Sáng tạo khởi nguồn ước mơ

13:30 19/04/2018     1780

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Đó là khẩu hiệu do Liên đội trường THCS Chu Văn An (Hải Phòng) đề ra nhằm khuyến khích các em học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, khởi đầu ước mơ vươn tới những điều lớn lao hơn trong cuộc sống.
Chúng em là nhà khoa học

Xác định nghiên cứu khoa học không phải chỉ là những công trình lớn lao như bay vào vũ trụ, mà xuất phát từ những điều rất bình dị trong cuộc sống hàng ngày, trong những năm qua, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học đã trở thành phong trào sôi nổi của thầy và trò trường THCS Chu Văn An đúng như khẩu hiệu "Chúng em là nhà khoa học". Từ đây, nhiều ý tưởng, dự án và sản phẩm nghiên cứu khoa học đã ra đời không chỉ phục vụ việc học tập của các em mà còn khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong các bạn nhỏ.
Phạm Quang Minh đang trình bày dự án "Thiết bị khuấy, sục khí đầm nuôi trồng thủy sản bằng năng lượng gió"
Phạm Quang Minh (bên phải) đang trình bày dự án "Thiết bị khuấy, sục khí đầm nuôi trồng thủy sản bằng năng lượng gió"


Đào Nhật Bình và Phạm Quang Minh là hai học sinh đến từ lớp 8C9 trường THCS Chu Văn An. Sau khi các em được đi thăm các đầm nuôi trồng thủy sản, với những kiến thức học được trên lớp, hai em đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng chế tạo "Thiết bị khuấy, sục khí đầm nuôi trồng thủy sản bằng năng lượng gió".

Được chế tạo từ các vật liệu đơn giản như: ống sắt, hộp gỗ, ống nhựa, bánh răng... sản phẩm hướng tới việc thay thế sử dụng máy sục khí bằng năng lượng điện, giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và giảm chi phí cho người nông dân.

Chia sẻ về công trình nghiên cứu của mình, Phạm Quang Minh cho biết, nhờ sự giúp đỡ của nhà trường và các thầy, cô giáo, sản phẩm đã được thực nghiệm tại một số đầm nuôi tôm. Hiện sản phẩm đang được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và sẽ sớm được sản xuất để bán ra thị trường.

"Thông qua việc nghiên cứu sản phẩm này, chúng em đã được phát triển năng lực về nghiên cứu khoa học, khả năng vận dụng kiến thức áp dụng vào thực tiễn để làm nên những sản phẩm có ích cho xã hội, đồng thời cũng cho chúng em thấy trách nhiệm của mình với cộng đồng", Phạm Quang Minh nói.
Học sinh trường THCS CHu Văn An trong Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo
Học sinh trường THCS CHu Văn An trong "Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo"


Một công trình khác cũng gây chú ý của học sinh trường THCS Chu Văn An là dự án bảo tồn và quảng bá tranh dân gian Đông Hồ. Ý tưởng dự án được hình thành sau khi các em học sinh được đi thăm làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) và trải nghiệm cảm giác tự tay in nên bức tranh giống như những nghệ nhân làng Đông Hồ.

Sau thời gian tìm hiểu, sáng tạo, những sản phẩm thực tế quảng bá vẻ đẹp của tranh Đông Hồ đã ra đời. Đó là những vật dụng đời thường, những đồ vật gắn liền với học sinh như mũ bảo hiểm, ba lô, xe đạp... được trang trí bằng họa tiết và màu sắc của tranh Đông Hồ. Và đặc biệt là bộ sưu tập thời trang áo dài được trang trí bằng hình ảnh của tranh Đông Hồ.

"Đây là cách để dòng tranh độc đáo này thực sự đi vào cuộc sống, được nhiều người biết đến, đặc biệt là giới trẻ. Dự án giúp chúng em hiểu rõ hơn và góp một phần công sức, trí tuệ nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống", đại diện nhóm dự án chia sẻ.

Thầy cô truyền lửa


Để khuyến khích và khơi dậy đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh, vai trò của nhà trường, thầy cô và tổ chức Đoàn, Đội là vô cùng quan trọng.
Bảng ý tưởng nghiên cứu khoa học của học sinh trường THCS Chu Văn An
Bảng ý tưởng nghiên cứu khoa học của học sinh trường THCS Chu Văn An


Cô Nguyễn Thị Đại, giáo viên Vật lý không chỉ tâm huyết với công tác giảng dạy mà rất say mê với công tác thúc đẩy, khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học. Từ sự khơi gợi, hướng dẫn của cô, nhiều dự án, công trình khoa học lớn nhỏ của các em học sinh trường THCS Chu Văn An đã ra đời.

Cô Đại tâm sự, những giờ rảnh rỗi hoặc cuối tiết học, tôi thường giao cho học sinh một dự án nho nhỏ để làm những sản phẩm yêu thích, từ đó kích thích sự đam mê của học sinh đối với môn học và qua đó các em có hứng thú với việc học. Nhiều em đã nghiên cứu và chế tạo ra những sản phẩm như: đồng hồ nước, thiết bị gắp đồ vật từ xa, xe chạy bằng lò xo... Từ những sản phẩm rất nhỏ này đã giúp cho học sinh phát hiện ra mình yêu thích khoa học và có đam mê nghiên cứu khoa học.

Theo cô Đại, nhiều em học sinh có đam mê, nhưng chưa có sân chơi và lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Vì thế, thầy cô phải kích thích đam mê ấy bằng sự tâm huyết, truyền "lửa" cho học sinh và hỗ trợ học sinh một số kiến thức nhất định. Và thực tế cũng cho thấy, mỗi năm, trường THCS Chu Văn An có rất nhiều ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh. Những ý tưởng tốt được nhà trường chọn lọc giúp đỡ, hỗ trợ để hoàn thiện và tham gia các cuộc thi cấp cao hơn.

Sau khi được chứng kiến "Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo" và những công trình, dự án của học sinh trường Chu Văn An, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn cho rằng, thành tích nghiên cứu khoa học của học sinh trường Chu Văn An là rất ấn tượng. Hi vọng, với những ước mơ, đam mê khoa học, với tinh thần "sáng tạo khởi nguồn ước mơ", học sinh trường THCS Chu Văn An nói riêng và học sinh Hải Phòng nói chung sẽ có nhiều trải nghiệm sáng tạo hơn nữa để phát minh, sáng chế ra nhiều công cụ, phương thức phục vụ cho cộng đồng.
Ngày 23/3 vừa qua, trường THCS Chu Văn An đã được Hội đồng Đội Trung ương lựa chọn để chính thức phát động triển khai mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” trong các Liên đội trên cả nước nhằm giúp các em đội viên, thiếu nhi có thời gian vui chơi, tham gia vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện sức khỏe thể dục thể thao trong giờ ra chơi.