Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên

21:16 20/04/2020     2896

Xây dựng Đoàn   Đề cập đến vai trò xung kích, đi đầu và các chính sách hỗ trợ thanh niên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu cơ chế chính sách cụ thể, giao cho thanh niên những công trình đầu tư được đặt hàng của nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp

 

Sáng 20/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Thanh niên (sửa đổi). Tại phiên họp, đa số các đại biểu đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, và khẳng định dự án luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị dự thảo luật rà soát lại các cơ chế, chính sách và quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi khi luật đi vào đời sống. Ông Thanh viện dẫn chính sách về khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực KHCN, trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những quy định này rồi. Nếu quy định trong luật này, phải chăng nếu lực lượng thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng KHCN thì có gì đặc biệt hơn? Ông đề nghị quy định cụ thể hơn về các chính sách ưu đãi trong luật, để trong quá trình triển khai thực hiện, hoặc khi ban hành các Nghị định của Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách đảm bảo tính khả thi.

Để khắc phục tình trạng nhiều đầu mối, trên cơ sở hợp nhất các cơ quan của Đảng cùng chức năng nhiệm vụ với các cơ quan của chính quyền, ông Thanh cho biết, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề xuất thành lập Bộ Thanh niên. Như vậy có thể giao chức năng quản lý nhà nước từ Bộ Nội vụ sang Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. “Tất cả bộ máy, điều kiện chúng ta có sẵn rồi, nên có thể thực hiện hợp nhất giữa các cơ quan của Đảng với cơ quan của Chính phủ”, ông Thanh nêu.

Đề cập đến vai trò xung kích, đi đầu và các chính sách hỗ trợ thanh niên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu cơ chế chính sách cụ thể, trên cơ sở đó giao cho thanh niên những công trình đầu tư được đặt hàng của nhà nước, nghĩa là đầu tư công. Như vậy thanh niên được trả lương, được tạo việc làm, không bị thất nghiệp. “Luật phải bật ra được những công trình thanh niên được đầu tư công, nguồn lực của nhà nước, tạo việc làm cho thanh niên, nhất là những em không có điều kiện học cao, chưa có điều kiện học nghề”, bà Ngân lưu ý.

Đề cập đến các cơ quan trong hệ thống chính trị, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, trong điều kiện hiện nay có cần thiết thành lập Bộ Thanh niên không? Theo Chủ tịch Quốc hội, Singapore có mấy triệu dân nhưng cũng có Bộ Thanh niên và thể thao. Như vậy cũng không phải là thành lập cơ quan mới, cũng không “đẻ” biên chế mới, mà chuyển từ Đoàn Thanh niên, trong Bộ đó có một bộ phận để làm phong trào đoàn.

“Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý bằng pháp luật nhưng thanh niên chả có quyền quản lý gì hết. Có ý kiến đề nghị bổ sung Đoàn thanh niên có chức năng quản lý nhà nước. Nhưng làm sao đoàn thanh niên quản lý được mà đưa từ Bộ Nội vụ sang. Trong điều kiện không có Bộ Thanh niên thì Bộ Nội vụ quản lý nhà nước nhưng chức năng chính của Bộ Nội vụ là tổ chức cán bộ trong bộ máy của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội đề xuất thay đổi cách nhìn về thanh niên, giao chức năng quản lý nhà nước như một Bộ.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, với tình hình hiện nay thì Luật này là phù hợp, nhưng phải toát lên vai trò xung kích, đi đầu, làm được nhiều việc hơn cho Tổ quốc. Còn có quản lý nhà nước hay không thì tương lai tính tiếp và điều này là “nói cho tương lai”.

Tại phiên họp, anh Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong quá trình soạn thảo dự án luật, các bên đều mong muốn đưa ra các chính sách, tạo điều kiện, động lực để cho thanh niên có những cống hiến, phát huy đầy đủ những khả năng, tiềm năng của thanh niên, phục vụ chung cho sự phát triển đất nước. Trên cơ sở đó xây dựng chính sách cụ thể, hình thành khung chính sách có thể bao quát được đầy đủ các lĩnh vực, nhóm nội dung mà thanh niên quan tâm.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên, anh Lê Quốc Phong cũng mong muốn có thêm được những cơ chế, chính sách để tham gia, xem mình như nguồn lực cung cấp cho hệ thống chính trị, cho các lĩnh vực của đời sống đất nước.

 

Nguồn TPO