Kết hợp giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

08:12 26/08/2019     2557

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Chính ý thức và hành động của mỗi người là điều kiện để tạo ra môi trường đạo đức- pháp luật tốt đẹp

ĐVTN tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019. Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Ảnh: Báo TPO

 

Pháp luật và đạo đức

Hà Nội. Sáng mồng 1 Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019. Tại một ngã Tư đường phố. Ngày thường đông là thế, nhưng sáng đó đường phố thật vắng vẻ.  Thi thoảng mới có một xe máy lướt qua. Có hai bà cháu đang chờ sang đường. Bà độ khoảng 70 còn cháu độ khoảng 6-7 tuổi. Chờ gì nữa, đèn đỏ vẫn cứ sang được mà! Vắng như thế, đợi đèn xanh làm chi! Nghĩ thế, bà bước chân xuống đường, nhưng cháu bé cứ níu áo kéo bà lại. Bà ơi, đèn xanh chưa bật! Dứt khoát là dứt khoát, không đi là không đi, khi nào đèn xanh báo hiệu cho đi thì bà cháu ta mới đi. Thì ra, cháu bé theo bố mẹ sống mấy năm ở nước ngoài vừa về Việt Nam nghỉ Tết. Đó là sự biểu đạt trình độ văn hóa giao thông của một đứa trẻ được giáo dục về lối sống theo luật pháp ở nước ngoài.

Vậy, đâu là dấu hiệu biểu đạt của trình độ thực thi luật pháp và đâu là dấu hiệu của đạo đức con người? Đạo đức nằm trong hành động qua đường đó chứ đâu. Điều này liên quan đến triết lý phát triển. Về triết lý phát triển thì quả là còn nhiều điều đáng bàn. Có thể coi rằng, triết lý là lý luận về triết học, tức là quan niệm về con người, về những vấn đề nhân sinh và xã hội. Còn phát triển là làm cho sự vật lớn lên theo chiều tốt đẹp. Triết lý phát triển bao giờ cũng là thông qua cuộc sống con người, thông qua sự biến đổi các vấn đề nhân sinh và xã hội theo chiều hướng tốt đẹp. Chủ yếu những điều đó thể hiện ở hai yếu tố con người đề ra và thực thi pháp luật cũng như xử lý các mối quan hệ ứng xử thuộc đạo đức.

Trong cuộc sống của con người xã hội, nhất là ở Trung Quốc cổ đại, nhiều người hay phân ra làm hai tuyến: “đức trị” và “pháp trị”. Từ đó, có người tiếp cận sự phát triển phải là từ “pháp trị”, chứ không theo “đức trị”; rồi cho rằng, cái mà theo đức thì xã hội đâu có phát triển, phải theo pháp thì xã hội, cả cổ - kim, đông - tây, mới phát triển được.

Tôi thì thấy rằng, pháp ở đây do chính con người làm ra, con người tự quy ước với nhau để hành xử ở đời chứ không ở ngoài con người, có điều là pháp đó đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp, đầy đủ hay là thiếu so với yêu cầu giải quyết các mối quan hệ cá nhân-xã hội. Vì vậy, khi nói tới pháp (đúng đắn) thì đã có yếu tố đức rồi. Ngược lại, khi nói tới đức (chân chính, đúng đắn) thì đã bao hàm cả pháp rồi. Bảo rằng, pháp là duy lý, đúng như vậy. Bảo rằng, đức là duy tình, không sai. Nhưng, có thật 100% vậy không? Nói vậy nhưng đâu phải vậy. Trong xã hội, nhất là ở xã hội hiện đại, có ty tỷ các mối quan hệ mà con người phải hành xử, nhưng không thể/không nên đưa tất cả vào định chế của luật pháp quốc gia. Còn đạo đức là cái bao trùm lên tất thảy đời sống của con người, là cái nền/cơ sở để từ đó dựng lên những điều trong pháp luật cho đúng đắn. Do thế, trong các điều của luật pháp, đã thể hiện được cái đức trong đó. Thật khó mà tách bạch, cắt chúng ra. Có lúc cũng có thể làm vậy, nhưng chỉ là khi xem xét, đánh giá hành vi con người ở từng khía cạnh một cho nó rõ thêm, sâu sắc thêm.

