Hiệu quả chuyển đổi cây trồng, xoá đất mòn tại xã Triệu Nguyên

11:06 17/12/2015     2528

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: “Đừng lùi bước trước gian khổ, hãy tự tin thì điều kỳ diệu sẽ đến” là điều mà mà Phó Chủ tịch xã Trần Thiên Trường đã luôn tâm niệm khi về nhận công tác tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Chàng trai trẻ Trần Thiên Trường (sinh năm 1982), tốt nghiệp Đại học Đà Lạt với tấm bằng cử nhân chuyên ngành kinh tế nông lâm đã trúng tuyển đội viên dự án 600 Phó Chủ tịch xã của tỉnh Quảng Trị và được phân về xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, phụ trách lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Phát huy sức trẻ, trí tuệ, tinh thần xung kích của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Trần Thiên Trường đã tình nguyện về với huyện Đakrông, một trong 63 huyện nghèo của cả nước, tập trung chủ yếu là dân tộc Pakô, Vân Kiều; địa hình chủ yếu là đồi núi, lại giáp biên giới, đời sống kinh tế - xã hội cũng như nhận thức của người dân còn hạn chế.

Thời gian đầu, Phó Chủ tịch xã Triệu Nguyên cảm thấy rất khó khăn khi phải làm quen với địa bàn, cũng như người dân và cán bộ ở đây. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ, kinh nghiệm còn ít nên không khỏi bỡ ngỡ. Coi áp lực công việc là động lực thúc đẩy để cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, anh đã mạnh dạn xây dựng đề án nông thôn mới chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, qua đó phát huy thế mạnh, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương.

5
Anh Trần Thiên Trường, Phó Chủ tịch xã Triệu Nguyên, làm việc tại trụ sở xã

*Xoá đất mòn bằng trồng lúa nước

Qua khảo sát, khu vực Đồng Họ của thôn Xuân Lâm có diện tích 14 ha, trong đó có 7,2 ha diện tích đất trồng màu đã thoái hóa bạc màu. Quá trình sản xuất nông nghiệp của nhân dân hàng năm cho năng suất thấp. UBND xã đã phân công Trường chỉ đạo và phối hợp với Ban giám sát cộng đồng xã, thôn tiến hành theo dõi, giám sát công trình thi công một số hạng mục như san ủi lại mặt bằng, lên bờ vùng bờ thửa, làm tuyến kênh mương thoát nước phía trong.

Khi tiếp xúc với công việc, Phó Chủ tịch xã trẻ đã trực tiếp đến từng nhà để vận động bà con hiến một phần nhỏ đất ở vị trí có tuyến mương có tác dụng thoát nước khi có mưa, tránh nước tiếp xúc trực tiếp với thân đê làm lỡ đê đi qua. Với những phần đất bà con đã làm hàng rào, muốn thi công được phải dỡ bỏ, một số hộ không có nhân công để tháo dỡ và làm lại nên Trường đã đề xuất với Công đoàn xã huy động đoàn viên trong Công đoàn tham gia tháo dỡ và làm lại cho bà con.

Bước vào vụ sản xuất Đông xuân, Trường đã chỉ đạo Trưởng thôn Xuân Lâm tổ chức họp 48 hộ dân có đất ở Đồng Họ để vận động bà con tiến hành cày xới ngâm ủ đất, định hướng chọn giống lúa phù hợp với đất mới đưa vào sử dụng. Do người dân thôn Xuân Lâm từ trước đến nay chưa trồng lúa nước nên không chủ động được giống lúa cũng như kỷ thuật trồng lúa nước. Trường đã đề xuất với UBND xã hỗ trợ 50% giá giống lúa cho người dân (phần còn lại người dân tự đối ứng), đồng thời Hội Nông dân của xã đã xin Hội Nông dân huyện mở lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng lúa nước và phòng trừ sâu bệnh cho 48 hộ dân thôn Xuân Lâm.

