Phong trào hành động cách mạng giúp thanh niên rèn luyện, cống hiến, trưởng thành

03:29 19/05/2019     9724

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Trong 50 năm qua, thông qua nhiều phong trào hành động cách mạng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã hăng hái, xung phong, không ngại khó, ngại khổ, đóng góp chủ động và tích cực cho đất nước. Từ đó, thanh niên được rèn luyện, trưởng thành, tích luỹ lý tưởng, khát vọng, hoài bão, ước mơ, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn.

Chiều 18/5, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh", phiên chuyên đề 2 với chủ đề "Phong trào hành động cách mạng - môi trường thực tiễn sinh động để đào tạo, bồi dưỡng thanh niên theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn và đồng chí Nguyễn Văn Phong - Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội chủ trì hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo

Phong trào thiết kế phù hợp với từng giai đoạn lịch sử

Tham luận tại Hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Việt - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho rằng, Hà Nội tự hào là nơi khởi xướng nhiều phong trào, mô hình có sức lan tỏa, dẫn dắt, định hướng cả nước. Từ những phong trào nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ tổ quốc như Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, Ba Sẵn sàng, Chiếc gậy Trường Sơn... cho tới phong trào Thanh niên tình nguyện, Tôi yêu Hà Nội... hiện nay, đã phát huy được tinh thần xung kích, tình nguyện, đáp ứng nguyện vọng yêu nước, mong muốn cống hiến của tuổi trẻ Thủ đô.

"Các phong trào hành động cách mạng đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của Đoàn Thanh niên các cấp, phát huy tinh thần tiên phong, xung kích tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Trong bất kỳ giai đoạn nào, tuổi trẻ Thủ đô luôn có những đóng góp quan trọng, xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đồng chí Nguyễn Ngọc Việt khẳng định.

Theo đồng chí Vũ Thị Giáng Hương - Trưởng Ban Thanh niên Công nhân và đô thị Trung ương Đoàn, trong 40 năm qua, việc đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên đã trở thành môi trường để thanh niên trui rèn, thử thách, được bồi dưỡng, cống hiến và trưởng thành. Các công trình dù lớn hay nhỏ, ở đâu và ở thời điểm nào thanh niên cũng khẳng định sức mạnh và tinh thần xung kích, tình nguyện của những người trẻ để góp phần hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Đồng chí Vũ Thị Giáng Hương - Trưởng Ban Thanh niên Công nhân và đô thị Trung ương Đoàn với tham luận "Từ các công trường TNCS Hồ Chí Minh đến các công trình thanh niên làm theo lời Bác"

"Từ những công trình tiêu biểu như: Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Yaly, đường Hồ Chí Minh, Đảo Thanh niên Bạch Long Vỹ, Nhà máy Thủy điện Lai Châu… cho đến xây dựng nhà tình nghĩa, cầu nông thôn, đường giao thông miền núi,… đều mang dấu ấn thanh niên”, đồng chí Vũ Thị Giáng Hương nhấn mạnh.

Với thực tế triển khai phong trào tại cơ sở, đồng chí Phùng Thị Hồng Chuyên - Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Phú Thọ cho biết, từ các phong trào, nhiều nội dung đã thực sự đi vào đời sống, không chỉ với ĐVTN mà cả người dân. Những công trình, phần việc như Thắp sáng đường quê, Vườn cây thanh niên, khám chữa bệnh cho người nghèo... đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của thanh niên trên với cộng đồng và đóng góp xây dựng quê hương.

"Phong trào hành động cách mạng đã khơi dậy tiềm năng của tuổi trẻ trên địa bàn dân cư. Nếu không có tổ chức Đoàn, sẽ không có nơi thu hút, tập hợp thanh niên cùng góp sức thực hiện các nhiệm vụ của địa phương", đồng chí Phùng Thị Hồng Chuyên khẳng định.

Đồng chí Phùng Thị Hồng Chuyên - Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Phú Thọ trình bày tham luận về phát huy vai trò thanh niên địa bàn dân cư

 

Thách thức đổi mới nội dung, phương thức thực hiện phong trào

Khẳng định phong trào hành động cách mạng là môi trường thực tiễn sinh động để đào tạo, bồi dưỡng thanh niên, tuy nhiên, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng đặt ra vấn đề đổi mới nội dung, phương thức trong tổ chức, thực hiện phong trào trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho rằng, những vấn đề của thanh niên gắn với cách mạng Việt Nam là xuyên suốt, được Bác Hồ đặt ra từ ngày đầu. Di chúc của Bác cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Đảng về công tác thanh niên. Thực tế, các phong trào hành động cách mạng của Đoàn đã giúp thanh niên được cống hiến, rèn luyện và trưởng thành.

