Những thanh niên dân tộc vượt khó làm kinh tế giỏi ở Gia Lai

16:32 25/04/2014     2138

3 Chương trình   Web.ĐTN: Trong những năm qua công tác Đoàn và phong trào thanh niên trên địa bàn tỉnh Gia lai đã có nhiều khởi sắc, các hoạt động của Đoàn đã từng bước đi vào chiều sâu và có sức lan toả. Đặc biệt phải kể đến phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, từ đó nhiều thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo, làm giàu cho bản thân và xã hội.
Đoàn TN tỉnh Gia Lai tổ chức lễ tuyên dương những thanh niên làm kinh tế giỏi
Đoàn TN tỉnh Gia Lai tổ chức lễ tuyên dương những thanh niên làm kinh tế giỏi


Nhìn vào ngôi nhà khang trang, thoáng mát được xây dựng theo kiểu “Nhà Thái” nằm ngay cạnh con đường lớn với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt có giá trị như: Xe máy, ti vi, công nông để phục vụ sản xuất…ít ai ngờ được chủ nhân của nó đã từng là người phải làm thuê, cuốc mướn, chạy ăn từng bữa, đó là Kpui Bang ở làng Lân thị trấn Chư Prông huyện Chưprông.

Năm 1997 khi lập gia đình hai vợ chồng trẻ Kpui Bang tạo lập cuộc sống không có gì ngoài sức trẻ, sự quyết tâm. Họ phải đi làm thuê, làm mướn cho mọi người, khó khăn, vất vả cứ luẩn quẩn đi theo, lao động quần quật mà cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ mặc. Sau bao nhiêu trăn trở, suy nghĩ Kpui Bang quyết định tìm con đường đi cho mình.

Đầu tiên Kpui Bang mượn 1ha đất của bố mẹ để khai hoang trồng cà phê, được Hội nông dân thị trấn Chư Prông lúc ấy cho vay 5 triệu đồng làm vốn. Vợ chồng Kpui Bang đã đầu tư toàn bộ số tiền trên xuống rẫy. Buổi ban đầu thiếu kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật, Kpui Bang vừa làm vừa học cách chăm sóc cà phê. Sự chịu thương chịu khó của hai vợ chồng cuối cùng cũng có được thành quả. Ba năm sau, vụ thu bói đầu tiên trừ tất cả chi phí hai vợ chồng thu về 30 triệu đồng. Thế là có tiền trả nợ, có tiền đầu tư tiếp tục mở rộng sản xuất, lại được Đoàn thanh niên cho vay 10 triệu đồng vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách-Xã hội, Kpui Bang mạnh dạn mở rộng sản xuất. Anh đào ao, vừa lấy nước tưới vừa nuôi cá phục vụ nhu cầu hàng ngày, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, trồng thêm cà phê và những cây trồng khác.

Sau những tháng ngày vất vả lao động, tích lũy hiện nay Kpui Bang đã có 2,4 ha cà phê, 500 cây điều, 300 m2 ao cá và 2 ha mỳ, 5 sào lúa nước. Diện tích lúa nước đủ cung cấp lương thực cho cả nhà trong năm cùng với đó là gà nuôi vườn, cá dưới ao là những nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn gia đình Kpui Bang. Năm 2013, sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình Kpui Bang thu về gần 200 triệu đồng. 

Khác với Kbui Bang năm 2003, tốt nghiệp THPT, không có điều kiện để học tiếp, Đinh Văn Vinh chàng trai trẻ người Bahnar ở làng Đáp, xã KôngLơngKhơng, huyện Kbang ở nhà với niềm trăn trở tại sao bà con người Ba Na của mình có đất canh tác lại phải chạy từng bữa ăn, mình phải mang kiến thức mình đã học từ nhà trường để phục vụ dân làng.

Nghĩ là làm, khởi nghiệp với việc mở trang trại chăn nuôi bò, dê, nhưng thất bại vì vốn đầu tư quá lớn. Không nản chí, ngay lập tức sau đó khi nắm bắt được nhu cầu nguyên liệu mía tăng mạnh, Vinh chuyển hướng đầu tư sang trồng mía. Ban đầu chỉ là vài ha, rồi mỗi năm tăng dần lên đến vụ mía năm nay Vinh đã có trong tay 57 ha mía. Vừa làm vừa học hỏi và với những nỗ lực không mệt mỏi ấy những mùa mía chín đã ngọt ngào đến với Vinh. Vụ mía năm 2013 không chỉ được giá mà năng suất ở 57 ha mía của Vinh đều đạt sản lượng rất cao từ 70-77 tấn/ha, dự tính mỗi ha cũng thu được hơn 50 triệu đồng.

Hôm chúng tôi về thăm những cánh đồng mía của Vinh, với tâm trạng hồ hởi phấn khởi nhất, Vinh tự hào khoe với chúng tôi vừa tậu thêm một xe tải trị giá gần 350 triệu đồng. Vậy là đến giờ trong tay Vinh đã có nhiều máy móc giá trị cả tỷ đồng để phục vụ sản xuất, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài cũng như tăng năng suất cây mía và đạt sản lượng cao nhất. Giờ đây, khi chỉ mới 29 tuổi nhưng anh đã là một tỷ phú và tạo công ăn việc làm cho cả trăm người ở vùng quê của mình.

Còn với anh Đinh Văn Đều ở làng Kleo, xã Giang Bắc, huyện Đăk Pơ một thanh niên giỏi giang, nhiệt huyết, hoạt động Hội năng nổ, nhiệt tình cái tên Đinh văn Đều không còn xa lạ với thanh niên trong xã, thậm chí anh còn “nổi tiếng” từ sau khi vinh dự đại diện cho tuổi trẻ Gia Lai nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013, đây là phần thưởng lớn dành cho những thanh niên có ý thức vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế gia đình, góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, đặc biệt là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số…

Câu chuyện làm giàu của anh bắt đầu từ 1 chỉ vàng làm vốn. Anh bộc bạch: "Bản thân mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó và đông anh em, nên chỉ học đến lớp 9 là phải dừng học để làm kinh tế phụ giúp gia đình, năm 20 tuổi thì mình cưới vợ và ra ở riêng, từ 1 chỉ vàng làm vốn mình đã bán và được nhà nước cho vay thêm 5 triệu đồng mình đã mua 1 con bò cái sinh sản, cùng với đó mình bỏ công sức ra khai hoang đất để trồng mì, trồng bắp., với phương châm lấy ngắn nuôi dài mình vừa làm vừa đầu tư tiếp tục vào sản xuất".

Hiện anh Đinh Văn Đều đang có trong tay 4ha mía, 1ha mì, hơn 7ha bạch đàn…mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Để chủ động trong việc làm đất để trồng trọt, Đinh Văn Đều đã đầu tư mua một máy cày, một xe độ, một máy phay đất và một máy phun bắp, các máy móc này ngoài việc phục vụ cho sản xuất trong gia đình, anh còn tranh thủ giúp thanh nên và bà con trong xã cày đất, phun bắp với giá thành rất rẻ.

Từ những mô hình vượt khó làm kinh tế giỏi của các thanh niên người dân tộc thiểu số có thể thấy sự năng động sáng tạo và vượt khó của các bạn trong việc vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Trong sự vươn lên ấy ngoài việc nổ lực của bản thân thì phải kể đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức Đoàn - cầu nối giữa thanh niên với ngân hàng chính sách xã hội. Những kết quả này sẽ là động lực thúc đẩy công tác Đoàn và phong trào thanh niên của tỉnh ngày một khởi sắc.