Nhìn lại chặng đường của Phó Chủ tịch xã trẻ tuổi

14:12 10/12/2015     1510

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Ngay khi được bổ nhiệm vào chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, Lơ Mu Ha Póh, tốt nghiệp từ trường Đại học Đà Lạt, chuyên ngành Kế toán dâng trào cảm xúc lẫn lộn vì biết mình đã là một Phó Chủ tịch, một cơ hội lớn để thực hiện ước mơ, hoài bão cũng như thể hiện hết năng lực cùng với Chính quyền địa phương trong việc xoá đói, giảm nghèo.
Là một trong 53 đội viên thuộc Dự án của 4 tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Ninh Thuận và Quảng Nam, Lơ Mu Ha Póh đã bắt tay vào công việc với cương vị của một người Phó Chủ tịch UBND xã và tự nhủ với bản thân rằng “luôn lấy dân làm gốc”. Khi về với xã Rô Men, chàng trai trẻ đến từ xã nghèo Đạ M’Rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng được lãnh đạo ở địa phương phân công phụ trách mảng văn hóa xã hội với kỳ vọng sẽ giúp Chính quyền địa phương thay đổi được phương thức canh tác, hủ tục lạc hậu và tư tưởng trông chờ ỷ lại của một số bộ phận nhân dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

h
ảnh minh họa - ảnh nguồn Internet

Sau đợt tập huấn 03 tháng do Ban Quản lý Dự án 600 PCT xã của Bộ Nội Vụ, với đề tài “Nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn xã”, được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính thiết thực và hiệu quả nhưng khi về địa phương công tác, Lơ Mu được phân phụ trách mảng văn hóa xã hội, lúc ấy Lơ Mu biết rằng sẽ khó thực hiện được đề án mà mình đã xây dựng. Không nản chí, Phó Chủ tịch xã bắt đầu chuyển sang hướng khác để tiếp tục thực hiện đề tài của mình trên khía cạnh khác. Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao bên mảng văn hóa xã hội, Lơ Mu được Chủ tịch phân công đảm nhiệm thêm một số việc thuộc các chương trình, dự án đầu tư về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã.

Nâng cao trình độ dân trí

Tự nhận có sự thuận lợi hơn so với các bạn đội viên khác vì là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nên việc nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân dễ hơn và hiểu được phong tục, tập quán canh tác cũng như sinh hoạt của người dân địa phương. Khi nhận nhiệm vụ công tác với vai trò của một Phó Chủ tịch phụ trách mảng văn hóa xã hội, Lơ Mu đã xác định ngay công việc trọng tâm mà mình cần phải làm như: giảm ngay tình trạng sinh con thứ ba trở lên; thay đổi cách sống, sinh hoạt của người dân hợp vệ sinh để phòng chống các loại bệnh dịch; Chủ động đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn; xóa bỏ  các phong tục, tập quán, tư tưởng, hủ tục, lạc hậu; Nghiên cứu kỹ đặc thù về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương để hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả.

Lơ Mu đã đưa ra một số biện pháp khác như: Phân công cán bộ các ban ngành đoàn thể phụ trách ở từng thôn cùng với Chi bộ, Ban nhân dân thôn và Cộng tác viên dân số của thôn phối hợp với chức sắc, trưởng nhóm đạo ở thôn, nắm chắc số chị em phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, nắm tư tưởng cũng như trình độ nhận thức của mỗi hộ gia đình, hàng tháng Ban chỉ đạo dân số, kế hóa gia đình tiến hành họp bàn các giải pháp thích hợp để đi tuyên truyền, vận động cho hiệu quả. Từ những giải pháp trên mà công tác dân số của xã đã có sự khởi sắc, số lượng chị em phụ nữ sinh đẻ có kế hoạch, áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng, các chỉ tiêu về công tác dân số huyện giao, xã đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu; các loại bệnh dịch điều được khống chế và không để lây lan.

