Lãnh đạo, cán bộ Trung ương Đoàn góp ý kiến sửa đổi Luật Thanh niên

13:59 01/10/2018     2834

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: Ngày 27/9, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trong tập thể lãnh đạo, cán bộ các ban phong trào cơ quan Trung ương Đoàn. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam cho biết, hiện nay, trên thế giới có rất ít quốc gia có Luật Thanh niên trong đó có Việt Nam, điều đó cho thấy sự tiến bộ của Nhà nước và sự quan tâm của cộng đồng với thanh niên. Tuy nhiên, khi đánh giá lại sau 10 năm triển khai, Luật thanh niên cũng bộc lộ một số hạn chế, chưa bắt kịp với xu hướng và nhu cầu thực tiễn của thanh niên, vì vậy cần phải sửa đổi Luật Thanh niên 2005 cho phù hợp với tình hình thanh niên trong thời kỳ mới.

Từ kinh nghiệm thực hiện Luật Thanh niên 2005 và quá trình tham gia công tác thanh niên, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương mong muốn, mỗi cá nhân, tập thể các Ban Trung ương Đoàn với vai trò là cán bộ phụ trách công tác thanh niên và trên cương vị là thanh niên sẽ nghiên cứu tường tận, nghiêm túc để tham mưu đóng góp ý kiến bài bản, đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao nhất.


Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị



Tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành trong thực thi pháp luật cho thanh niên

Theo đồng chí Nguyễn Thái Hà – chuyên viên Ban tổ chức Trung ương đoàn, Luật Thanh niên sửa đổi cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước về thanh niên, đơn cử như trong lĩnh vực học tập của thanh niên cần có sự tham gia vào cuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo; trong nhiệm vụ thực hiện bảo vệ Tổ quốc cần có sự tham gia của Bộ Quốc phòng; trong giải quyết các vấn đề về lao động việc làm của thanh niên cần sự vào cuộc của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội…

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật có đề cập tới các chính sách của nhà nước đối với thanh niên có tài năng. Theo đồng chí Thái Hà, cần quy định rõ trong Luật về trách nhiệm của các bộ, ban, ngành cần triển khai tuyên dương, bồi dưỡng và phát triển các tài năng thanh niên tiêu biểu trên từng lĩnh vực phụ trách của mỗi đơn vị như thế nào. 

Đồng chí Thái Hà đề nghị, phải làm rõ vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong phối hợp với các cơ quan nhà nước tham gia giám sát việc thực hiện chính sách thanh niên và phối hợp với Chính phủ hàng năm xây dựng các kế hoạch liên tịch về các hoạt động dành cho thanh niên.

Băn khoăn về trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong tham gia quản lý, giám sát, phản biện xã hội về chính sách pháp luật cho thanh niên, đồng chí Nguyễn Hải Nam – chuyên viên Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn cho rằng, Luật Thanh niên sửa đổi cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức Đoàn tham gia nội dung này như thế nào.

Thực thế Đoàn Thanh niên là cơ quan phong trào, tổ chức các hoạt động cho thanh niên, không có chức năng quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá tình hình thực tế của Bộ Nội vụ cũng như các bộ, ban, ngành khác có liên quan trong triển khai Luật Thanh niên hiện nay có đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới hay không? Để triển khai hiệu quả Luật Thanh niên cần có sự vào cuộc chung của hệ thống chính trị, tuy nhiên trong Luật Thanh niên chưa đề cập đến vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội khác đối với thanh niên.


Các đại biểu tham góp ý kiến tại hội nghị
Các đại biểu tham góp ý kiến tại hội nghị


Đồng tình với các đại biểu, đồng chí Nguyễn Thanh Hảo – Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu nhi Trung ương đề nghị, trong Luật Thanh niên sửa đổi cần bổ sung trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, bởi vai trò của mặt trận trong thực hiện triển khai các chính sách pháp luật là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thanh Hảo còn cho rằng, trong dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi mới chỉ đề cập tới trách nhiệm tham mưu, giúp việc, phối hợp với các ban ngành liên quan của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam. Vì vậy cần làm rõ vai trò và vị trí của Uỷ ban trong giám sát thực hiện chính sách pháp về luật thanh niên.