Chính điều này, theo thiển ý của tôi, là lý do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Thư (sau này được gọi là Di chúc) dặn Đảng ta giải quyết những công việc thời hậu chiến, trong đó có việc khôi phục sự đoàn kết “các đảng anh em và các nước anh em”: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Trong xã hội hiện đại, luật pháp ngày càng đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn, nhưng điều tiết mọi hành vi thì đâu chỉ có luật pháp. Hồ Chí Minh bao giờ cũng chú ý cả "đức trị" và "pháp trị", xử lý mọi công việc phải vừa có lý, vừa có tình.

Để thực thực hiện tốt luật pháp hay để làm tốt bất kỳ việc gì đi chăng nữa thì trước hết vẫn cần cái đức. Thế nên, cắt lát ra một cách tương đối hoặc ước lệ về đức và tài, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng cho rằng Đức là gốc (Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài - Truyện Kiều của Nguyễn Du. Về khía cạnh nào đó, Tâm ở đây có thể được quy vào Đức). Trong cơ chế vận hành của xã hội Việt Nam hiện thời, có thể có người không đồng ý, mà ngược lại, cho rằng, tài là gốc; rằng, người có tài thì đặt vào đâu cũng làm được, chứ thời nay sao lại đặt yếu tố đức là gốc? Thực tế nóng hổi bao nhiêu năm nay ở Việt Nam càng minh chứng rõ quan điểm đức là gốc vẫn đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì ?” . Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài trong một con người, nhưng xét về thứ tự ưu tiên thì Người vẫn cho đức là cơ bản hơn cả. Người cho rằng, có tài mà không có đức thì tài ấy chẳng dùng làm gì; có đức mà không có tài thì như ông bụt ngồi đấy chẳng hại ai nhưng cũng chẳng có ích gì. Đây là quan điểm cơ bản, có ý nghĩa thời sự hiện nay.

Đối với người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” . Trong năm cuối đời, năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đúng dịp kỷ niệm thành lập Đảng để giáo dục cán bộ, đảng viên. Và trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân… Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những ngư¬ời thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên".

Xin khẳng định rằng, ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là ng¬ười đầu tiên đề cập đạo đức công dân trong chế độ mới, trong đó gắn với nghĩa vụ của công dân đóng thuế “đúng số và đúng kỳ”. Mà vấn đề đóng thuế, ở rất nhiều nước trên thế giới, người ta coi đó không chỉ là vấn đề thực thi pháp luật mà còn là vấn đề thể hiện đạo đức của con người.

Kết hợp giáo dục

Giáo dục là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất của văn hoá. Có con người là đã có giáo dục. Giáo dục chính là quá trình, cách thức làm bộc lộ những khả năng tiềm ẩn của người được giáo dục. Trong tập thơ chữ Hán Nhật ký trong tù, ở bài số 100, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên vai trò rất lớn của giáo dục (Nam Trân dịch):

Nửa đêm

Ngủ thì ai cũng như lương thiện,

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,

Phần nhiều do giáo dục mà nên

Vừa giáo dục pháp luật vừa giáo dục đạo đức.

Như trên đã nói, cắt lát ra cũng chỉ là tương đối mà thôi. Một thanh niên đúng nghĩa “thành người” (theo nghĩa của Hồ Chí Minh viết vào Sổ truyền thống của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương năm 1949 là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ…” và theo 4 trụ cột giáo dục của UNESCO công bố trong  Báo cáo Delos năm 1996: Học để biết; Học để làm việc; Học để chung sống với nhau; Học để làm người) là kết quả của cả giáo dục trên ba không gian (cũng tương đối): gia đình, nhà trường, xã hội (trong không gian xã hội có tổ chức Đoàn Thanh niên); cũng là kết quả giáo dục từ luật pháp cộng với giáo dục. Một anh thanh niên nghiện ma túy, muốn cải tạo cho anh ta thành người bình thường, ngoài ý lên lớp và anh ta tự học, còn phải dùng giáo dục bằng luật pháp và các biện pháp khác về đạo đức. Lệch và chuyên về một mặt nào đều không đem lại kết quả tốt.

Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì thế, đời sống xã hội Việt Nam ngày càng theo sự chế định của Hiến pháp và pháp luật. Tính “pháp quyền” là ở đó. Bản thân Hiến pháp và pháp luật nếu được xây dựng tốt thì đã là sự thể chế hóa cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Trong điều kiện hiện nay, cần chú trọng hơn nữa giáo dục pháp luật cho thanh niên.

