Góp sức trẻ xây dựng Lai Châu

11:50 02/12/2015     2724

Công tác giáo dục   Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, các đội viên thuộc Dự án 600 trí thức trẻ ở huyện Sìn Hồ đã không quản ngại khó khăn, nỗ lực đóng góp sức mình đưa kinh tế ở các xã nghèo, vùng cao nơi họ được cử về làm Phó Chủ tịch UBND xã đi lên.
Là một cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nghệ An, nhưng mong ước được cống hiến sức trẻ, trí tuệ để phục vụ Nhân dân. Sau khi tốt nghiệp Đại học Vinh. Nguyễn Thị Hằng đã nộp hồ sơ tham gia vào Dự án 600 tri thức trẻ. Trúng tuyển Hằng được cử về làm Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng một xã khó khăn của huyện.

Nhưng bằng nghị lực Hằng đã biết phát huy sở trường, khắc phục khó khăn tìm nhiều giải pháp để phù hợp với phát triển kinh tế của địa phương. Vốn được học chuyên về ngành nông – lâm - ngư nghiệp khi thấy người dân trong xã chỉ trông chờ vào một vụ lúa nước, còn lại đất bị bỏ trống rất lãng phí.

Hằng đã tìm hiểu và đề xuất với cấp ủy chính quyền địa phương vận động Nhân dân đưa cây ngô đông vào trồng trên đất lúa một vụ. Với 22 ha ngô đông được trồng tại 2 bản Phiêng Quang, Nậm Bó bước đầu cho hiệu quả rất tốt, năng suất đạt 35,4 tạ/ha.

h
Đội viên Hà Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa vận động người dân tích cực trồng ngô bán ngập

Hiệu quả từ việc trồng ngô đông trên đất lúa 1 vụ được xem là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của xã và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Vụ đông năm 2015, Hằng dự kiến đề xuất với cấp ủy chính quyền xã trồng thêm 40ha ngô đông, để giúp bà con có thêm thu nhập.

Ngoài ra, Hằng còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng tuyến đường nội bản tại bản Nậm Bó với chiều dài 1,5km. Tích cực xuống bản hướng dẫn Nhân dân gieo mạ, cấy lúa và giữ gìn vệ sinh môi trường, nuôi nhốt gia súc, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ… Với sự góp sức của cô gái trẻ, đến nay Lùng Thàng đã đạt được 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Còn với đội viên Hà Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa góp công của mình bằng mô hình trồng ngô trên đất bán ngập. Nhất kể: “Khi về công tác tại xã nhận thấy địa phương có một diện tích lớn (trên 100 ha) đất bán ngập của thủy điện Sơn La mà khi nước rút Nhân dân chỉ dùng để làm bãi chăn thả trâu, bò. Sau khi nghiên cứu quy trình nước lên, nước xuống mình đã chủ động tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương trồng thử nghiệm cây ngô”.

Với sự đồng tình ủng hộ của tập thể cấp ủy chính quyền, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, sự giúp đỡ về chuyên môn, kỹ thuật của cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện sau 3 tháng mô hình đã đem lại những kết quả tốt. Với diện tích hơn 100 ha ngô, năng suất trung bình là 37 tạ/ha, có những chỗ phát triển tốt năng suất lên đến 42 tạ/ha. Mô hình do Nhất khởi sướng đã được bà con ghi nhận. Từ đó đến nay, Nhân dân trong xã tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình. Ngoài thực hiện mô hình ngô bán ngập, Nhất còn tích cực vận động người nhân xây dựng NTM, xây dựng bản làng văn hóa, xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm.

Đến nay, 5/8 bản đạt danh hiệu bản văn hóa, 60% hộ gia đình đạt văn hóa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã đạt 8 - 10%. “Được chọn lựa, tin tưởng giao nhiệm vụ, mình rất vui và tự hào. Mình sẽ nỗ lực hơn nữa để đền đáp sự yêu thương, tin tưởng của bà con” - Nhất tâm sự.

Với cố gắng của Nhất và cấp ủy chính quyền địa phương đã chứng minh qua con số tỷ lệ đói nghèo của xã Chăn Nưa chỉ còn 13,7%. Đó là những đóng góp không nhỏ của chàng trai trẻ làm nghĩ dám làm. Đang từng bước cố gắng thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào theo hướng tiến bộ.

Hằng, Nhất chỉ là 2 gương mặt tiêu biểu trong số các đội viên thuộc Dự án 600 tri thức được cử về làm Phó Chủ tịch UBND xã tại huyện Sìn Hồ từ tháng 7 năm 2012 đến nay. Đội ngũ này đã và đang khẳng định được vai trò, vị trí cũng như hiệu quả tích cực của Dự án 600 tri thức trẻ do Chính phủ đề ra. Thực tế cũng đã cho thấy, tuy công tác ở các xã dù điều kiện kinh tế còn muôn vàn khó khăn, giao thông cách trở song đội ngũ này đã quyết tâm vượt qua và phấn đấu bằng tinh thần nghị lực của tuổi trẻ và bằng sự tin tưởng gửi gắm của bà con dân bản.

Đánh giá về những đóng góp của đội viên tri thức trẻ, ông Lê Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ khẳng định: “Trong quá trình công tác tại các xã, các đội viên tri thức trẻ đã khắc phục mọi khó khăn, mạnh dạn đề xuất, tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương phát triển kinh tế. Trong đó, nhiều mô hình chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ, thâm canh tăng vụ, đưa giống mới vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, trồng ngô vụ đông trên đất lúa một vụ đạt hiệu quả cao.

Một số đội viên đã được cấp ủy tin tưởng, giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng, kết nạp Đảng cho đi đào tạo ở các lớp trung cấp lý luận. Trong công tác các đội viên tri thức trẻ đã thực sự trở thành cầu nối giữa huyện với cơ sở để trao đổi thông tin, tổ chức quản lý chỉ đạo và điều hành”.

Có thể nói, các đội viên thuộc Dự án 600 tri thức trẻ tại huyện Sìn Hồ đã phát huy sức sáng tạo và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với Đảng bộ, Nhân dân các xã nghèo vươn lên, góp phần không nhỏ trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Sìn Hồ ngày càng phát triển.