Quan tâm hơn đến từng đối tượng thanh niên

Trong dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi, tại Chương III, mục 2, điều 29 có quy định về chính sách của Nhà nước đối với nhóm thanh niên đặc thù. Trong đó, có phân chia các nhóm đối tượng như thanh niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV, thanh niên sau cải tạo, thanh niên di cư.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cùng chung ý kiến cho rằng cần có định nghĩa cụ thể về thanh niên đặc thù và cân nhắc lại về việc phân chia các nhóm thanh niên đặc thù.

Đồng chí Nguyễn Hải Nam – chuyên viên Ban tuyên giáo Trung ương Đoàn cho rằng, nếu đã phân chia thành từng nhóm đối tượng thanh niên đặc thù thì trong Luật sửa đổi cần phải có quy định rõ vì sao đó là đối tượng đặc thù. Ngoài ra ban soạn thảo Luật cần xác định rõ các tiêu chuẩn, đặc điểm của từng đối tượng, từ đó mới có chính sách phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực cụ thể.

Cũng băn khoăn về việc phân tách nhóm thanh niên đặc thù, đồng chí Lê Huyền Trang – chuyên viên Phòng tổng hợp – thi đua, Văn phòng Trung ương Đoàn cho rằng, trong dự thảo Luật có quy định nội dung bảo vệ thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khỏi các hành vi bạo lực, bị xâm hại thể chất và lạm dụng sức lao động, không nên tách riêng quy định này cho một nhóm đối tượng thanh niên đặc thù mà nên có một quy định chung về bảo vệ thanh niên bởi bất kỳ đối tượng thanh niên nào cũng cần được bảo vệ trước những tác động tiêu cực của xã hội.

Riêng về các chính sách khuyến khích hỗ trợ đưa thanh niên Việt Nam đi học tập, xuất khẩu lao động tại nước ngoài hiện nay rất dễ dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, đồng chí Lê Huyền Trang đề nghị trong Luật Thanh niên sửa đổi cần có thêm quy định về hỗ trợ, đào tạo trọng dụng nhân tài để thanh niên có điều kiện học tập, phát triển sẽ quay về phục vụ cho Tổ quốc. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có những chính sách đột phá để thu hút chất xám từ thanh niên nước ngoài đang học tập làm việc tại Việt Nam.

Trăn trở về việc đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của đối tượng thanh niên là người đồng giới, chuyển giới, đồng chí Vũ Hữu Mạnh – chuyên viên Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn đề xuất, trong Luật Thanh niên sửa đổi cũng cần có quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện, giúp đỡ thanh niên hoàn thiện thủ tục tuỳ thân sau khi chuyển giới; hỗ trợ thanh niên phát triển bản thân trong học tập, việc làm, sức khoẻ, miễn giảm chi phí khám chữa bệnh…. Ngoài ra, cần có chính sách đảm bảo sự công bằng, không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với thanh niên đồng tính, chuyển giới để họ có cơ hội sống, làm việc và cống hiến cho đất nước.


Đồng chí phát biệu tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam phát biểu tại hội nghị


Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam đánh giá cao sự chuẩn bị cũng như các ý kiến tham góp chất lượng tại hội nghị. 

Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý trong đội ngũ cán bộ Trung ương Đoàn là nội dung rất quan trọng, bởi thông qua nhiệm vụ chuyên môn, mỗi đồng chí cán bộ là người tiếp cận, gần gũi nhất và nắm bắt được những tâm tư, nhu cầu thiết thực của thanh niên. Trách nhiệm của Trung ương Đoàn cần làm là phải nêu bật được các vấn đề, tập hợp vấn đề, gợi mở cho các cơ quan chức năng. Những ý kiến đóng góp này sẽ là những cơ sở, chất liệu quan trọng để giúp cho chuyên gia xây dựng chính sách có căn cứ, lựa chọn các vấn đề thiết yếu để đưa vào xây dựng Luật – đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh.

Dịp này, đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cũng đề nghị các Ban, đơn vị của Trung ương Đoàn cần tiếp tục lắng nghe, tìm hiểu những quy định pháp luật mới, những bất cập trong lĩnh vực phụ trách cần thay đổi, những phát sinh mới liên quan đến thanh niên để kịp thời tham mưu sâu sát và kỹ lưỡng hơn.