*Bắt đầu với nhiều khó khăn

Khi thực hiện chuyển đổi sang trồng lúa nước, Trường gặp phải khó khăn do chất đất là cát pha khi cho nước vào không giữ được lâu, phần bờ vùng bờ thửa khi có đợt mưa thì bị xói lỡ nghiêm trọng, khi nước rút đi mặt bằng của ruộng lại phẳng như chưa được cày xới, lớp trên mặt chỉ là cát. Phần lớn người dân tỏ ra chán nản, không muốn làm ruộng nước nữa.

Để vận động nhân dân làm lúa nước hết diện tích, Trường đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế  đánh giá lại khả năng nguồn nước tưới tiêu có đãm bảo đủ cho 7,2 ha diện tích Đồng Họ trong cả vụ hay không, với thực trạng đất cát pha như vậy có thể trồng được lúa nước hay không…, đồng thời, Phó Chủ tịch cũng chỉ đạo tổ quản lý thủy nông của thôn thực hiện tốt việc điều tiết nước, đảm bảo được lượng nước tưới, cho tiến hành cày xới, sục bùn nhiều lần sẽ tạo ra được lớp đệm chống thẩm thấu nước; chỉ đạo Trưởng thôn Xuân Lâm cho tổ chức họp 48 hộ dân có đất làm ruộng nước, mời các thành viên có mặt trong đoàn tham gia khảo sát thực tế cùng tham gia họp để có thể tuyên truyền, vận động được tốt hơn. Tuy nhiên, khi tham gia mọi cuộc họp, Trường chi sẻ, có những cuộc  chỉ có 1/4 hộ dân tham gia gây khó khăn cho công tác tuyên truyền vận động.

5
Tình trạng hạn hán kéo dài gây khó khăn cho bà con trồng lúa

*Khắc phục khó khăn và thành công

Trước nhiều sự khó khăn, Phó Chủ tịch xã trẻ đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã và thôn vận động hội viên trong hội do đó bà con đã tiếp tục ra đồng để làm đất, bón lót phân chuồng  gieo cấy đúng theo lịch thời vụ.

Tuy quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa nước tại công trình thủy lợi khe Nha Triều cũng gặp nhiều khó khăn, người dân bước đầu làm ruộng nước nên còn lúng túng, khi gieo mạ xuống do cát nhiều trên lớp mặt, nền ruộng cứng nên rễ mạ khó bám dẫn đến một số ô ruộng tỷ lệ mạ chết nhiều, cây lúa phát triển không đồng đều, nhưng Phó Chủ tịch xã cùng với công chức nông nghiệp, Tri thức trẻ của xã thường xuyên bám sát đồng ruộng để hướng dẫn cho bà con cách thức dặm, tỉa, bón phân, phòng trừ sâu bệnh.

Đồng thời, anh đã chỉ đạo trưởng thôn tiếp tục họp 48 hộ dân để bàn phương án điều tiết nước hợp lý trong lúc hạn hán, không để xảy ra tình trạng vì tranh dành nước tưới mà gây mất đoàn kết trong dân, thống nhất phương án chia 7,2 ha diện tích thành ba vùng để luân phiên lấy nước và có nhiều cam kết giữa các vùng khi có vi phạm xảy ra, giúp bà con yên tâm trồng lúa.

Nhờ sự nỗ lực không nghỉ của Phó Chủ tịch xã trẻ Trần Thiên Trường, sản lượng vụ Đông Xuân năm vừa qua, riêng khu vực lúa thuộc công trình thủy lợi khe Nhà triều cho năng suất 51 tạ/ha.

Trường chia sẻ, nhìn người dân hăng hái gặt trên đồng dưới cái nắng chói chang nhưng vẫn nở nụ cười khi thấy anh em cán bộ xã đến thăm. Bà con nông dân đều vui vẻ nhận định “lúc đầu định không làm, giờ thấy lúa nhiều hạt cũng sướng, vụ tới tui làm tiếp”.

Kết quả quá trình chuyển đổi từ đất trồng màu sang đất trồng lúa nước ở khu vực Đồng Họ, thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên, góp phần giải quyết lương thực tại chỗ, và giúp bà con yên tâm trồng trọt và góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương./.