Lớp học đặc biệt ở Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng

16:46 24/07/2013     2097

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Nhiều người nói sự học là vô cùng tận và bắt đầu học vào khoảng thời gian nào cũng không bao giờ là muộn. Và khi chứng kiến lớp học đặc biệt tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng tại xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên tôi mới thấm thía điều ấy.
Đến thăm trung tâm vào 1 buổi chiều, theo lời giới thiệu của đồng chí Bí thư Đoàn Trung tâm lao động xã hội Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Phú Huynh cho biết: “Đồng chí cứ đến đi, ở chỗ tôi có một lớp học rất đặc biệt”.

Lớp học đặc biệt? Có điều gì đặc biệt ở một lớp học? Câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu tôi và thôi thúc tôi sớm đến lớp học đó để tìm hiểu.

Có đến Trung tâm biết được vẫn còn nhiều anh em học viên chưa được phổ cập văn hoá bậc tiểu học, còn hạn chế trong việc đọc, viết. Với tinh thần xung kích, luôn đi đầu trong những việc mới, việc khó, Chi đoàn tư vấn – Đội Quản lý học viên mạnh dạn đề nghị cùng Đoàn Thanh niên Trung tâm, Chi bộ và Lãnh đạo Trung tâm tổ chức lớp phổ cập văn hoá bậc tiểu học năm học 2013 – 2014. Thế là những lớp học được mở ra thể hiện sự quan tâm, khích lệ của lãnh đạo Trung tâm tới các bạn học viên đang nỗ lực trên con đường vì ngày mai tươi sáng hơn.

Học viên tham gia giờ học tại Trung tâm giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng
Học viên tham gia giờ học tại Trung tâm giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng

Lớp học đặc biệt…

Tất cả học sinh trong lớp đều là học viên đang được chữa bệnh, được giáo dục tại trung tâm, thậm chí có cả học viên đang điều trị AIDS. Chị Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên Phòng Giáo dục tư vấn được học viên ở đây trìu mến gọi với cái tên “cô giáo” làm công tác đứng lớp xóa mù chữ cho biết: “Lớp học có nhiều điều đặc biệt, học sinh đặc biệt, giáo trình đặc biệt, cách giảng dạy cũng đặc biệt”.

Điều đặc biệt ở đây có lẽ ai cũng hiểu. Họ đều là những học sinh lớn tuổi, vào trung tâm trước hết là để chữa bệnh, được giáo dục, rèn luyện để làm lại cuộc đời. Việc học chữ và được biết chữ đối với họ như một điều bất ngờ.

Tuổi đời của họ thì đã quá xa so với cái tuổi lớp 1, lớp 2, có nhiều học viên còn lúng túng, tập đánh vần ê a từng con chữ trong bảng chữ cái, thậm chí vụng về trước những đồ dùng học tập khi được Trung tâm cung cấp.

Để lớp học có thành quả tốt thì sự cố gắng vươn lên, sự nỗ lực trong học tập của từng học viên cũng phải thực sự đặc biệt.

Học viên Nguyễn Đình Khôi thuộc Đội quản lý học viên số 6 có thể nói là học viên lớn tuổi nhất lớp, nghiêng mái đầu đã hoa râm, nắn nót từng con chữ anh tâm sự: “Trước đây, do gia đình khó khăn, lại đông anh em cộng với tuổi nhỏ ham chơi nên không được học hành bằng chúng bạn. Bây giờ được vào Trung tâm chữa bệnh, lại được các thầy các cô động viên, tạo điều kiện cho đi học để biết đọc, biết viết, em thấy vui và sẽ cố gắng tiến bộ hơn”.

Hiện học viên Khôi đang làm việc tại mảng vườn rau đội, nhưng vẫn tranh thủ những lúc nghỉ trưa hay buổi tối trước khi đi ngủ, anh đều nhờ các anh em học viên khác trong phòng hướng dẫn và kèm học bài.

Tự nguyện xin học… lớp vỡ lòng

Anh Lương Duy Lượng, sinh năm 1980 là học viên đang học tập, chữa bệnh tại Khu điều trị đã từng biết đến ma tuý từ khi 24 tuổi. Anh kể: “Ngày ấy, tôi cũng không nhận thức rõ được về tác hại của ma túy nên theo lời bạn bè thử vài lần rồi nghiện từ lúc nào không biết”.

Một thời gian sau đó, Lượng đã cố gắng cai nghiện nhưng rồi anh cũng chưa  đủ nghị lực để dứt bỏ nó và cuối cùng, anh lựa chọn đến Trung tâm để chữa bệnh, cai nghiện.

Cùng có hoàn cảnh gần giống với học viên Khôi, do gia đình đông anh em nên học viên Lượng cũng không được học hành, thiệt thòi so với anh em bạn bè. Không hẳn là không biết chữ mà chỉ là lâu ngày quá không đọc, không viết nên giờ chữ nghĩa cũng biến đâu mất. Hàng ngày, anh cố gắng tự mình ôn lại kiến thức đã học dựa trên sách vở mà thầy cô cung cấp, nhiều lúc không thể nhớ nổi là chữ gì anh lại tìm tới anh em cùng đội nhờ chỉ dẫn thêm.

Điều mà chúng tôi chú ý tới anh Lượng là ý thức tự giác và tự nguyện xin được tham gia học lớp xoá mù chữ, anh chia sẻ: “Không biết chữ là một thiệt thòi lớn đối với mỗi người. Được vào Trung tâm chữa bệnh, nay lại được học để biết đọc, biết viết là một điều may mắn đối với tôi cũng như các bạn. Và chính môi trường thân thiện, bình đẳng ở Trung tâm đã khiến tôi gạt đi mặc cảm, tự tin đăng ký học lớp xoá mù chữ. Tôi sẽ cố gắng học để biết chữ để biết pháp luật và sẽ làm những điều trái với pháp luật nữa.”

Với nhiều người, đằng sau cánh cổng Trung tâm những nhân phẩm đã bị mài mòn khi vướng vào vòng xoáy của tội lỗi, của tệ nạn xã hội nhưng ở một khía cạnh nào đó họ đáng thương nhiều hơn đáng trách. Những con người cùng cảnh ấy họ đang chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau để làm lại cuộc đời.

Có thể nói, trong lớp học xoá mù chữ, được học để biết đọc biết viết và đó là hạnh phúc. Có những việc là sự không mong muốn nhưng rồi ở một thời điểm nào đó nó lại trở thành điều mà con người ta nâng niu, trân trọng và “Ước mơ không bao giờ là quá muộn, khi người ta có quyết tâm và mong muốn thực hiện điều đó”.

Rời khỏi Trung tâm tôi thầm nghĩ “Hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng chúng ta”, hy vọng, mỗi học viên sẽ cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để đạt thành tích học tập cao nhất, trở thành người lương thiện có ích cho đời.