Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng: Không để “chìm xuống” sau Tháng Thanh niên

13:30 15/04/2012     5451

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN - Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” có là chương trình hành động thiết thực nếu chỉ phát động trong Tháng Thanh niên? Sau đợt ra quân rầm rộ, tuổi trẻ cả nước có kế sách gì để một phong trào mang tính “dài hơi” và toàn diện này không bị chìm xuống? Đó là nội dung trao đổi của chúng tôi với anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Trung ương Đoàn nhân dịp tổng kết Tháng Thanh niên năm 2012.
 Phóng viên (PV): Thưa anh, chúng tôi muốn có một cái nhìn tổng quan về tuổi trẻ cả nước qua thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” trong Tháng Thanh niên năm 2012?

Anh Nguyễn Mạnh Dũng: “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” là chủ đề được lựa chọn trong Tháng Thanh niên năm nay với mục đích tạo “cú hích” để mỗi người trẻ tuổi thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng nông thôn mới; tham gia giải quyết những bức xúc của cộng đồng, qua đó tạo sức sống mới cho phong trào thanh niên. Điểm mới của Tháng Thanh niên năm nay là việc xác định chủ đề sớm và được đưa vào chương trình công tác đoàn, phong trào thanh, thiếu nhi năm 2012 nên tạo được sự đồng thuận cao trong xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện ở các tỉnh, thành đoàn và các tổ chức đoàn trực thuộc. Việc xác định trúng chủ đề đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là việc thu hút nguồn lực để triển khai hiệu quả Tháng Thanh niên.

Nhìn lại Tháng Thanh niên 2012, các cấp bộ đoàn và tuổi trẻ cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, với các công trình, phần việc thanh niên mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Có thể nêu ra một số kết quả cụ thể như: Tu sửa và làm mới gần 15.000km đường giao thông nông thôn; xây mới 823 nhà văn hóa, nhà nhân ái… Các hoạt động chăm lo cho thanh niên, trợ giúp thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế gia đình được triển khai tích cực. Các cấp bộ đoàn đã tổ chức  2.228 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 114.840 thanh niên nông thôn; thành lập và duy trì 1.587 tổ hợp tác thanh niên, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi, tạo điều kiện cho 140.279 thanh niên vay vốn; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 660.102 thanh niên, dạy nghề cho 67.992 thanh niên và giải quyết việc làm cho 69.288 đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, qua các hoạt động, tổ chức đoàn đã đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng 86.718 đoàn viên ưu tú, trong đó có 21.348 đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Một tín hiệu mới trong xây dựng tổ chức, đó là đã thành lập được một số tổ chức đoàn, tổ chức hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.


Đội Thanh niên tình nguyện xã Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội) thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường. Ảnh: Đình Trân
Đội Thanh niên tình nguyện xã Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội) thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường. Ảnh: Đình Trân



Thực tế cho thấy, chương trình hành động trong Tháng Thanh niên năm nay đã đạt được kết quả thiết thực, tạo động lực cho công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi năm 2012 - năm có ý nghĩa quan trọng với đại hội đoàn các cấp và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X.

PV: Ra quân và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng phải chăng là “mang con bỏ chợ” khi phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được thực hiện đến năm 2020, mà tuổi trẻ chỉ hành động trong Thánh Thanh niên năm nay?

Anh Nguyễn Mạnh Dũng: Ban Bí thư Trung ương Đoàn xác định cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” là một trong những nội dung  quan trọng của công tác đoàn và phong trào thanh niên và được tổ chức thực hiện thường xuyên, lâu dài. Vì vậy, cần triển khai sâu rộng đến các cấp bộ đoàn và đông đảo đoàn viên, thanh niên và phải có nội dung, kết quả cụ thể, phù hợp với chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và thực tiễn địa phương. Kế hoạch “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” được triển khai thực hiện gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” từ năm 2011 đến năm 2020. Theo đó, các cấp bộ đoàn và tuổi trẻ cả nước tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm, nhất là việc phát huy sức trẻ và tinh thần tình nguyện của thanh niên tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan và bảo vệ môi trường ở nông thôn; khuyến khích và hỗ trợ thanh niên tích cực phát triển kinh tế nông thôn, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh.

PV: Thực tế cho thấy, có những phong trào của tuổi trẻ chỉ “phát” mà ít “động”. Để tránh rơi vào tình trạng đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn có quyết sách gì trong lộ trình thực hiện một phong trào mang tính lâu dài, toàn diện này?

Anh Nguyễn Mạnh Dũng: Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, một số phong trào hành động của tuổi trẻ chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính hình thức. Khi chọn chủ đề hành động này, Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng đã lường trước vấn đề đó nên vạch ra hướng đi tương đối cụ thể cho hành trình lâu dài sắp tới. Theo đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo khảo sát thực tiễn, chọn những công việc phù hợp với tổ chức đoàn, đoàn viên, thanh niên; phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Trung ương Đoàn xác định chọn ba xã làm điểm, gồm: Bản Qua (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), Đại Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Vĩnh Thanh (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Mỗi tỉnh, thành đoàn chọn một xã làm điểm xây dựng nông thôn mới, đồng thời ở mỗi xã chọn những công việc cụ thể để triển khai thực hiện. Định kỳ có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ khuyết các nội dung, giải pháp thực hiện và từng bước nhân ra diện rộng. Trong mỗi hoạt động phải đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung hết sức cụ thể; cử cán bộ xuống tận cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra và cùng triển khai thực hiện, hạn chế tối đa tính hình thức trong hoạt động thực tiễn.

PV: Theo anh, bí quyết để triển khai có hiệu quả phong trào thanh niên nói chung và chương trình hành động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” nói riêng là gì?

Anh Nguyễn Mạnh Dũng: Thực tiễn và kinh nghiệm qua nhiều năm cho thấy: Đó là phải huy động được sức mạnh của tập thể, của các tổ chức chính trị-xã hội, của mỗi đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Bởi vậy, muốn phong trào đạt hiệu quả thiết thực, đòi hỏi tất cả các hoạt động của đoàn và phong trào thanh niên, các cấp bộ đoàn luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.