Khát vọng và trách nhiệm của thế hệ trẻ

09:36 29/01/2021     4421

Công tác giáo dục   "Văn kiện đã khái quát được mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 của đất nước. Đây là một cách nhìn rất xa để từ mục tiêu, khát vọng ấy, chúng ta sẽ đề ra lộ trình, giải pháp cụ thể để xây dựng một Việt Nam hùng cường. Chúng tôi cũng nhìn thấy trong khát vọng, mục tiêu ấy có một trách nhiệm rất lớn của thế hệ trẻ hôm nay cũng như thế hệ trẻ sau 10 - 15 năm nữa".

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao đổi với báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng, ngày 28/1.

 

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM. Ảnh: NHƯ Ý

 

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Đại hội XIII của Đảng đã dành hai ngày tham luận các văn kiện trình Đại hội. Dưới góc nhìn của thanh niên, anh tâm đắc về những nội dung gì trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII?

Dưới góc nhìn thanh niên, có ba điểm chúng tôi hết sức tâm đắc. Thứ nhất, văn kiện đã khái quát được mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 của đất nước. Đây là một cách nhìn rất xa để từ mục tiêu, khát vọng ấy, chúng ta sẽ đề ra lộ trình, giải pháp cụ thể để xây dựng một Việt Nam hùng cường. Chúng tôi cũng nhìn thấy trong khát vọng, mục tiêu ấy có một trách nhiệm rất lớn của thế hệ trẻ hôm nay cũng như thế hệ trẻ sau 10 - 15 năm nữa.

Thứ hai, văn kiện Đại hội XIII đã có nội dung, dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Quan điểm này tuy không mới, nhưng lần đầu tiên được đưa vào văn kiện Đại hội. Trẻ em ngày hôm nay cũng chính là lực lượng thanh niên của năm 2030 và trung niên của năm 2045. Nói cách khác, chính các em sẽ là những người cụ thể hóa và hiện thực hóa mục tiêu 2030 và khát vọng 2045.

Chính vì vậy, chăm lo cho trẻ em từ ngày hôm nay cũng chính là chăm lo cho nguồn lực tương lai của đất nước, để các em thực sự vững vàng về kiến thức, kỹ năng về nhận thức, đặc biệt có khát vọng và ý chí vươn lên để đóng góp một cách có trách nhiệm, hiệu quả vào quá trình thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII cũng như các đại hội tiếp sau.

Thứ ba, chúng tôi hết sức tâm đắc khi Trung ương tiếp tục đặt ra ba điểm đột phá, trong đó coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đây sẽ là một động lực hết sức quan trọng để phát huy giá trị, truyền thống của dân tộc, phát huy giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam để đóng góp vào sự phồn thịnh của đất nước. Vì suy cho cùng, con người vừa là chủ thể, vừa là trung tâm nhưng cũng là đối tượng thụ hưởng của tất cả quá trình phát triển. Khi đặt văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, chúng ta sẽ có điều kiện phát huy và khơi gợi một cách đầy đủ nhất những giá trị to lớn của dân tộc Việt Nam mà cha ông chúng ta đã từng giành được nhiều thắng lợi trong quá trình đấu tranh bảo vệ dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Vậy tới đây, Đoàn TNCS HCM có kế hoạch, hành động cụ thể gì để khơi dậy khát vọng, ý chí làm giàu, xây dựng đất nước trong thế hệ trẻ, thưa anh?

Chúng tôi cho rằng, để đất nước phát triển cường thịnh, không thể thiếu được những thế hệ doanh nhân có tầm, có tâm, có khát vọng vươn lên ở tầm khu vực và thế giới. Chính vì vậy ngay từ rất sớm, chúng tôi đã xây dựng chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Trong đó có 5 nhóm giải pháp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đặc biệt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân tương lai vươn tầm khu vực và thế giới.

Nhóm giải pháp thứ nhất, chúng tôi tập trung vào các giải pháp cổ vũ, tuyên truyền động viên để khơi gợi khát vọng vươn lên của thanh niên Việt Nam, đặc biệt khát vọng lập nghiệp, khởi nghiệp thông qua những tấm gương doanh nhân trẻ tiêu biểu thành đạt, thông qua những tấm gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi. Thông qua những câu chuyện có thể truyền cảm hứng để các bạn có thể vượt qua nỗi sợ hãi khi bắt tay vào khởi nghiệp.

