Góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng thể hiện trách nhiệm của người trẻ

06:41 27/10/2020     1345

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Chiều 26/10, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ chủ chốt Đoàn, Hội và thanh niên tiêu biểu vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư trao đổi với các đại biểu tại Hội ngh
 

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; ông Đỗ Văn Phới, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Cùng tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; PGS - TS Nguyễn Viết Thông, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư; các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc lấy ý kiến nhân dân góp ý Văn kiện Đại hội XIII của Đảng…

Triển khai góp ý văn kiện Đại hội đảng các cấp với nhiều cách làm đa dạng, sáng tạo

 

Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, T.Ư Đoàn đã tổ chức 4 đợt hoạt động cao điểm trong năm để chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của Đảng, của đất nước.

Việc tham gia góp ý Văn kiện Đại hội XIII của Đảng gắn với quá trình tham gia góp ý văn kiện Đại hội Đảng cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp tỉnh được các cấp bộ Đoàn triển khai với nhiều cách làm đa dạng, sáng tạo, như sinh hoạt chi đoàn theo chủ điểm với chủ đề “Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Nhận thức và hành động của tuổi trẻ”; tổ chức các diễn đàn, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học; tổ chức lấy ý kiến góp ý của đoàn viên, thanh niên trên internet, mạng xã hội; lấy ý kiến thông qua hệ thống báo chí của Đoàn. Các ý kiến đóng góp ý kiến của cán bộ, đoàn viên, thanh niên đều được các cấp bộ tổng hợp gửi tới Mặt trận Tổ quốc, Tiểu ban Văn kiện và các ban xây dựng Đảng cùng cấp.

 “Qua theo dõi tổng hợp bước đầu cho thấy 100% đoàn cơ sở, đoàn cấp huyện và đoàn cấp tỉnh đều xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các nội dung góp ý của tuổi trẻ cả nước được các cấp ủy Đảng đánh giá cao; có nhiều ý kiến tâm huyết, thắng thắn, trực diện, khách quan. Những kết quả bước đầu nêu trên đã và đang tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của tuổi trẻ cả nước thiết thực chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nói.

Tạo cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao

Các đại biểu cho rằng, trong dự thảo văn kiện cần nêu rõ những cơ chế, chính sách cụ thể tạo động lực để thu hút nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao theo hướng quan tâm đúng mức tới lợi ích kinh tế để nhân tài quyết định gắn bó, cống hiến với cơ quan, đơn vị.

Theo TS. Trương Ngọc Kiểm, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần đổi mới văn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trình độ cao; đa dạng hóa các loại hình giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, ở mọi lứa tuổi được học thường xuyên, liên tục, suốt đời.

Bên cạnh “Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm” như trong dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định, đề nghị bổ sung chủ trương, giải pháp về cơ chế, chính sách để hình thành một số cơ sở đào tạo sư phạm đạt chất lượng cao trong khu vực. Đây là đòi hỏi của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; phù hợp với đặc thù của lĩnh vực đào tạo sư phạm.

Thanh niên là lực lượng tiên phong, những “đầu tàu” đưa cộng đồng phát triển

Tại Hội nghị, TS Hà Việt Quân, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban dân tộc, Ủy viên Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN cho biết: Sau 35 năm đổi mới, nhưng một thực tế là đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào thiểu số phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với cả nước.

 

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị

 

Trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cần xác định giải pháp đột phá cho giai đoạn tới về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng xoay trục từ “giảm nghèo” sang “làm giàu”. Trong đó, cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho những người dân tộc thiểu số biết sáng tạo phát triển sản xuất kinh doanh và làm giàu. Cần xây dựng những cá nhân này để họ trở thành những “đầu tàu” đưa cộng đồng phát triển.

"Thanh niên sẽ là lực lượng lao động nòng cốt, có ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên với những thay đổi của xã hội, vì vậy, cần phải giao nhiệm vụ cho tầng lớp thanh niên như lực lượng tiên phong trong củng cố, gìn giữ và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc", TS Hà Việt Quân nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận sự chủ động của Trung ương Đoàn trong việc sớm có cách thức và hình thức lấy ý kiến góp ý của đoàn viên, thanh niên. Đồng thời nhấn mạnh thế hệ trẻ luôn là động lực phát triển trong tầm nhìn chiến lược dài hạn đề ra trong các dự thảo văn kiện. “Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ nên suy nghĩ về những thách thức cơ hội trong 5, 10, 15 năm tới. Thế hệ trẻ sẽ tiếp cận vấn đề này như thế nào để tận dụng được toàn bộ cơ hội. Học hành phải giỏi hơn để đổi mới sáng tạo, để ứng dụng khoa học công nghệ, để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao và vượt qua những thách thức”, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nói.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp Đoàn, Hội, Đội tiếp tục nghiên cứu sâu, nhất là nội dung về thế hệ trẻ, thảo luận và đóng góp ý kiến tập trung cho các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này.

Tại hội nghị, nhiều điểm mới trong dự thảo các văn kiện đã được các đại biểu tham luận đóng góp ý kiến. Trong đó, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số được thế hệ thanh niên đặc biệt quan tâm. Không chỉ đổi mới mô hình tăng trưởng, những vấn đề về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng những hệ giá trị chuẩn mực của người Việt Nam cũng là những điểm mới trong dự thảo các văn kiện được thế hệ trẻ quan tâm.

 

Trịnh Lý