Hồi sinh thương hiệu gốm cổ Bồ Bát

08:59 22/01/2015     1668

3 Chương trình   Web.ĐTN: Anh là Phạm Văn Vang (sinh năm 1982), được xem là người đầu tiên khôi phục lại làng nghề gốm Bồ Bát ở làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Làng nghề gốm Bồ Bát được coi là thủy tổ của nghề gốm Bát Tràng, một thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.

 Đồng chí Trịnh Như Lâm (áo xanh) – Phó Bí thư Tỉnh đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh thăm xưởng sản xuất gốm Bồ Bát.
Đồng chí Trịnh Như Lâm (áo xanh) – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh thăm xưởng sản xuất gốm Bồ Bát.

Anh Vang chia sẻ: Từ khi tuổi còn thơ, dù cả làng đã không còn nghề gốm, nhưng tôi vẫn được nghe ông bà kể lại rằng nghề gốm Bồ Bát đã xuất hiện ở đây trên 300 năm về trước. Có thời gian làng nghề hưng thịnh, cả làng ai cũng làm và sống bằng nghề gốm. Sau này do chiến tranh, cuộc sống nhiều khó khăn, hàng gốm không còn được ưa chuộng nên làng nghề dần dần mất đi. Là một người con của dòng họ Phạm, một dòng họ có nhiều người đang sinh sống và làm gốm tại Bát Tràng. Hằng năm, những người dòng họ Phạm và các họ khác ở Bát Tràng vẫn thường về làng Bạch Liên để ăn giỗ tổ, trong những dịp hội ngộ, các nghệ nhân đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, ôn lại lịch sử của tổ nghề. Tự hào khi nghe những chia sẻ của các nghệ nhân trong họ, luôn mang trong đầu câu hỏi tại sao làng mình có rất nhiều nghệ nhân giỏi như thế mà lại bị thất truyền? ngay từ nhỏ anh Vang đã say mê với những điều các bậc tiền bối kể, nên đã sớm ấp ủ ý định theo nghề làm gốm, sau này sẽ khôi phục lại gốm Bồ Bát.

Năm 2001, sau khi học xong phổ thông, anh Vang đã khăn gói ra Bát Tràng để trực tiếp gặp các nghệ nhân xin học lại nghề cũ của làng Bồ Bát xưa. Sau 3 năm miệt mài học hỏi, thấy tay nghề đã vững, năm 2003, anh Vang trở về quê mở xưởng sản xuất gốm rộng hơn 300 mét vuông, vừa xây dựng xưởng anh vừa kết hợp đi tìm hiểu thị trường gốm từ Bắc vào Nam. Anh chia sẻ: Khi làm nghề cũng phải tính đầu ra cho sản phẩm thì mới có thể phát triển bền vững được, nên tôi phải đi điều tra thị hiếu của người tiêu dùng, xem thị trường cần sản phẩm nào thì mình về làm sản phẩm đó”. Sau khi tìm hiểu kỹ thị trường, anh Vang bàn với vợ vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời anh tuyển 10 thanh niên gửi ra Bát Tràng học nghề và đi học để có nhân lực phục vụ sản xuất cho xưởng. Đến năm 2009, khi sản phẩm gốm của anh đã có chỗ đứng, để có thêm người làm, anh Vang mở lớp dạy nghề và trực tiếp đứng ra truyền nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc ngay tại xưởng, nhờ đó đến nay xưởng sản xuất của anh luôn có hơn 30 thanh niên hăng say sản xuất, sáng tạo với mức thu nhập ổn định từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng/ người/tháng. Cùng với đó, anh Vang tiếp tục cho người đi phát triển, tìm kiếm thị trường. Nhờ vậy mà chỉ một thời gian sau, sản phẩm gốm Bồ Bát đã có mặt ở khắp trong Nam ngoài Bắc với nhiều sản phẩm phong phú như chuông gió, vòng cổ bằng gốm, lọ hoa, ấm chén, bát, đĩa cùng hình dáng đa dạng, các màu men được chế tác khá tinh xảo, đặc biệt là các họa tiết trang trí nghiêng về các mẫu họa tiết truyền thống tinh tế thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở vùng đất có gốc làm nghề.

Với đà thuận lợi, năm 2011, anh Vang quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát. Rồi sau đó liên tiếp niềm vui đến với anh, sản phẩm gốm Bồ Bát của anh được tỉnh chọn đi dự triển lãm trong lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, và lô sản phẩm gốm Bồ Bát của doanh nghiệp lần đầu tiên đã tìm được đường xuất sang Mỹ, tiếp đó là sản phẩm gốm ấm, chén được xuất sang Nhật Bản…

Tâm huyết của chàng thanh niên trẻ Phạm Văn Vang đã thổi bùng lại ngọn lửa lò gốm cổ vốn đã nguội tắt cách đây hàng trăm năm. Để làng nghề truyền thống quý báu này không bị mai một và phát triển hưng thịnh như xưa, rất cần có những người thanh niên mạnh dạn, vượt khó, dám nghĩ, dám làm ngay trên chính mảnh đất quê hương.