Hội thảo góp ý xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi)

14:01 01/10/2018     5336

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: Sáng ngày 26/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo góp ý kiến xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam đã chủ trì hội nghị.
Luật Thanh niên được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2015 tại kỳ họp lần thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Qua tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành, có thể khẳng định việc ban hành Luật Thanh niên là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên. Việc ban hành Luật thanh niên đã có nhiều tác động tích cực đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên và chức năng quản lý nhà nước về thanh niên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập đỏi hỏi phải sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
   
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo


Tăng thêm quyền cho thanh niên

Tại chương trình, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận tham góp ý kiến xây dựng Luật Thanh niên sửa đổi.

Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Thanh niên đang đặt trọng trách quá lớn với thanh niên nhưng chưa có nhiều quyền và lợi ích hợp pháp cho thanh niên dẫn đến sự mất cân đối và việc triển khai thực hiện chưa thực sự hiệu quả với đối tượng thụ hưởng. Một số đại biểu cho rằng, độ tuổi của thanh niên theo quy định trong Luật là từ 16 – 30 tuổi, tuy nhiên một số trách nhiệm quy định trong Luật hiện nay đang vượt quá năng lực của độ tuổi này.

Từ đó đặt ra bài toán phải làm thế nào để trong vòng 10 năm thực hiện luật, thanh niên thực sự được đảm bảo quyền lợi và thực hiện trách nhiệm của mình để đóng góp tích cực cho đất nước.

Theo TS. Trần Văn Miều - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương cho rằng, việc sửa Luật thanh niên là vấn đề rất khó. Thanh niên hiện nay đã thay đổi rất nhiều, có trình độ trí tuệ, năng lực sáng tạo, lối sống khác với thời điểm ban hành Luật Thanh niên năm 2005. Thanh niên Việt Nam có thể làm chủ, sáng tạo bước vào cách mạng 4.0 đang diễn ra sôi nổi, bên cạnh đó, vấn đề khởi nghiệp, cạnh tranh việc làm sẽ khốc liệt hơn trong khu vực và quốc tế. Vì vậy, trong bối cảnh tình hình mới, Nhà nước cần đưa ra chính sách phù hợp hơn với thanh niên thời đại mới.

“Trong triển khai sửa đổi Luật Thanh niên, cần phải đánh giá được tác động của các điều khoản quy định đối với thanh niên như thế nào. Nếu đánh giá được tác động thì khi đưa ra sửa đổi luật sẽ hiệu quả hơn. Phải gắn liền quyền lợi không tách rời với nghĩa vụ của thanh niên, nếu ban hành luật mà không quy định rõ quyền của thanh niên thì thanh niên sẽ cảm thấy không hài lòng…”, TS. Trần Văn Miều kiến nghị.
Các đại biểu tham góp ý kiến tại hội thảo
TS. Trần Văn Miều tham gia góp ý kiến tại hội thảo


Sinh viên Vũ Văn An – Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, Luật Thanh niên hiện tại chỉ có quy định về 01 quyền, nghĩa vụ nhưng có tới 10 điều quy định về trách nhiệm của thanh niên. Cũng trong dự thảo luật hiện nay vẫn còn một số nghĩa vụ nằm ngoài nghĩa vụ theo hiến pháp. Vì vậy, đại biểu Vũ Văn An mong muốn, Luật Thanh niên sửa đổi sẽ có nhiều quyền và nghĩa vụ cho thanh niên để thanh niên có trách nhiệm hơn trong tham gia các hoạt động góp sức mình xây dựng đất nước.

Cần nhiều hơn các chính sách thiết thực

Khẳng định vai trò quan trọng của chính sách thanh niên sẽ là đòn bẩy, động lực tinh thần thúc đẩy phát triển, TS. Trần Văn Miều - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương cho rằng, cần nghiên cứu kỹ hơn các chính sách riêng biệt và thiết thực cho thanh niên. Ngoài các chính sách đã được thông qua vẫn cần xây dựng thêm các chính sách ưu việt hơn, bên cạnh đó, đưa ra chiến lược phải khả thi và đảm bảo nguồn lực để thực hiện được chính sách.