Thống nhất giữa lý thuyết và thực hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục không những vì Người là giáo viên của Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận) dù chỉ là mấy tháng của thập niên đầu thế kỷ XX. Người là giảng viên của các lớp huấn luyện thanh niên Việt Nam yêu nước trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hành giáo dục theo phương pháp tiên tiến, phương pháp tích cực ngay những năm đầu thế kỷ XX . Lối giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng là dạy và học gắn liền với thực tế, lý thuyết gắn với thảo luận, thực hành, gắn kết giữa đạo đức với thực thi những quy ước thực tế thông qua luật pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giáo dục bằng các công cụ gương sáng, gương tốt.

Người lớn tuổi nêu gương tốt cho người nhỏ tuổi hơn; đảng viên nêu gương sáng cho người ngoài Đảng; đoàn viên thanh niên nêu gương cho thanh niên và thiếu niên nhi đồng; thầy nêu gương tốt cho trò, v.v. Nói chuyện với cán bộ ở một trường huấn luyện (11-1945), Hồ Chí Minh nói: “Phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng, hăng hái. Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được?...Miệng nói tay phải làm mới được” . Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kỵ giáo điều, là một con người luôn luôn canh tân. Đã có nhiều lần Người đề cập vấn đề giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói chuyện với cán bộ của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng năm 1968, Người  nói: “Các chú dạy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho mọi người hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là thế nào không? Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác” . Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất” . Cũng như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” .

Làm gương sáng cho người khác soi, đó là một phương cách xử thế ở đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều cái phản văn hoá hay là đạo đức giả thường là có bốn biểu hiện: (1) Nói thì nhiều nhưng làm thì ít; (2) Nói thì hay nhưng làm thì dở; (3) Nói mà không làm; (4) Nói một đằng làm một nẻo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: ở phương Đông và ở Việt Nam, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Trong cuốn Đường cách mệnh, đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm là giáo dục cho học viên về Tư cách của một người cách mệnh gồm có 23 điều. Vào một tổ chức nào đó, trước hết phải có đủ tư cách. Ngay vào một câu lạc bộ nào đó cũng phải tuân thủ đúng quy định, điều lệ của câu lạc bộ. Huống hồ vào một tổ chức yêu nước, cách mạng, càng cần có tư cách. Và, điều 10 trong 23 điều tư cách đó được ghi trong cuốn Đường cách mệnh là: “Nói thì phải làm”.

Thời hiện nay là thời của số hóa (hiện nay là 4.0). Do vậy, có người bảo thôi thì hãy miễn cái kiểu lội ruộng, tát nước, cấy lúa, cuốc đất làm vườn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đi, xưa cũ lắm rồi; xin mời cán bộ lãnh đạo hãy cứ đến gõ chiêng thị trường chứng khoán hoặc bấm nút khai trương cổng thông tin điệm tử chứ đừng lội ruộng. Mà lạ thay, có những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh làm được, làm một cách dễ dàng và tự nhiên, không gượng gạo thì đối với nhiều người khác làm không được, hoặc không muốn làm, hoặc làm một cách gượng ép, kiểu cứ cố làm thật nhưng càng cố làm thì càng thấy giả tạo theo kiểu diễn kịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp hành pháp luật một cách rất nghiêm minh. Ở đây cần cả dũng khí và cần cả tư duy cũng như cần cả cái nếp tu dưỡng đã thành kết quả tất yếu. Cái thật, cái giả trong hành động làm gương không thể che mắt thiên hạ được, nhất là hiện nay các phương tiện nghe nhìn bắt ở các góc độ khác nhau, ở không gian nhiều chiều trong dân chúng chứ không chỉ là không gian ba-bốn-năm…chiều trong kỹ thuật quang học.

Giáo dục bằng việc chung tay xây dựng môi trường đạo đức pháp luật.

Trong xây dựng môi trường đạo đức, pháp luật, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, rõ nhất là chú trọng những vấn đề sau đây:

Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Tôn trọng và phát huy truyền thống tốt đẹp, thuần phong mỹ tục.

Tạo ra một cách thường xuyên tinh thần đề cao cái đẹp, cái tốt; lên án cái xấu, cái ác và khuyến khích mọi người làm việc thiện.

Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc xây dựng môi trường đạo đức- pháp luật.

