Người "tiếp lửa" cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

07:58 23/05/2020     1587

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Từ sự khéo léo, sáng tạo, anh Bùi Văn Bằng ở thôn Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ, Thị xã An Nhơn, Bình Định đã phát huy thế mạnh bản thân làm giàu từ nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ và còn “tiếp lửa” cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2015 sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự quay trở về quê hương, anh Bằng nhận thấy nghề chạm gỗ mỹ nghệ đang có xu hướng phát triển mạnh tại địa phương. Cùng với lòng đam mê với những nét chạm khắc tinh tế và mong muốn thổi hồn vào những khúc gỗ thô sơ kia, anh đã tự mình tìm thầy để học nghề.

 

Anh Bùi Văn Bằng hướng dẫn cho thợ tại xưởng

 

Sau 6 tháng học nghề Bằng xin vào làm công ở một số xưởng sản xuất đồ gỗ. Với tính cần cù chịu khó và đôi bàn tay khéo léo nên Bằng thường được giao vẽ và làm các chi tiết hoa văn. Vì thế, tay nghề của anh ngày càng nâng lên. Nhờ cần cù, kiên nhẫn và có nhiều ý tưởng sáng tạo chính vì thế sản phẩm của anh làm ra rất được khách hàng ưa chuộng. Để có được thành quả như hiện tại, sau hơn 10 năm theo đuổi niềm đam mê nghề chạm gỗ mỹ nghệ, anh mạnh dạn mở cơ sở mỹ nghệ ngay trên chính quê hương mình, với các dòng sản phẩm là đồ trang trí nội thất. Thời gian đầu khởi nghiệp anh gặp không ít khó khăn, do thị trường chưa biết đến sản phẩm, trong khi nguyên liệu có vốn đầu tư lớn... với sự nhạy bén, nắm bắt ngày càng có nhiều nhu cầu thị hiếu của khách hàng và đặc biệt hơn thông qua mạng xã hội anh đã quảng bá các các sản phẩm của mình đến với nhiều người hơn nữa, chính vì thế sản phẩm của anh không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn bán sang các tỉnh lân cận vào các thị trường lớn. Nhờ quá trình tích luỹ, học hỏi kinh nghiệm đã giúp anh cho ra đời những sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, mang đậm phong cách làng nghề và bản sắc rất riêng.

Tâm sự với chúng tôi, anh Bằng đã bộc bạch chia sẻ: “Ban đầu tôi mở xưởng không có vốn nên rất khó khăn. Khi vay được vốn tôi đầu tư mua máy móc, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nhiều mẫu hàng bắt mắt nên đã thu hút được khách hàng. Công việc “chạy đều” nên thu nhập cũng ổn định. Thời gian tới, tôi muốn mở rộng quy mô xưởng sản xuất và mở một cửa hàng bày bán sản phẩm gỗ”. Hơn 9 năm làm thợ mộc, Bằng tự tin với tay nghề của mình. Nhờ sự đầu tư đúng hướng và chăm chỉ làm ăn, đến nay xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh đã đi vào hoạt động ổn định. Từ chỗ khó khăn, hiện nay xưởng của anh Bằng đã tạo việc làm cho 4 thanh niên ở địa bàn có thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ xưởng sản xuất, Bằng có thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng.

Với tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, thanh niên Bùi Văn Bằng đã vươn lên làm kinh tế giỏi, lại phát huy được nghề truyền thống, đồng thời tạo việc làm cho thanh niên ở nông thôn.

Ngoài việc phát triển kinh tế vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình, anh còn là Bí thư Chi đoàn thôn Tân Kiều năng nổ tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức, anh cũng chính là người “tiếp lửa” cho các phong trào của thanh niên tại địa phương từ đó tạo phong trào thi đua làm kinh tế giỏi trong lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã Nhơn Mỹ phát triển mạnh, tạo sức lan tỏa rộng rãi. Được hỗ trợ về vốn, khoa học - kỹ thuật, nhiều thanh niên nông thôn đã lập nghiệp thành công, đem lại thu nhập cao, đồng thời tạo việc làm cho không ít thanh niên tại địa bàn. Có thể nói Bằng là điển hình để khuyến khích thanh niên nông thôn khởi nghiệp, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.       

                                                                

Thanh Thảo