Thừa Thiên Huế: Hội nghị góp ý Luật Thanh niên (sửa đổi)

15:53 01/11/2019     9955

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: Ngày 29/10, đồng chí Trần Gia Công - Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì Hội nghị góp ý Luật Thanh niên (sửa đổi).

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Gia Công đã phát biểu đề dẫn để các đại biểu nghiên cứu đóng góp ý kiến, phản biện xã hội đối với Bản thảo lần thứ 6 Luật Thanh niên (sửa đổi) do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam hoàn chỉnh và ban hành ngày 12/9/2019.

Hội nghị đã ghi nhận và tiếp thu những ý kiến góp ý, phản biện xã hội đối với Luật Thanh niên (sửa đổi) của các đại biểu, đa số các ý kiến góp ý tập trung về độ tuổi của thanh niên (tuổi của thanh niên được quy định trong Luật Thanh niên (sửa đổi) so sánh với quy định độ tuổi của thiếu niên, thanh niên trong Luật trẻ em năm 2016); Chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đặc biệt cần có những quy định thêm về chính sách, chế độ đãi ngộ xứng đáng với thanh niên hoàn lương, thanh niên hiện đang công tác tại các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, thanh niên xuất ngũ.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Trình – Bí thư Đoàn Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh phát biểu tại Hội nghị

 

Ngoài ra, một số đại biểu đề xuất cần bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thanh niên và công tác thanh niên, cơ chế, chế tài bảo đảm thực hiện Luật Thanh niên nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quy định trong Luật Thanh niên. Đồng thời, cần bổ sung thêm một số quyền của thanh niên bên cạnh những quyền đã được quy định nhằm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 như: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…

Đồng chí Nguyễn Hữu Trình - Bí thư Đoàn Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh phát biểu: “Nền kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Trước những yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải đổi mới, hoàn thiện để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh và phù hợp với sự phát triển của thanh niên”.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa X “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đã đề ra nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp với tình hình mới. Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên, phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

 

Nguyên Phương - TĐ Thừa Thiên Huế (TN)