Nhóm giải pháp thứ hai, chúng tôi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để trang bị cho các bạn thanh niên có mong muốn khởi nghiệp. Thứ ba, hình thành các thiết chế mạng lưới như trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, các văn phòng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ở các địa phương… Thứ thư, hỗ trợ cụ thể về vốn thông qua Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp về mặt bằng, hỗ trợ thông qua cơ chế kết nối với các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn…

Bên cạnh đó, tham vấn chính sách thông qua diễn đàn thanh niên khởi nghiệp được tổ chức hai năm một lần ở cấp quốc gia và hàng năm ở cấp địa phương, để Thủ tướng Chính phủ, các chủ tịch UBND tỉnh lắng nghe ý kiến, những đề xuất, kiến nghị của cộng đồng thanh niên khởi nghiệp. Để thông qua đó hoàn thiện, ban hành các chính sách mới phù hợp với bối cảnh khởi nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Nhóm giải pháp thứ năm, kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tấm gương điển hình tiên tiến trong hoạt động khởi nghiệp theo từng chặng thông qua các giải thưởng như: Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, Doanh nhân ASEAN xuất sắc… Việc động viên, tuyên dương một cách kịp thời không chỉ tạo động lực cho chính các bạn thanh niên đang khởi nghiệp, mà có tác dụng lan tỏa đến các đối tượng thanh niên khác.

Sống có trách nhiệm, nhân hậu và yêu thương

 

Đoàn thanh niên hăng hái làm đường giúp dân đạt nông thôn mới. Ảnh: Anh Tuấn

 

Dưới góc nhìn của người phụ trách công tác Đoàn Thanh niên, theo anh, hình ảnh của người thanh niên trong tương lai sẽ cần có những phẩm chất, đức tính mới nào so với hiện nay?

Đất nước dù có thay đổi thế nào, thanh niên Việt Nam trước hết vẫn là con người Việt Nam. Phẩm chất và yếu tố đầu tiên phải là yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, các bạn phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, còn nếu dừng lại, chúng ta sẽ bị tụt hậu.

Thứ ba, thanh niên phải có bản lĩnh vững vàng trong bối cảnh hội nhập, với sự hòa trộn, va đập với các nền văn hóa khác nhau, để giữ vững truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Nhưng đồng thời cũng hấp thụ được những tinh hoa nhân loại, để xây dựng con người Việt Nam hoàn thiện hơn, trở thành công dân toàn cầu nhưng vẫn giữ bản sắc rất riêng của dân tộc Việt Nam.

Điều thứ tư, cần phải sống có trách nhiệm, nhân hậu và yêu thương với cộng đồng, xã hội, với đồng loại của mình. Khi không có trách nhiệm với bản thân, với đồng bào, Tổ quốc, chắc chắn mình không thể có trách nhiệm với thế giới để giữ vững được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo anh, lực lượng thanh niên đang có những mặt hạn chế nào cần phải khắc phục để hoàn thiện bản thân?

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi thanh niên phải hoàn thiện các phẩm chất cần có và phải rèn luyện nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, có ba vấn đề thanh niên cần phải lưu tâm trong thời gian tới. Trước tiên, phải ý thức được trách nhiệm của bản thân với chính mình, với gia đình, cộng đồng và với đất nước, dân tộc mình. Khi chưa ý thức được đầy đủ trách nhiệm của bản thân, mình sẽ không có một lộ trình, động lực, hay giải pháp để vươn lên.

Bên cạnh đó, phải hoàn thiện kỹ năng, kiến thức, phương pháp cần có trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đấy là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thực hành xã hội, khả năng sử dụng ngoại ngữ, khả năng bắt nhịp với những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Điều này thanh niên Việt Nam vẫn còn đang thiếu, thiếu rất nhiều so với các bạn trong khu vực và thế giới.

Kế đến là tinh thần sẻ chia, ý thức với cộng đồng. Mình không thể sống tách biệt trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng. Mỗi chúng ta không chỉ biết đến bản thân mà cần phải có sự sẻ chia với cộng đồng, với bạn bè quốc tế. Khi có sự sẻ chia, chính chúng ta sẽ là những đại sứ, những thông điệp góp phần củng cố, nâng cao thêm vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cảm ơn anh.

 

theo TPO