UBQG về Thanh niên Việt Nam cần nâng tầm trở thành cơ quan liên ngành tham mưu cho Chính phủ

11:01 19/03/2020     2703

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: "Phải xem thanh niên là lực lượng hết sức đặc biệt, là lực lượng quan trọng trong xã hội và với vai trò của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam cần nâng tầm để trở thành một cơ quan liên ngành tham mưu cho Chính phủ", Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã có buổi kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên tại Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 17/11/2019

 

Mới đây, tại hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo luật thanh niên sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên nhi đồng của Quốc hội tổ chức, đa số các ý kiến của đại biểu cho rằng, sau 14 năm triển khai thực hiện, tổng kết và thi hành Luật Thanh niên cho thấy, việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên, tác động tích cực đối với phong trào thanh niên.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về thanh niên trong đó có vai trò của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, tổ chức thanh niên mà trung tâm là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong luật chưa được đề cao, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên còn nhiều vấn đề cần được nhìn nhận cụ thể.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho rằng: Với mô hình Ủy ban quốc gia về thanh niên giúp cho Thủ tướng Chính phủ tư vấn về công tác thanh niên, tôi cho rằng là phù hợp, bởi vì thông qua Ủy ban chúng ta sẽ có sự kết hợp liên ngành, có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từng ngành sẽ có trách nhiệm để phối hợp cùng tổ chức Đoàn thanh niên thành phố các cấp tổ chức thực hiện với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt với sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quan tâm của Chính phủ.

Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp Luật thanh niên sửa đổi, việc có nên đưa Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam vào Luật là nội dung nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu. Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam có bề dày gần 20 năm hoạt động với vai trò chủ chốt của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nếu không đưa Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam vào luật thì phải đưa vào tổ chức phối hợp liên ngành, Thủ tướng Chính phủ là người thành lập tổ chức liên ngành này về thanh niên.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, không nên đưa Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam vào Dự thảo luật vì đây là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tư vấn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, điều này sẽ đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động của Chính phủ trong bối cảnh các tổ chức phối hợp liên ngành đang được rà soát, sắp xếp lại.

Theo ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội thì có rất nhiều cơ quan, tổ chức đã được cụ thể hóa vào luật, tôi cũng rất lo nếu chúng ta cụ thể hóa vào luật thì phải làm rõ mối quan hệ các cơ quan này. Ví dụ, giao trách nhiệm cho Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thanh niên, Ủy ban Quốc gia về thanh niên, Đoàn thanh niên, Hội LHTN Việt Nam, Hội SVVN, nếu chúng ta đưa vào luật thì phải được cụ thể hóa các mối quan hệ này, nếu chúng ta cần tăng thêm quản lý nhà nước, tăng thêm vai trò của thanh niên tham gia với trách nhiệm quản lý nhà nước thì đầu mối là một Bộ nào đó do Chính phủ phân công.

Bên cạnh đó, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội lại tán thành cách như hiện tại, tức là kế thừa luật hiện hành và cũng là vận dụng các quy định phù hợp.

Các đại biểu cho rằng, xây dựng luật theo hướng luật khung theo quyền và nghĩa vụ trách nhiệm của thanh niên đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Dự thảo Luật thanh niên sửa đổi phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương đường lối của Đảng về công tác thanh niên, kế thừa những thành quả đạt được của Luật thanh niên năm 2005, thể hiện đầy đủ không chỉ quyền mà cả nghĩa vụ của thanh niên đối với gia đình, xã hội, đất nước, đồng thời tiếp cận với xu hướng trong chính sách về thanh niên trong khu vực và trên thế giới để phát triển thanh niên. Lực lượng xã hội to lớn, nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc, trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc xây dựng, sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2005, Luật thanh niên ra đời, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã được luật hóa thể hiện một điều ở Luật thanh niên trong năm 2005. Năm 2010, Thủ tướng có điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, giao thêm các nhiệm vụ mới cho Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Trong Nghị quyết 25 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước.

 

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật thanh niên hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi cần nhìn nhận công tác quản lý về thanh niên. Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho biết: "Hiện nay, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được Chính phủ giao là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, chúng tôi đã triển khai rất nhiều trong công việc, trong cơ chế phối hợp với Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên, hiện nay tại các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành đoàn đều được Tỉnh ủy, Thành ủy cũng như chính quyền các địa phương giao cho các nội dung công việc để có thể cùng tham gia với ngành nội vụ, cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên để tham mưu cho chính quyền tại các địa phương, các chủ trương, các chính sách, các cơ chế cần thiết thực hiện các nội dung của Luật thanh niên cũng như Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, Đoàn các cấp rất chủ động trong việc tham gia các hoạt động để đối thoại, trao đổi, giúp cho chính quyền và lãnh đạo các địa phương có thể nắm bắt đầy đủ hơn những vấn đề của thanh niên, các nội dung thanh niên quan tâm cũng như quá trình triển khai thực hiện công tác thanh niên, kịp thời đề xuất những chủ trương, chính sách mới, quan tâm tạo điều kiện môi trường thuận lợi lành mạnh để thanh niên có thể phát triển.

Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam được thành lập năm 1998 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khi đó Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam được giao 03 nhiệm vụ. Đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có điều chỉnh về chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, từ 03 nhiệm vụ tăng lên 06 nhiệm vụ. Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với vai trò của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Đến thời điểm hiện nay là 22 năm hoạt động, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã tổ chức được rất nhiều đoàn kiểm tra, giám sát thực thi chính sách pháp luật về thanh niên, về công tác thanh niên tại các tỉnh, thành. Điểm làm khá tốt của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đó là cùng phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan khác tham mưu các chính sách mới cho thanh niên Việt Nam.

"Với những điều kiện như vậy, tôi thấy rằng khi sửa đổi Luật thanh niên lần này cần thiết phải duy trì việc quy định Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Ở một góc độ nào đó có thể nâng tầm giao thêm nhiệm vụ để Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam có thể hoàn thành được công việc của mình và đóng góp nhiều hơn nữa cho quá trình đưa các nội dung của Luật đi vào cuộc sống", đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Nhằm khắc phục những hạn chế trong Luật thanh niên chưa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thanh niên, đồng chí Lê Quốc Phong cũng nhìn nhận cần xác định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức thanh niên trong đó có vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của Hội LHTN Việt Nam, của Hội SVVN và các tổ chức thanh niên hợp pháp khác để có thể thúc đẩy sự tham gia của thanh niên và thúc đẩy các tổ chức thanh niên phát triển.

Đồng chí cũng rất kỳ vọng Luật có thể giải quyết được về quản lý nhà nước về công tác thanh niên là cơ chế thống nhất, trong đó vai trò điều tiết chịu trách nhiệm chính là Chính phủ, sự phân định các Bộ ngành có liên quan cụ thể như thế nào sẽ theo lĩnh vực, theo cơ chế hoạt động của cơ quan liên ngành. Đó sẽ là cơ chế phối hợp hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề hiện nay chúng ta thấy có đôi lúc có sự chồng chéo, chưa phát huy hết được tính xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương trong việc tham gia thực hiện các chính sách pháp luật cũng như là quá trình đưa các nội dung của Luật vào cuộc sống.

Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cần phát huy cơ chế liên ngành, đó sẽ là cơ chế hiệu quả, bởi với thanh niên phải xem là lực lượng hết sức đặc biệt, là lực lượng quan trọng trong xã hội và thanh niên hiện hữu ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, có thể là với vai trò của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam nâng tầm để trở thành một cơ quan liên ngành tham mưu cho Chính phủ. Đó có thể là mô hình để chúng ta có thể xem xét trong quá trình thực hiện Luật thanh niên trong giai đoạn sắp tới.

 

Trịnh Lý (lược ghi)