 Lơ Mu Ha Póh, Phó Chủ tịch xã  Rô Men
Dù tất cả những việc làm trên tuy không thật sự lớn, và vẫn chưa thể cùng Chính quyền và nhân dân địa phương thoát khỏi cảnh nghèo khổ ngay, nhưng thiết nghĩ rằng đó điều là những việc làm cần thiết. Tuy những việc làm đó còn nhỏ bé nhưng kết quả mang lại thật sự có ích cho dân.
Phó Chủ tịch UBND xã trẻ đã kết hợp những kiến thức về tài chính-kế toán được học ở Trường Đại học với việc nắm bắt rõ tâm tư nguyện vọng của người dân quê mình, Lơ Mu Ha Póh tin rằng mình có thể thực hiện thành công việc sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, nâng cao khả năng nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc sản xuất giống cây trồng vật nuôi, giúp tăng thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo. Lơ Mu đã trực tiếp đi khảo sát, chỉ đạo Ban nhân dân các thôn tổng hợp lại nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực và phù hợp với địa phương từ đó đưa ra hướng để đào tạo. Kết quả trong năm đã mở 02 lớp trồng và chăm sóc cà phê, 01 lớp gò hàn, đầu năm 2013 đã mở 01 lớp sửa chữa xe máy và 01 lớp xây dựng cho lao động nông thôn trên địa bàn xã với hơn 125 lao động tham gia học nghề.

Sự vào cuộc quyết liệt của các Ban ngành đoàn thể

Ở địa phương Lơ Mu công tác vẫn còn nhiều hủ tục, tư tưởng lạc hậu ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội như: tục thách cưới của dân tộc Cil, cúng bái khi đau ốm bệnh tật, sự tự ty của người đồng bào dân tộc thiểu số, quan điểm áp dụng các biện pháp tránh thai là có tội với Chúa của người theo đạo, tục tảo hôn… Đã là phong tục tập quán, tư tưởng ăn sâu vào tiềm thức của con người nên việc thay đổi và xóa bỏ đi những tư tưởng, hủ tục trên không phải việc một sớm một chiều là làm được. Từ đó, Lơ Mu đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND chỉ đạo các Ban ngành đoàn thể vào cuộc quyết liệt. Nhờ vậy, các hủ tục, tư tưởng lạc hậu này dần dần được cải thiện và đi lên theo hướng tích cực, tục thách cưới của dân tộc Cil cũng dần thay đổi giá trị sính lễ trong việc cưới hỏi chỉ còn mang tính tượng trưng, có giá trị nhỏ hơn trước đây rất nhiều; người dân không còn cúng bái khi bị đau ốm bệnh tật; quan điểm áp dụng các biện pháp tránh thai là có tội với Chúa đã dần được thay đổi, tỷ lệ chị em phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai tăng; tư tưởng tự ty dần được cải thiện, số hộ người đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn phát triển kinh tế khá giả, vươn lên làm giàu ngày càng tăng. Bộ mặt về đời sống kinh tế xã hội của người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.

Lơ Mu đã dành nhiều thời gian xuống cơ sở, chỉ đạo đội ngũ trí thức trẻ 30a cùng với cán bộ Khuyến nông xã hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và tìm đầu ra cho sản phẩm mà người dân làm ra. Phương châm cầm tay chỉ việc luôn được chú trọng và nó thực sự cần thiết đối với người dân, hướng dẫn từ những cái nhỏ, cái dễ rồi tới những việc lớn, việc khó có như vậy mới dần dần thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu của người dân và khi đó năng xuất, chất lượng cây trồng mới nâng lên.

Với sự nhiệt huyết và sự nỗ lực không ngừng của bản thân, Lơ Mu nhận ra rằng khi kết thúc Dự án, anh và các bạn sẽ làm được những điều mà mình đã hứa, giúp cuộc sống của người dân ở vùng đặc biệt sẽ đổi thay và đi lên, đáp ứng sự kỳ vọng của Chính quyền địa phương cũng như của người dân tại xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Nhìn lại chặng đường làm Phó Chủ tịch xã, Lơ Mu nhận thấy rằng kỹ năng sống, điều hành là do thực tiễn chỉ dạy; mọi việc làm điều lấy dân làm gốc và không tách rời dân; mọi quyết định, mọi chủ trương, chính sách điều phải dựa vào tâm tư, nguyện vọng của dân; cái gì có lợi cho dân thì nhất quyết phải làm bằng được, cái gì có hại cho dân thì phải tránh đi./.