Giải quyết tốt, đồng bộ tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, làm cho đất nước Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Dù áp dụng biện pháp nào đi chăng nữa thì ý thức tự giác của mỗi cá nhân là quan trọng nhất. Chính ý thức và hành động của mỗi người là điều kiện để tạo ra môi trường đạo đức-pháp luật tốt đẹp. Cuộc sống của mỗi người chính là một yếu tố cấu tạo nên cuộc sống của xã hội. Mà đứng về khía cạnh pháp luật-đạo đức mà nói thì mỗi cá nhân lại là kết quả của một quá trình giáo dục hằng ngày của tất cả các tổ chức trong xã hội.

Giáo dục pháp luật và đạo đức để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Hiện nay ở Việt Nam đang bàn luận nhiều về triết lý giáo dục. Có nhiều người than phiền rằng, ở Việt Nam chưa có triết lý giáo dục, vì thế giáo dục mấy năm rồi lộn xộn quá. Có người bảo rằng, ở Việt Nam có rồi, triết lý ấy có trong Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà. Xin trở lại với những nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bức thư gửi các em học sinh nhân “ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”, năm 1945 . Trong thư này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam đó là gì? Chủ tịch Hồ Chí Minh so sánh mục tiêu của nền giáo dục cũ của thực dân-phong kiến với mục tiêu của nền giáo dục mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: “Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em…Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên ta đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Như vậy, chỉ một đoạn rất ngắn trong bức thư trên đây thôi, tôi cảm nhận được một số điều sau đây: (1) Giáo dục là “làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Đây là quan niệm của một tư duy giáo dục rất tiên tiến, nghĩa là giáo dục là một quá trình kích thích tư duy, kích thích sự phát triển, làm cho mọi năng lực của con người được bồi đắp và thích ứng với yêu cầu của cuộc sống; (2) Mục tiêu giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tạo ra những công dân có ích cho xã hội Việt Nam, khác với nền giáo dục thực dân-phong kiến, một nền học vấn nô lệ nhằm tạo ra một đội ngũ tay sai cho thực dân Pháp; (3) Với quan niệm như vậy về giáo dục và với mục tiêu giáo dục như vậy, nền giáo dục trông chờ vào việc đóng góp của các em học sinh, những người mà sẽ làm cho non sông Việt Nam tươi đẹp, bước tới đài vinh quang, làm cho Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu.

Đã gọi là giáo dục theo mục tiêu thì không phải cứ chạy theo khối lượng kiến thức, mà là ở chỗ trang bị kiến thức gì để đạt chất lượng phục vụ cho mục tiêu. Nhiều lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nêu lên những yêu cầu tưởng chừng như rất đơn giản thôi trong giáo dục. Chẳng hạn, trong cuộc vận động xoá nạn mù chữ để diệt giặc dốt ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Hồ Chí Minh chỉ nêu yêu cầu là làm cho mọi người biết đọc, biết viết. Thế thôi. Nhưng đó quả là một cuộc cách mạng để nâng cao dân trí, bởi vì hơn 80 năm cai trị, thực dân Pháp thi hành chính sách “Làm cho dân ngu để dễ trị”, mở rất ít trường học, đầu độc nhân dân Việt Nam bằng rượu cồn và thuốc phiện. Một tâm lý thường thấy ở nhiều nhà giáo dục hiện nay ở Việt Nam là muốn trang bị thật nhiều tri thức cho học sinh, thành thử thời lượng chương trình học tập các môn học rất nặng. Học sinh thời nay hầu như không có tuổi thơ. Giáo dục theo mục tiêu là một nền giáo dục cho học sinh biết cái nào là đúng, cái nào là sai, biết phân biệt được tốt, xấu, có lòng tự trọng, kính yêu ông bà, cha mẹ, yêu anh chị em, những người trong họ hàng thân tộc, những người láng giềng, các bạn bè trong lớp, những người chung quanh, đặc biệt là biết chấp hành luật pháp, những luật lệ của cộng đồng. Yêu nước chính là từ những cái yếu tố đó mà thành.

Cuộc vận động về đời sống mới mà có thời kỳ Hồ Chí Minh phát động với cái đích không phải là cao siêu mà chỉ là từ những việc làm nho nhỏ như làm cho mọi người làm tốt 4 phép tính cộng trừ nhân chia, ăn ở sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh cho cá nhân mình và cho cộng đồng, không nói tục, chửi bậy, không mê tín dị đoan, con người với con người có quan hệ đúng mực.

