Tôi tin vào con đường mình đã chọn

16:25 16/12/2015     1210

Công tác giáo dục   Tôi tin vào con đường mình đã chọn, với nhiệm vụ mới tôi sẽ tiếp tục rèn luyện, cống hiến, góp phần để Quế Sơn ngày càng thay da đổi thịt, bà con có cuộc sống no ấm, hạnh phúc, tươi vui.
Đó là Trần Sĩ Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Với thành công từ hai mô hình “Phát triển chăn nuôi thỏ quy mô hộ gia đình” và “Triển khai, ứng dụng quy trình xử lý nước, rác thải sinh hoạt bằng vòng tròn chuối”, anh là một trong 150 thanh niên được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2014.

Trò chuyện với anh, nhiệt huyết và tự tin của tuổi trẻ biểu hiện qua ánh mắt, cử chỉ, tôi hiểu vì sao anh khẳng định: “Với tôi, sự trải nghiệm, rèn luyện và cống hiến luôn là sự lựa chọn đúng đắn”.

r
Phó Chủ tịch UBND xã Trần Sĩ Trung (áo xanh TNVN) hướng dẫn bà con thực hiện mô hình “Triển khai, ứng dụng quy trình xử lý nước, rác thải sinh hoạt bằng vòng tròn chuối”

Ý chí người trẻ


Sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà đông anh em nhưng từ nhỏ Trung luôn được bố mẹ tạo điều kiện học tập. Học xong THPT, Trung thi đỗ Đại học Lâm nghiệp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Trung về làm việc tại Trung tâm Điều tra quy hoạch nông - lâm nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang.

Tại đây, Trần Sĩ Trung đã trở thành một trong những đảng viên trẻ đầu tiên của Chi bộ Trung tâm. Anh chia sẻ: Được đứng vào hàng ngũ của Đảng không chỉ là niềm vinh dự của bản thân mà của cả gia đình. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu và nỗ lực trong thời gian dài ngay từ khi ở trường đại học.

Ở Trung tâm, Trung được làm việc đúng chuyên ngành, có điều kiện phát triển, nhưng với anh hoài bão được thử sức của tuổi trẻ luôn thường trực trong anh. Khi biết thông tin về Dự án 600, anh nộp hồ sơ đăng ký dù biết con đường phía trước sẽ nhiều khó khăn, thử thách.

Sĩ Trung cho biết: Anh trúng tuyển trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Quế Sơn (cách nhà gần 100km) khi đã lập gia đình và đang có con nhỏ. Ban đầu gia đình chưa nhất trí. Anh thuyết phục dần, cuối cùng được vợ và cả gia đình thấu hiểu, đồng tình. Trung bắt đầu hành trình từ miền xuôi lên miền ngược với quyết tâm thổi một luồng gió mới đến vùng quê nghèo mình sẽ gắn bó.

Khi đặt chân đến nơi công tác mới, bởi chưa có kinh nghiệm quản lý, bất đồng về ngôn ngữ, lạ lẫm với phong tục tập quán, thời tiết khắc nghiệt, đường đất ngoằn ngoèo, trồi sụt, cứ mưa là trơn tuột khiến anh bao lần ngã xe... Với Sĩ Trung, cảm giác những ngày đầu đặt chân đến Quế Sơn vẫn in đậm trong ký ức.

Sĩ Trung kể: Trụ sở UBND xã dưới chân một quả đồi, bên cạnh là nghĩa trang, xung quanh không có nhà dân, cảm giác cô đơn, lạnh lẽo mỗi khi đêm xuống. Không có nhà công vụ, hết giờ hành chính anh nghỉ luôn trong phòng làm việc. Những ngày đầu, anh được giao phụ trách mảng văn hóa - xã hội, công việc mới lạ, khác xa với những kiến thức anh được đào tạo trong trường đại học... Khó khăn, nhiều lúc cảm thấy nản lòng, nhưng chưa bao giờ anh có ý định từ bỏ. Với anh, những khó khăn chính là phép thử trí tuệ, nhiệt huyết của đảng viên trẻ.

Hết lòng vì nhân dân

Quế Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Sơn Động, 9 dân tộc thiểu số chiếm 70% số dân, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, còn nhiều phong tục lạc hậu, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp manh mún...

Với cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, Sĩ Trung luôn tự hỏi phải làm gì giúp người dân thoát cảnh đói nghèo triền miên? Việc đầu tiên, anh dành thời gian đi cơ sở. Không kể ngày hè oi bức, ngày đông lạnh giá hay những ngày mưa dầm dề, lở đường, sụt đất, cứ hết giờ làm việc là Trung xuống nhà dân.

Anh thăm hỏi người già, trẻ nhỏ, làm quen với mọi người, tranh thủ học tiếng dân tộc để có thể trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, phong tục tập quán của đồng bào.

Sĩ Trung đặt cho mình nguyên tắc làm việc: “Đi bất kể khi nào, càng mưa bão, gió rét càng phải đến thăm hỏi người dân”, và “đi xuống thôn, bản không đi vào giờ hành chính”. Không có thôn nào ở Quế Sơn là không in dấu chân chàng trai trẻ. Những chuyến đi giúp Trung hiểu thêm khó khăn của những con người quanh năm cái đói đeo bám. Điều đó đã tạo thêm động lực, quyết tâm để chàng trai trẻ dốc sức hành động.

