Hòa Bình: Tổng kết Dự án “Nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi gà” tại huyện Đà Bắc

14:33 31/10/2019     1239

3 Chương trình   Web.ĐTN: Dự án được Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn phối hợp triển khai tại 02 xã Toàn Sơn và Cao Sơn của huyện vùng cao Đà Bắc từ tháng 5/2019 với 40 hộ dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Dự án đã hỗ trợ 8.000 con gà giống (200 con/hộ), cùng 20 tấn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà cho các hộ dân.

Trong số các hộ dân được hỗ trợ, có thanh niên tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội tại địa phương

 

Kiểm tra Dự án tại xã Cao Sơn, sau hơn 6 tháng tiếp nhận và chăm sóc theo đúng kỹ thuật được tập huấn, gà phát triển cơ bản đồng đều,trọng lượng và chất lượng gà thương phẩm đạt yêu cầu đề ra. Đa số các hộ đã xuất bán trên 70% số gà, bước đầu đem lại nguồn thu nhập khá và hoàn thiện dự án trong Quý II năm 2019. Điều đáng mừng là 100% các hộ đều cam kết tiếp tục tái đàn chăn nuôi và thu hồi kinh phí hỗ trợ theo quy định của Dự án. Trong quá trình triển khai, một số hộ đã thoát nghèo, và nhiều hộ đã đăng ký thoát nghèo, cận nghèo trong năm sau.

Tại hội nghị, đại diện các hộ dân đã chia sẻ những ý kiến đánh giá hiệu quả và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Chia sẻ về dự án, đại diện chính quyền địa phương và các hộ đã đánh giá cao về sự hiệu quả của dự án, qua đó đã giúp các hộ tham gia có thêm kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật trong chăn nuôi đặc biệt là các sản phẩm thịt gà sạch phù hợp với yêu cầu của thị trường.  

Anh Đinh Công Dũng cho biết: “Gia đình nhận 200 con nuôi từ tháng 6/2019, qua thời gian tôi thấy giống gà này rất dễ nuôi so với gà bình thường lại ít bệnh tật nên tỷ lệ sống lên tới 95%. Thời gian sinh trưởng, phát triển của gà ngắn, thịt thơm, ngon, giá bán được 80 nghìn đồng/kg nên người tiêu dùng rất ưa chuộng”.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ngọc Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm HTPT thanh niên nông thôn đánh giá: Thực tế kiểm tra cho thấy, khi tham gia dự án với sự tư vấn và hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật thú y, người dân đã bố trí chuồng trại khoa học và phù hợp, chủ động phát hiện và phòng tránh dịch bệnh, nhất là trong thời điểm dịch bệnh gia cầm diễn biến phức tạp như hiện nay. Khi có hỗ trợ, người dân đã triển khai ngay và phát triển mô hình theo đúng quy trình dự án đề ra. Sau khi kết thúc dự án, đề nghị các hộ dân tiếp tục tái đàn và chăn nuôi hiệu quả, áp dụng đúng các quy trình, kỹ thuật đã được tập huấn tại dự án để tạo sinh kế bền vững góp phần thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế tại địa phương”.

Dự án được triển khai hiệu quả tại xã Cao Sơn và xã Toàn Sơn không chỉ tạo sinh kế mà mô hình khơi gợi tinh thần vươn lên, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tránh tâm lý ỷ lại. Đồng chí Bùi Quốc Hoàn - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hòa Bình cho biết: “Trong thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương đẩy mạnh phát triển mô hình để nhiều hộ nghèo khác được tiếp cận, phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP của tỉnh”.

Cùng với thành công của dự án, các hộ dân đã nhất trí thực hiện đóng góp, luân chuyển một phần kinh phí với số tiền 1.250.000 đồng/hộ để đóng góp xây dựng quỹ xóa đói giảm nghèo của địa phương, thiết thực hỗ trợ các hộ đối tượng chính sách trong đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
 

Lê Nga –TĐ Hòa Bình (NA)