“Tiếp máu” cho chính quyền địa phương

09:01 05/12/2015     1162

Công tác giáo dục   Tiếp nối chủ đề tuyển chọn, đào tạo và sử dụng 1.000 công chức trẻ tại phường, xã, thị trấn, TS Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ và là người trực tiếp góp ý cho đề án đã chia sẻ về một số điểm trong bản đề án.
Thưa ông, liệu có thể trông chờ đề án 1.000 công chức trẻ như là bước ngoặt quan trọng, ít nhất là về mặt tư duy, nhằm phát huy năng lực trí thức trẻ tại chính quyền địa phương?

Đề án này ra đời trong bối cảnh đất nước đang tồn tại nhiều vướng mắc liên quan tới công tác cán bộ nói chung, và đội ngũ cán bộ xã, phường nói riêng. Nhìn từ góc độ ấy, ý tưởng của đề án có giá trị rất lớn về mặt tư duy, bởi chúng ta đã có quá nhiều nghị quyết, văn bản về công tác đào tạo công chức, song quá trình thực hiện trong thực tiễn lại vướng do nhiều nguyên nhân.

Theo tôi, đề án có thể mang lại nhiều giá trị, ít nhất là về mặt ý tưởng và nhận thức. Tất nhiên, không thể đòi hỏi nó hoàn thiện ngay. Nhưng, tôi tin khi nhận được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo cao nhất, nó sẽ có tác động như một cú hích trong việc sử dụng cán bộ công quyền, vốn rất trì trệ lâu nay.


Tuy nhiên, đánh giá chung của các chuyên gia là cần bổ sung thêm các điều kiện cần thiết khác để đề án có tính khả thi cao hơn?

- Đúng là cần bổ sung, hoàn thiện một số điểm. Ví dụ, quan điểm, nhận thức chung quanh vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp phát triển đất nước và quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Đây là tế bào của đất nước, nếu cái tế bào ấy được bồi bổ, được “tiếp máu” đúng chỗ bởi những lực lượng trí thức trẻ có tri thức, có kỹ năng và có mục tiêu rõ ràng, tôi tin rằng chúng ta sẽ nhìn thấy một tương lai tốt đẹp.

Vấn đề giáo trình đào tạo cũng không thấy nhắc tới trong đề án?

- Hiện nay, ngay sinh viên học bốn năm đại học ra trường thì khả năng đáp ứng đòi hỏi của công việc cũng còn hạn chế. Trong khi đó, chương trình đào tạo bổ sung cho công chức xã, phường tương lai chỉ từ 3-6 tháng thì khó có thể đảm bảo. Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý đến chương trình đào tạo. Tôi cho rằng, với các chương trình ngắn như thế, nên bổ sung thêm các kiến thức thực tiễn về xã hội, tâm lý học quản lý sát với thực tế chứ không thể chung chung như môn lý luận chính trị ở đại học được.

Hiểu biết về luật pháp của công chức trẻ cũng rất yếu, thưa ông?

“Không nên ảo tưởng là công chức trẻ về xã, phường như một sự hy sinh mang tính lý tưởng, bởi bản thân sự hy sinh không phải là một sợi dây bền vững ràng buộc với lợi ích của họ, khiến họ có thể gắn bó lâu dài với bộ máy hành chính công”.

 - Đúng. Ở Mỹ, cứ 250 người dân lại có một luật sư để tư vấn các vấn đề liên quan đến pháp luật. Trong khi, phải 300.000 người dân Việt Nam mới có một luật sư! Điều này này đòi hỏi phải gấp rút đào tạo kiến thức pháp lý cho cán bộ địa phương.


Qua kinh nghiệm đào tạo của mình, ông đánh giá nhận thức của công chức địa phương hiện nay có khác so với trước đây?

 Tôi có kinh nghiệm giúp Bộ Nội vụ đào tạo bổ sung cho đội ngũ công chức cơ sở thông qua nhiều chuyên đề. Tuy nhiên, tôi thấy nhận thức của họ rất lõm bõm về nhiều mặt, chẳng hạn về xã hội dân sự. Tại nhiều địa phương, cán bộ không hiểu bản chất của xã hội dân sự là gì, vai trò và nhiệm vụ của một NGO (tổ chức phi chính phủ) ra sao.

Thậm chí, có người còn lập luận rằng, “phi chính phủ” là không an toàn và họ không muốn hợp tác nữa, mặc dù các NGO giúp triển khai các dự án bảo vệ môi trường hay tiết kiệm năng lượng chứ không làm gì khác.


Nhưng động cơ nào sẽ giúp công chức trẻ ở lại với địa phương?

- Một trong những điều căn bản ở bất cứ xã hội và thể chế nào là công chức nhà nước làm việc là nhờ động lực lợi ích. Do vậy, không nên ảo tưởng là công chức trẻ về xã, phường như một sự hy sinh mang tính lý tưởng, bởi bản thân sự hy sinh không phải là một sợi dây bền vững ràng buộc với lợi ích của họ, khiến họ có thể gắn bó lâu dài với bộ máy hành chính công.

Thưa ông, đưa công chức trẻ về địa phương không phải quá khó, nhưng để họ trở thành một mắt xích của bộ máy này lại là chuyện khác khi hiện tượng “con ông cháu cha” còn tồn tại ở một số cơ quan công quyền?

 - Tôi chỉ lo tỷ lệ này quá lớn, chứ đây là chuyện không thể tránh được. Vấn đề là phải có cơ chế tiếp tục đảm bảo cho những nhân tố này được phát huy bằng các chính sách đã ban hành, như dân chủ ở xã phường, đặc biệt là có sự giám sát của người dân tại chính quyền địa phương.

Khi đó, công chức trẻ sẽ được tin dùng và hiện tượng quan liêu, trù dập, bè phái ở cấp cơ sở sẽ bị loại bỏ. Đặc biệt, cần khuyến khích sự tham gia của báo chí, đây là một kênh rất quan trọng của xã hội dân sự, nó giúp xã hội vận hành tốt hơn.