Tri thức là vô cùng tận. Liệu trong một cấp học có trang bị được hết không, liệu trong cả hệ thống các cấp học có trang bị được hết không, ngay cả các hệ chuyên sâu, chuyên biệt? Cái điều không thể đó hiện nay nhiều người trong chúng ta chưa thông lắm, vẫn cứ ép, vẫn cứ muốn tải thật nhiều mà họ cho rằng như thế mới đạt được mục tiêu.

Hồ Chí Minh mượn ý của Nho giáo để đưa ra một thông điệp: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trồng người, sự nghiệp đó chính mới là mục tiêu mà nền giáo dục mới của nước ta phải đạt tới. Sự học, do đó, không có trang sách cuối cùng, như Hồ Chí Minh đã làm: học trên ghế nhà trường, học trong cuộc sống, học cả cuộc đời.

Giáo dục toàn diện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: con người là một chỉnh thể gồm cả đức và tài, hoặc có một cách diễn đạt khác mà Hồ Chí Minh viết là vừa “hồng” vừa “chuyên”, nghĩa là vừa có phẩm chất vừa có năng lực. Giáo dục, có lúc, có nơi là tác động vào cho con người ta về mặt này hay mặt kia, nhưng mặt này hay mặt kia đó, về tổng thể, đều phải tuân theo quan điểm giáo dục toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất; cả hiểu và làm theo pháp luật. Thực chất, đó là quan điểm làm phát triển con người Việt Nam. Con người Việt Nam tổng hợp lại theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải là con người có những phẩm chất và năng lực sau đây:

Con người có đạo đức cách mạng, có lý tưởng, có tình yêu đất nước, nhân văn, có quan hệ đúng mực với những người chung quanh, có ý chí vươn lên về mọi mặt trong cuộc sống để luôn luôn trở thành người có ích cho xã hội. Con người luôn luôn hành xử theo đúng pháp luật của đất nước.

Con người có những kỹ năng cần thiết để ứng xử thành công với tất cả các mối quan hệ tự nhiên, xã hội.

Con người có những tri thức nhất định, cần thiết, chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ mà người đó đảm nhiệm trong xã hội; đem những tri thức đó áp dụng vào trong thực tế, lao động sáng tạo, đóng góp phần tích cực làm lợi cho xã hội, cho cộng đồng, cho gia đình và bản thân.

Con người phải thường xuyên rèn luyện sức khoẻ để có sức khoẻ tốt.

Trùm lên tất cả, con người đó là con người có văn hoá.

Nhà trường, gia đình, xã hội và tự bản thân mỗi con người Việt Nam phải có trách nhiệm vươn lên để đáp ứng được những yêu cầu đó. Không ai không thấy sự cần thiết trong một điều kiện nào đó của hoàn cảnh và của con người, có thể có sự giáo dục chuyên sâu, chuyên biệt về một hay nhiều lĩnh vực nào đó, nhưng con người được giáo dục chỉ được coi là thành công khi con người đó được giáo dục toàn diện.

Kết hợp như thế nào giữa giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải được cụ thể hóa trong chương trình hành động của mỗi tổ chức chính trị, xã hội, trong đó có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Chương trình đó nên theo hướng:

Phù hợp với từng loại hình tổ chức và từng thời kỳ.

Nội dung phải bao hàm cả giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức, không lệch, thiên về một mặt nào; chúng phải là chỉnh thể của cả hai.

Áp dụng triển khai chương trình giáo dục đó cho thanh niên phải linh hoạt bằng nhiều phương pháp và hình thức phù hợp với từng lúc, từng nơi (Có thể lồng ghép trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong các hệ đào tạo chuyên sâu học nghề, đại học, sau đại học. Phương pháp thì phải bằng phương pháp dạy và học tích cực. Hình thức không nhất thiết chỉ là ở trong khuôn khổ nhà trường mà linh hoạt bằng nhiều hình thức khác: văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí…Có sơ kết, tổng kết, đánh giá, thưởng-phạt).

Đưa ra nhiều biện pháp góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội bởi vì con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, là kết quả của tất cả các môi trường giáo dục.

Khuyến khích tự giáo dục, từ tu dưỡng, rèn luyện.

Làm như thế cũng là thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo lời mong muốn cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” .

Mạch Quang Thắng- Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh