối truyền thống xung kích, tình nguyện của phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, tuổi trẻ hôm nay vẫn phát huy sôi nổi các hoạt động tình nguyện, khẳng định sức sống lâu bền trong thanh niên và xã hội. Với Tây Ninh, nhân dân và các thế hệ thanh niên tỉnh nhà sẽ còn mãi tự hào và nhắc đến công trình Hồ Dầu Tiếng - công trình thủy lợi lớn nhất cả nước thực hiện vào những năm 80 của thế kỷ trước do hàng vạn thanh niên tình nguyện đào đắp ngày đêm với tinh thần hăng say “Ta đi xây dựng công trường-công trường xây dựng ta”.

Trong 20 năm qua, hàng trăm vạn ngày công lao động; nâng cấp và sửa chữa 1.058 căn nhà; xây mới 507 căn nhà, trị giá 7,7 tỷ đồng; sửa chữa và làm mới hơn 612 km; xây 120 cây cầu giao thông nông thôn; trồng 5 triệu cây xanh; 109 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 42.000 người dân; vận động thanh niên hiến 34.000 đơn vị máu; xây dựng 24 khu vui chơi cho thiếu nhi tại các địa phương, tổng trị giá trị các nội dung trên qua 20 năm là trên trên 100 tỷ đồng. Và còn rất nhiều các hoạt động, phần việc tình nguyện không thể đo đếm bằng giá trị kinh tế mà còn là hiệu quả giáo dục, xã hội, là sự lan tỏa lòng nhân ái và sẻ chia đến các tầng lớp thanh thiếu niên qua mỗi mùa chiến dịch.

Tiếp bước những bước chân tình nguyện những thế hệ trước để lại, tuổi trẻ Tây Ninh đã tiếp tục xây dựng nên những công trình để lại dấu ấn đậm nét trong cộng đồng xã hội, nổi bật là công trình thanh niên "Thanh niên xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới”.

Bắt đầu từ những ngày đầu năm 2001, công trình tiếp nối công trình. Dù dự án đã kết thúc từ năm 2007 nhưng đến nay, từ nhiều nguồn vận động, Đoàn thanh niên đã xây hơn 120 cây cầu giao thông nông thôn với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Hệ thống giao thông nông thôn dần có nhiều thay đổi, nhiều cây cầu khỉ, cầu cây tạm bợ dần được thay thế bằng những cây cầu bê tông vững chắc, kiên cố.

Hòa cùng niềm vui chung, Bà Nguyễn Thị Thiên, sinh năm 1940, ngụ tại ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng chia sẻ: “Bác sống ở đây còn 2 năm nữa là 80 năm, trước đây không có cầu sống cực khổ, bơi ghe đi mới được, giờ có được cái cầu rất mang ơn nhà tài trợ cho được cái cầu mừng dữ lắm, có cây cầu bà con qua lại dễ dàng, tụi nhỏ cũng đi học, vui chơi thuận lợi hơn”.

Những cây cầu nối liền các bờ kênh, con rạch tạo nên hệ thống giao thông “ấp liền ấp, xã liền xã”, góp phần nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn và vùng sông nước này nhộn nhịp, sôi động hẳn lên, mở rộng giao lưu văn hóa trong nhân dân. Các em học sinh đến trường không còn là nỗi lo do ngăn sông cách trở, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Những cây cầu hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Những cây cầu bêtông thay thế các cầu khỉ, cầu tạm giúp việc đi lại của người dân dễ dàng, vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Tiếp nối truyền thống 20 năm phong trào TNTN hè, anh Nguyễn Tiến Tân – Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, ngay từ những ngày cuối tháng 5/2019, ĐVTN trong tỉnh lại hăng hái tham gia thực hiện các công trình, phần việc có ý nghĩa. Theo đó, những chiến sĩ trẻ mang trên mình chiếc áo xanh tình nguyện tập trung hướng về cơ sở, tích cực tham gia các hoạt động như: phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh; chăm sóc thiếu niên, nhi đồng... 

“Đằng sau những công trình, phần việc mang tên thanh niên là những dấu ấn đẹp trong lòng người dân, là sự trải nghiệm cống hiến, rèn luyện và trưởng thành của mỗi áo xanh tình nguyện, là sự đóng góp tích cực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”. Anh nhấn mạnh.

 

Thắp sáng đường quê, công trình ghi dấu ấn của tuổi trẻ

 

Thanh niên, người dân, chính quyền cùng làm tình nguyện

Khởi nguồn từ ý tưởng lắp đặt gần 40 bóng đèn tiết kiệm điện với chiều dài gần 2 km ở một con đường vùng biên giới thuộc xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, đến nay cách làm ấy đã trở thành một công trình đầy ý nghĩa mà đoàn viên thanh niên tại 9 huyện, thành phố trong tỉnh sôi nổi thực hiện.

Từ khi đường làng, ngõ xóm được thắp sáng, người dân sinh hoạt và đi lại dễ dàng hơn vào ban đêm. Hơn thế nữa, ánh sáng xua đi bóng tối, xua đi tệ nạn xã hội luôn có nguy cơ rình rập, đe dọa. Có đèn đường chiếu sáng, tối đến người dân tản bộ, trẻ em chạy nhảy, vui chơi, đi lại thuận lợi, an toàn. Công trình đã đi qua nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều xã vùng sâu, biên giới góp phần thiết thực vào việc xây dựng nông thôn ngày một đổi mới. và đó là kết quả của công tác dân vận ở địa phương nói chung, Đoàn thanh niên nói riêng và công sức của các bạn ĐVTN chung tay xây dựng quê hương, với mong muốn làm cho quê hương Tây Ninh dần “thay da đổi thịt”.

Hồ hởi cùng niềm vui chung của bà con nhân dân trên địa bàn xã Hòa Thạnh (huyện Châu Thành); Chú Lê Văn Kim – người dân ấp Hiệp Bình – xã Hòa Thạnh cho biết “Bản thân tôi sống ở đây gần như là người đầu tiên sống tại ấp Hiệp Bình này, vừa qua tổ chức Đoàn đã lắp đặt ánh sáng đường quê tại địa bàn này, một ấp vùng sâu biên giới. Có được ánh sáng, người dân chúng tôi rất phấn khởi, có ánh sáng mọi người thuận lợi hơn trong việc đi lại, vận chuyển, tình hình an ninh trật tự cũng đưpợc đảm bảo.”

Đến nay, hàng loạt tuyến đường nông thôn tại các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Châu Thành, Hòa Thành, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, TP.Tây Ninh dần được chiếu sáng. Đã có hàng trăm công trình thanh niên cùng hàng ngàn bóng đèn  với tổng chiều dài 497,2 km đường được thắp sáng, trị giá hơn 9,9 tỷ đồng.  

Không còn là con đường được góp sức của riêng thanh niên, hiệu quả của công trình không chỉ là số km đường dây, số bóng đèn lắp đặt được mà là sự đồng thuận chung tay, cùng vào cuộc của chính quyền địa phương và bà con nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. 

Mô hình “Hạt gạo tình thương” được Huyện đoàn Châu Thành phát động và triển khai thực hiện từ năm 2015

Nhân rộng nhiều mô hình thành công

“Bữa cơm tình nguyện”, “bữa cơm yêu thương”, “hạt gạo tình thương”, dù là tên gọi gì đi nữa thì đều hết sức trân quý bởi ý nghĩa của hoạt động mang lại và được các bạn trẻ ở nhiều huyện hưởng ứng. 

Mô hình “Hạt gạo tình thương” được Huyện đoàn Châu Thành phát động và triển khai thực hiện từ năm 2015. Ngay sau khi thu hoạch vụ lúa mùa trên địa bàn huyện, bằng chiếc xe cải tiến nhỏ gọn tự chế, với tấm băng rôn mang dòng chữ “Hạt gạo tình thương”, thế là các bạn đoàn viên thanh niên đã len lỏi đi khắp đường làng ngõ xóm, đến từng hộ dân, để tuyên truyền, vận động người dân quyên góp, hỗ trợ gạo và kinh phí thực hiện các công trình.

Từ nguồn quyên góp được, các bạn đoàn viên thanh niên đã tổ chức các hoạt động trao tặng quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Phần còn dư lại, hay những đóng góp bằng hiện kim, đã được các bạn đoàn viên thanh niên đã sáng tạo, triển khai thực hiện thành mô hình thanh niên mới, với tên gọi “Bữa cơm tình nguyện”.

Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình này đã được triển khai sâu rộng tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh qua đó cũng đã được các cấp lãnh đạo đánh giá cao và được đông đảo các bạn đoàn viên thanh niên nhiệt tình hưởng ứng. 

Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh đã vận động hơn 2 tỷ đồng để xây dựng 24 cụm trò chơi cho thiếu nhi, được lắp đặt tại các khu vực công cộng của các địa phương, nhất là các địa phương vùng nông thôn, biên giới, vùng khó khăn của tỉnh. Mỗi cụm trò chơi có trị giá ít nhất 50 triệu đồng, với ít nhất là 8 trò chơi, phù hợp với mọi đối tượng trẻ em, như: đu quay, cầu tuột, xích đu…, cao nhất là trị giá gần 150 triệu đồng.

Bên cạnh việc xây dựng các cụm trò chơi trang bị mới, các cơ sở đoàn cũng đã tích cực vận động khu vui chơi của tư nhân để hỗ trợ vé miễn phí cho các em khó khăn vào những ngày cố định trong tuần, hoặc tái chế lốp xe để tạo thành các trò chơi bắt mắt, vui nhộn, an toàn cho trẻ em với tên gọi “Hành trình thứ hai của lốp xe”./.
 

CTV Đăng Khoa –TĐ Tây Ninh (NA)