Nghĩ là làm, ngày lại ngày, sau khi xuống thôn bản, Trung đã viết nhật ký công tác và lên kế hoạch ngày hôm sau. Do chưa được trang bị máy vi tính cá nhân, anh tranh thủ mượn máy để làm việc. Càng gần bà con, Trung càng hiểu hơn “cái khó bó cái khôn”. Để thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu trước hết phải cải thiện đời sống của người dân. Khi “cái khó” lui sẽ tạo điều kiện thay đổi tư duy, nếp nghĩ ăn sâu từ bao đời. Trung xác định cần giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Tìm hiểu về các con giống, biết tin Công ty Nipponzki (Nhật Bản) ở Bắc Ninh thu mua thỏ Niu Di-lân làm thuốc, anh trực tiếp đến nhờ tư vấn kinh nghiệm, xem xét việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Dự án Phát triển chăn nuôi thỏ quy mô hộ gia đình ra đời và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo xã.

Dự án đã có, khâu quan trọng là biến nó thành hiện thực. Khó khăn nhất với Trung là vận động bà con tham gia. Làm sao để thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại cũng như tập quán sản xuất lạc hậu bám rễ hằng bao đời? Anh biết, người dân chỉ tin và làm theo khi nhìn thấy kết quả cụ thể.

Trung xây dựng kế hoạch vận động đan xen hộ xa, hộ gần, tranh thủ phát huy sức trẻ của thanh niên, nhất là các đảng viên, trực tiếp xuống từng hộ gia đình “cầm tay chỉ việc”. Từ 3 hộ đầu tiên tham gia, đến nay toàn xã đã có 37 hộ tham gia. Với mô hình chăn nuôi thỏ hiệu quả, Trung tham mưu thành lập Câu lạc bộ Đa dạng sinh học nông nghiệp xã (nuôi thỏ và trồng nấm) tạo điều kiện để bà con trao đổi kinh nghiệm, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong chuyến công tác ở Lào Cai, thấy tỉnh bạn thực hiện có hiệu quả mô hình “Triển khai, ứng dụng quy trình xử lý nước, rác thải sinh hoạt bằng vòng tròn chuối”, Trung tham mưu lãnh đạo xã triển khai ở địa phương từ năm 2013.

Ban đầu, Trung vận động được 02 hộ gia đình tham gia, khi có kết quả anh cho mở thêm các lớp tuyên truyền đến từng hộ gia đình, đến nay đã có hơn 20 hộ thực hiện. Với mô hình này, mỗi gia đình có một hố riêng xử lý rác thải, xung quanh trồng cây chuối. Các chất thải hữu cơ có các-bon, ni-tơ gây hại cho người lại là nguồn dinh dưỡng cho cây chuối phát triển.

Quả ngọt

Gắn bó với mảnh đất Quế Sơn đã trở nên gần gũi với anh, những nỗ lực của anh đã kết trái. Năm 2013, Câu lạc bộ Đa dạng sinh học nông nghiệp xã đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Nipponzki. Toàn xã có tổng đàn thỏ 2.032 con, tạo thu nhập từ 1,7 đến 3 triệu đồng/tháng cho mỗi hộ, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Thực hiện mô hình “Triển khai, ứng dụng quy trình xử lý nước, rác thải sinh hoạt bằng vòng tròn chuối” vừa giáo dục người dân ý thức phân loại rác thải, bảo vệ môi trường, cải thiện mực nước ngầm sinh hoạt, vừa mang lại hiệu quả kinh tế từ cây chuối và phân hữu cơ bón lót cho cây trồng. Mô hình đã được Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh phê duyệt “Mô hình khoa học cấp cơ sở năm 2014”...

Từ sự cố gắng của bản thân, anh được lãnh đạo xã đánh giá cao, được bà con tin tưởng, yêu mến. Với Trung, còn hạnh phúc nào lớn hơn khi những nỗ lực, cố gắng của mình được ghi nhận và quan trọng là đem lại lợi ích thiết thực cho bà con. Trung tâm sự: Khó có thể quên lần anh được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo Đại hội Văn hóa - Thể dục, thể thao cấp xã đầu năm 2014. Chỉ trong khoảng 6 ngày, anh cùng các thành viên ban chỉ đạo và bà con đã tổ chức thành công đại hội, xếp thứ nhì Hội hát Sloong Hao trong 6 xã tham gia.

Rồi lần Câu lạc bộ Đa dạng sinh học nông nghiệp tổ chức sinh hoạt, đồng chí Giám đốc Trung tâm giống nấm Bắc Giang được mời về hướng dẫn bà con kinh nghiệm trồng nấm đã chia sẻ: Tôi có mặt ngày hôm nay một phần vì khâm phục ý chí, nhiệt huyết và trách nhiệm của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, trời mưa rét nhưng đã đi xe máy hơn 80km đến để nói cho tôi biết về nhu cầu của bà con...

“Giờ tôi có thể tự tin khẳng định tôi sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Tôi tin vào con đường mình đã chọn. Với nhiệm vụ mới - Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, tôi sẽ tiếp tục rèn luyện, cống hiến, góp phần để Quế Sơn ngày càng thay da đổi thịt, bà con có cuộc sống no ấm, hạnh phúc, tươi vui”, Phó chủ tịch Trần Sĩ Trung nói.