Đồng tình với TS. Trần Văn Miều, đại biểu Nguyễn Đức Cương – Phó trưởng ban Thanh niên Quân đội cho rằng, chính sách cho thanh niên phải đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, trong sử dụng các dịch vụ xã hội, trong mọi mặt đời sống có sự tham gia của tất cả các đối tượng thanh niên.

Đồng chí Nguyễn Đức Cương cũng đề xuất, riêng đối với những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nên bổ sung chính sách cho nhóm đối tượng này để hỗ trợ, giúp đỡ họ có những điều kiện thuận lợi, tiếp tục lao động, cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước.

Băn khoăn trước thực tế hiện nay giới trẻ còn ít quan tâm tới các vấn đề chính trị, chính sách và đời sống văn hoá xã hội, chỉ số thanh niên sẵn sàng bày tỏ quan điểm chính trị còn thấp, đại biểu Vũ Văn An – sinh viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đề nghị, cần đưa vào Luật thanh niên quy định thanh niên có quyền thảo luận, tham gia, nêu ý kiến về các vấn đề chính trị, chính sách, đời sống văn hoá xã hội và thanh niên có quyền tham gia xây dựng, thực thi, theo dõi, giám sát chính sách và pháp luật.

Tăng cường vai trò của cơ quan Nhà nước trong thực hiện Luật Thanh niên


Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thực tế hiện nay, Luật Thanh niên vẫn chưa được bao phủ toàn diện, chưa làm rõ về quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong đảm bảo quyền lợi cho thanh niên.

Nhận định về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong thực thi các chính sách pháp luật cho thanh niên, đồng chí Đinh Xuân Cường – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái cho bằng, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong thực thi chính sách pháp luật về thanh niên thực chất chính là nhà nước đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho thanh niên, vì vậy phải làm rõ nhà nước sẽ làm gì để thực hiện Luật thanh niên.

Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở nội vụ tỉnh Thái Bình đề nghị, để việc triển khai, hỗ trợ và thực hiện chính sách cho thanh niên có hiệu quả, cơ quan soạn thảo Luật cần lắng nghe thêm những khả năng cũng như khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, từ đó kiến nghị để tháo gỡ những vướng mắc, góp phần xây dựng cụ thể, chi tiết các chính sách phù hợp hơn với nhu cầu của thanh niên.

Đại biểu Vũ Văn An – sinh viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh đề nghị, để thúc đẩy thanh niên tham gia vào các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo không gian an toàn và cởi mở cho thanh niên thảo luận về chính sách pháp luật và các vấn đề khác. Ngoài ra, Bộ Nội vụ và Đoàn Thanh niên cần nghiên cứu về sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị, đánh giá kỹ mức độ đa dạng của thanh niên tham chính và mức độ tham gia của thanh niên vào các quyết định chính sách.
Đồng chí phát biểu kết luận hội thảo
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam phát biểu kết luận hội thảo


Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về Thanh niên Việt Nam nhận định: Luật Thanh niên cần chuẩn bị rõ ràng hơn về nội dung, cơ chế, trách nhiệm, nguồn lực, quyền và nhiệm vụ để khi Luật có hiệu lực sẽ triển khai hiệu quả ngay. Bên cạnh đó, trong công tác soạn thảo nội dung Luật cần cân nhắc câu từ để đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ, thống nhất và đúng quy định của thuật ngữ pháp lý chuyên ngành.

Dịp này, đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đề nghị, các Bộ, Ban, Ngành liên quan cần phối hợp, rà soát đánh giá cụ thể việc thực hiện các cơ chế, chính sách về thanh niên trong phạm vi nhiệm vụ của đơn vị mình để có căn cứ và cái nhìn tổng quan, từ đó có phương pháp giải quyết triệt để các vấn đề còn vướng mắc.