Tuy nhiên, nhiều phong trào có sức sống lâu dài, nhưng có phong trào hiệu quả còn hạn chế. Bác dành nhiều tình cảm cho thanh niên và quan tâm đến từng nhóm đối tượng thanh niên. Đối tượng nào cũng cần có hoạt động, mô hình phù hợp.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cán bộ Đoàn, đoàn viên tiêu biểu

Theo đồng chí Nguyễn Phú Trường - Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, phong trào thanh niên ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng, có tính hiệu triệu, thiết thực và mang lại những giá trị kinh tế xã hội cụ thể, thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Tuy nhiên, không gian và điều kiện cho thanh niên và công tác thanh niên hiện nay vẫn còn chật hẹp, chưa tương xứng.

Đồng chí Nguyễn Phú Trường cũng nêu lên một số khó khăn, hạn chế của thanh niên Việt Nam hiện nay như: sức khoẻ thể chất, kỹ năng, năng suất lao động hay tình trạng sử dụng rượu bia ngày càng gia tăng. Vì vậy, phong trào của tổ chức Đoàn cần có tầm nhìn gắn với những mục tiêu cụ thể của đất nước theo từng giai đoạn, không nên là những mục tiêu chung chung.

Với thực tế triển khai phong trào "Ba trách nhiệm" hiệu quả tại Bắc Giang, đồng chí Lê Minh Hải - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng, kết quả này là do phong trào có nội dung và tiêu chí phù hợp. Từ phong trào lớn, nhiều phong trào nhỏ, chương trình, phần việc được duy trì bền vững như: phong trào rèn luyện thể dục thể thao, chương trình Ngày chủ nhật vì dân...

Tuy nhiên, đồng chí Lê Minh Hải cho rằng, để triển khai phong trào này sâu rộng cần có tổng kết, đánh giá theo từng năm, từng giai đoạn; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các gương tiêu biểu và chú trọng truyền thông sau tôn vinh. "Không chỉ dừng lại cải cách hành chính, phong trào cần được đa dạng hoá nội dung, cách thức thực hiện để phù hợp với từng đơn vị", Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang đề xuất.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn cho rằng, các tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá những tư tưởng, tinh thần trong di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Nổi bật là ý nghĩa và tầm quan trọng của việc lựa chọn, thiết kế, tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả của các phong trào hành động cách mạng, để tạo môi trường thực tiễn thuận lợi và phong phú nhất cho việc đào tạo, bồi dưỡng thanh niên.

Thông qua các ý kiến tham luận cho thấy, Đoàn đã tiếp cận đúng nhiệm vụ được Đảng giao, tiếp cận đúng hướng tư tưởng, tinh thần của Bác dặn dò trong Di chúc, để thiết kế, tổ chức các phong trào hành động cách mạng phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước; vừa phát huy tinh thần hăng hái, xung phong của thanh niên, đồng thời chăm lo, bồi dưỡng cho thanh niên và tạo ra môi trường thực tiễn phong phú để thanh niên rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, trong bối cảnh hiện nay với nhiều thời cơ và thách thức mới, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc những tư tưởng, tinh thần trong di chúc của Bác dành cho thanh niên để thiết kế, lựa chọn, tổ chức những phong trào hành động cách mạng phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, theo như lời Bác dặn phải "được việc, được người, được tổ chức".

Theo đó, phong trào không được "đánh trống bỏ dùi", không được hình thức, phô trương mà phải hướng đến giá trị thiết thực, những giá trị bền vững cho yêu cầu phát triển kinh tế, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Phải bồi đắp cho thanh niên khát vọng vươn lên thông qua công việc rất cụ thể.

"Thanh niên chúng ta bây giờ phân tán hơn, nên các thế hệ đi trước nhìn vào chúng ta còn băn khoăn. Phải cá biệt hoá, phải có phong trào cho từng đối tượng, từng khu vực, không chỉ chọn người tốt, người ưu tú để tổ chức phong trào. Có thanh niên ưu tú thì cũng có thanh niên còn khiếm khuyết, hạn chế và đưa các bạn vào từng công việc, từng phong trào một cách có giá trị, có hiệu quả đấy chính là trách nhiệm của chúng ta, là "được người" như Bác mong muốn", đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

 

Kiều Anh