Dựng cơ đồ từ những đồng vốn của Đoàn

09:20 10/03/2015     2269

3 Chương trình   Quá trình đi làm thuê ở các xưởng mộc, Nguyễn Văn Tuynh (thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội) thấy những mẩu gỗ vụn bỏ đi thật lãng phí. Tiếc của, Tuynh gom chúng về tiện thành những hạt gỗ để đan ghế ô tô, làm chiếu... Sau 3 năm, anh đã có 20 xưởng sản xuất đồ gỗ hạt với doanh thu hơn 10 tỉ đồng/ năm, tạo việc làm cho 100 lao động.
Tay trắng trên đất nghèo
 
Là con thứ ba trong gia đình 5 anh em, tuổi thơ của Tuynh là chuỗi ngày vất vả, lam lũ cùng mẹ làm việc đồng áng. Nhà nghèo, không có tiền ăn học nên học hết THPT anh đành gác giấc mơ vào đại học để đi làm. Chị gái lấy chồng làng bên có nghề làm gỗ nên Tuynh được chị đưa sang học nghề, làm việc. 5 năm miệt mài ở xưởng mộc khiến Tuynh tích lũy được khá nhiều kiến thức về gỗ nhưng điều khiến anh trăn trở nhất là rất nhiều mẩu gỗ thừa chất lượng bị bỏ đi thật lãng phí. 
a
Nguyễn Văn Tuynh (thứ 2, từ trái sang) đang giới thiệu về mô hình với  Thường trực Thành đoàn Hà Nội. 
 
Khi chuyển sang học nghề tiện Tuynh phát hiện ra rằng từ những mẩu gỗ thừa này có thể tạo ra những hạt gỗ nhỏ xinh dùng để đan mành mành, làm ghế ô tô... Tuy nhiên, việc làm ra những hạt gỗ này bằng phương pháp thủ công rất tốn công sức, thời gian. Vì vậy, anh quyết định đi tìm hiểu và học hỏi sâu hơn về nghề làm hạt gỗ này.
 
Tuynh kể: “Được bạn bè mách nước mình đã đến nhiều nơi để hỏi nhưng ai cũng muốn giữ bí quyết riêng cho xưởng của mình nên không ai chia sẻ thật. Mình đành xin ở lại làm thuê để có thể học lỏm lấy nghề”.
 
Năm 2012, Tuynh quyết định về nhà mở xưởng chế biến hạt gỗ riêng. Anh dồn hết tiền hai vợ chồng tích cóp nhiều năm được 30 triệu đồng. Số tiền quá ít ỏi không đủ để dựng xưởng, mua máy móc khiến dự định của anh rơi vào bế tắc. Đúng lúc này, nhờ sự hướng dẫn của Huyện đoàn Thanh Trì, Tuynh được Thành đoàn Hà Nội cho vay số vốn 300 triệu đồng để phát triển kinh tế.
 
Có được nguồn vốn, Tuynh mạnh dạn đầu tư mua máy móc nhưng  thời gian đầu anh chủ yếu làm thuê và chế biến hạt gỗ thô. Cả năm đầu, hai vợ chồng anh vất vả, làm quần quật từ sáng đến tối nhưng không thu về  được một đồng lãi. “Chế biến hạt gỗ thô hiệu quả kinh tế không cao, mình làm vất vả nhưng người khác hưởng lợi nên mình quyết định mua máy móc hoàn thiện sản phẩm và tự đứng ra nhận đơn hàng về làm. Tuy nhiên, không có kinh nghiệm nên sản phẩm đầu tiên phải làm đi, làm lại rất nhiều lần” – Tuynh chia sẻ.
Khó khăn vẫn chưa hết, nhiều lúc, hàng ế ẩm không có người mua hai vợ chồng vẫn phải bảo ban nhau cố gắng làm chỉ để giữ nghề. 
 
Cán bộ Đoàn gương mẫu
 
Khó khăn là thế nhưng Tuynh kiên quyết thực hiện phương châm "Uy tín, chất lượng là hàng đầu" nên dần dần anh anh được nhiều khách hàng biết đến.  Hợp đồng đầu tiên có trị giá lên tới 350 triệu đồng khiến vợ chồng anh vui đến mất ngủ. Làm được đồng nào vợ chồng anh lại tích cóp trả  ngân hàng, đầu tư mua thêm máy móc.
 
Tuynh cũng chủ động đi thu mua nguyên liệu và trực tiếp phân loại hạt gỗ trước khi giao cho công nhân đan thành sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm của anh được khách hàng đánh giá rất cao. Nhiều ông chủ từ Trung Quốc chủ động tìm đến anh để đặt hàng. Hiện nay, Tuynh có hơn 20 xưởng sản xuất đồ hạt gỗ nằm rải rác khắp huyện Thanh Trì, Thường Tín (Hà Nội) một năm cho  doanh thu hơn 10 tỉ đồng, tạo việc làm cho 100 lao động trong đó phần lớn là đoàn viên, thanh niên với mức lương ổn định từ 3-6 triệu đồng/ người/ tháng.
 
“Để làm ra một sản phẩm từ hạt gỗ phải qua rất nhiều công đoạn. Tuy nhiên, có những công đoạn chỉ đòi hỏi sự khéo tay mà không tốn sức lực nên cả những cụ ông, cụ bà  và bà con nông dân cũng thể tận dụng thời gian nông nhàn, rảnh rỗi để làm. Vì vậy, nghề này có thể giải quyết quyết việc làm cho rất nhiều lao động” – Tuynh chia sẻ.
 
Giải quyết việc làm cho thật nhiều lao động cũng là mong ước của Tuynh từ khi anh còn là Bí thư chi Đoàn thôn Vĩnh Trung (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Vì vậy, Tuynh đang ấp ủ dự định vay thêm vốn, mua đất để lập thêm xưởng. Anh tính toán với nghề này có quy mô bằng làng nghề anh có thể giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Dù đã là ông  chủ doanh nghiệp nhưng với bất kỳ phong trào nào của Đoàn, Tuynh đều tham gia tích cực. Anh cũng là một trong số những thanh niên góp phần đưa phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển ngày càng sâu rộng trên địa bàn thông qua những lần đi tuyên truyền, vận động đoàn viên tham gia vào công tác dồn điền đổi thưở, vệ sinh môi trường…
 
Anh cũng đang tích cực học tiếng Trung để có thể chủ động hơn với công việc kinh doanh. Tuynh tâm sự: “Thanh niên ngày nay rất may mắn vì có nhiều phương tiện để học hỏi trong việc lập nghề, lập nghiệp. Tuy nhiên nếu không có sự định hướng, quyết tâm theo đuổi sẽ rất dễ chán nản, thậm chí có thể mắc vào các tệ nạn xã hội. Dám nghĩ, dám làm đến cùng là yếu tố quyết định thành công của bạn”.