Chàng Phó Bí thư đoàn làm kinh tế giỏi

08:58 03/12/2013     1474

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Tốt nghiệp lớp 12, không chọn giảng đường đại học để thực hiện ước mơ, Phạm Thanh Hà trú tại thôn 4, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà lại chọn nghề nông lập nghiệp. Bằng tâm huyết và sự năng động, Hà đã trở thành một trong những gương thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Đăk Hà và là một Phó Bí thư đoàn xã năng nổ.


Phạm Thanh Hà với chiếc máy chạy cà phê thay thế sức lao động của 3 người

Con đường dẫn vào xã Hà Mòn những ngày này rộn ràng hơn bởi đang là mùa thu hoạch cà phê. Xe công nông nườm nượp chở cà phê về những sân phơi san sát mọc lên bên cạnh những ngôi nhà ngói mới khang trang. Không khó để chúng tôi tìm ra nhà Phạm Thanh Hà bởi ở đây Hà không chỉ được biết đến là một thanh niên làm kinh tế giỏi, một Phó Bí thư chi đoàn năng động mà anh còn được biết đến với vai trò là một chàng kỹ sư tay ngang.

Sinh năm 1991 trong một gia đình thuần nông, ước mơ của Hà cũng đơn giản như tính cách những người nông dân quanh năm sống với rẫy, ruộng. “Không được học cao như mọi người thì mình ở nhà cố gắng phát huy sức sáng tạo của mình để phục vụ vào việc làm nông nghiệp đạt hiệu quả, nâng cao sản lượng cho gia đình” - Hà tâm sự.

Hiện tại, Hà đang là ông chủ của hơn 1 ha cà phê, 600 cây bời lời, mỗi năm thu về 150 triệu đồng. Anh cũng là tác giả của nhiều loại máy phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp của gia đình như máy đào hố, máy phun thuốc, máy xúc lật, máy xé xốp loại nhỏ, máy chạy cà phê… Nói về việc tạo ra những chiếc máy này, Hà bộc bạch: “Sức lao động của mình cũng không được khỏe như những thanh niên khác. Với những công việc nặng nhọc mình tận dụng thiết bị máy móc để phục vụ cho chính bản thân được nhanh hơn, hiệu quả hơn so với những người mà có sức lao động khỏe”.

Cơ duyên đưa Hà đến với việc chế tạo các loại máy phục vụ nông nghiệp đó là vào năm 2012, xã phối hợp với trường nghề ở Đông Nam Bộ mở lớp sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp trong thời gian 3 tháng. Sau thời gian tham gia khóa học, Hà áp dụng những kiến thức được học để chế tạo ra các loại máy hỗ trợ sản xuất, tiết kiệm sức lao động.

Trong số những sáng chế của Hà còn có một chiếc xe công nông được sử dụng với hai chức năng là chuyên chở nông sản và xúc ủi đất. Chia sẻ về chiếc máy hai trong một này Hà cho biết sở dĩ có việc như vậy là vì nông sản thì chở theo mùa vụ, thời gian bỏ không cũng tiếc, vì vậy Hà đã nghiên cứu và gắn thêm bộ phận xúc, ủi đất để phục vụ những hộ gia đình có nhu cầu làm sân phơi, san đất xây nhà.

Không chỉ vậy, trong những mùa cà phê, mỗi ngày Hà còn nhận chở từ 3 đến 5 chuyến nông sản từ rẫy về hộ gia đình với số tiền dao động từ 3 đến 5 trăm nghìn đồng cho mỗi chuyến.


Chiếc công nông này vừa là phương tiện chuyên chở nông sản, vừa có thể xúc, ủi đất

20 tuổi, Phạm Thanh Hà vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và rồi ở tuổi 22, anh lại ghi dấu cho cuộc đời mình bằng những nỗ lực trong việc làm kinh tế. “Là một Đảng viên trẻ, Hà luôn say sưa trong công việc, sáng chế ra những công cụ phục vụ sản xuất hiệu quả, đạt năng suất cao mà nhiều thanh niên khác không làm được. Trong hoạt động Đoàn thì Phạm Thanh Hà cũng luôn nhiệt tình, năng nổ trong mọi phong trào do Đoàn tổ chức. Bất cứ công việc gì Hà đều hăng say tham gia, không nề hà. Là một đoàn viên thanh niên có vóc dáng nhỏ nhưng phong trào hiến máu tình nguyện cũng được Hà nhiệt tình tham gia”, đồng chí Trịnh Văn Hân – Bí thư xã Đoàn Hà Mòn cho biết.

Ở tuổi đôi mươi, nhiều bạn trẻ vẫn đang trên đường đi tìm thành công trên những giảng đường đại học, nhưng tấm gương của Phạm Thanh Hà lại một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy rằng “Đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công”. Hy vọng rằng với vai trò của người cán bộ Đoàn, là một thủ lĩnh thanh niên tại địa phương, anh sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho hoạt động Đoàn, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tỉnh nhà trong xây dựng nông thôn mới.