Phát huy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

11:04 23/04/2018     1692

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Biết nắm bắt xu hướng thị trường và linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công với nhiều mô hình phù hợp, vừa làm giàu cho bản thân vừa có những đóng góp cho xã hội.
Kinh doanh dịch vụ cung cấp hoa tươi, mở tiệm rửa xe, hay thực hiện mô hình nông nghiệp đều là những cách mà các bạn trẻ đã thể hiện sự năng động trong sản xuất, kinh doanh khá phù hợp, mang lại thu nhập ổn định.

Khởi nghiệp với mô hình rửa xe thanh niên




;l
“Đội rửa xe thanh niên” của Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp thị trấn Trần Văn Thời, bước đầu đem lại thu nhập ổn định cho đoàn viên thanh niên.

Dù được thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, song mô hình "Đội rửa xe thanh niên" của Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp thị trấn Trần Văn Thời đã mang lại kết quả bước đầu, đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Mô hình hoạt động đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức đoàn vững mạnh. Qua đó, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo chuyển biến tích cực trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi địa phương, thu hút ĐVTN tham gia rèn luyện, phát triển.

Qua tham khảo, học hỏi trên mạng internet, Hội LHTN Việt Nam huyện hình thành ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp tại khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời với mô hình phát triển kinh tế gồm: Đội rửa xe thanh niên, thay nhớt, thay vá vỏ xe, sửa chữa xe, sửa chữa xe lưu động 24/24 khi có yêu cầu.

Với diện tích mặt bằng gần 100 m2 và vốn đầu tư ban đầu gần 65 triệu đồng, các thành viên trong Câu lạc bộ đầu tư các dụng cụ rửa xe, bình xịt bọt tuyết,...thay phiên nhau thực hiện các công việc trên. Sau khi xịt dung dịch bọt tuyết khoảng 1 phút để làm bong chất bẩn, sau đó rửa dùng vòi xịt mạnh. Ưu điểm của công nghệ là ít phải chà xát mạnh nên giữ độ bóng của xe.

Đến nay, cơ sở đã khai trương được gần 02 tháng, rửa trung bình 20 chiếc/ngày, mỗi chiếc với giá từ 15 - 20 ngàn. Trừ hết các khoản chi phí, mỗi thành viên có thêm thu nhập từ 2,5 - 03 triệu đồng. Để thu hút khách, Đội giữ giá rửa xe rẻ, thời gian nhanh, bảo đảm sạch sẽ và phong cách ứng xử hòa nhã, lịch sự. Ngoài ra, các thành viên trong câu lạc bộ còn tìm hiểu, nghiên cứu cách pha dung dịch, điều khiển vòi áp... phục vụ rửa xe theo công nghệ mới. Đặc biệt, Câu lạc Thanh niên khởi nghiệp còn hướng dẫn, dạy nghề miễn phí cho đoàn viên thanh niên.

Anh Nguyễn Chí Tâm - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện đồng thời cũng là Chủ nhiệm Câu lạc Thanh niên khởi nghiệp cho biết thêm: "Lúc đầu lượng khách chưa nhiều nhưng với sự nỗ lực tạo uy tín, phong cách phục vụ cũng như chất lượng công việc, hiện tại mô hình đã thu hút và đảm bảo được lượng khách đến rửa xe ổn định, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên. Trong thời gian tới, Hội LHTN Việt Nam huyện cũng sẽ khảo sát địa điểm và nhân rộng mô hình này đến một số xã khác".

Khởi nghiệp từ đặc sản "bồn bồn"

Tại huyện Trần Văn Thời, chúng tôi còn được tìm hiểu thực tế về mô hình khởi nghiệp từ trồng cây bồn bồn trên vùng đất mặn cho thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng của đoàn viên Đào Văn Sinh (sinh năm 1988) ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc.

L - Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng của đoàn viên Đào Văn Xinh (thứ hai bên phải), ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc, mang lại nguồn thu nhập khá.
Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng của đoàn viên Đào Văn Sinh (thứ hai bên phải), ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc, mang lại nguồn thu nhập khá.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 04 người con, vì hoàn cảnh khó khăn nên Đào Văn Sinh phải nghỉ học từ năm lớp 9 để phụ giúp gia đình. Sinh là con út trong gia đình, sống cùng với cha mẹ. Trước đây, gia đình anh trồng lúa kết hợp với nuôi tôm nhưng anh nhận thấy mô hình này không đạt hiệu quả cao và cho thu nhập không ổn định, kinh tế gia đình rất bấp bênh không mạng lại tính lâu dài, bền vững. Bằng sự tìm tòi, ham học hỏi, anh nhận thấy cây bồn bồn là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, có thể sống và phát triển ở các vùng nước ngọt, lợ, mặn và cho thu nhập cao và ổn định, sản phẩm từ cây bồn bồn được người tiêu dùng ưa chuộng. Lúc đầu, anh trồng thử nghiệm với diện tích là 7.000m2, xen canh với cây lúa, sau 03 đến 04 tháng, anh thu hoạch mỗi ngày 30 – 50 kg, được thương lái đến cân tận nhà thu mua với giá từ 18.000 đến 20.000 đồng/1kg.

Bước đầu thực hiện mô hình đạt hiệu quả khả quan, anh tiếp tục trồng bồn bồn trên toàn bộ diện tích 7.000m2 và mạnh dạn bao bờ trữ nước để có thể trồng bồn bồn quanh năm, khoan giếng nước để kịp thời bổ sung nguồn nước vào mùa khô. Ngoài ra, anh còn nuôi tôm, cua trên cùng diện tích. Hiện nay, anh Sinh thuê thêm một số đoàn viên, thanh niên trong ấp thu hoạch và sơ chế bồn bồn, trừ hết chi phí, mỗi tháng anh lãi trên 15 triệu đồng.

Anh Sinh chia sẽ: “Đây là mô hình dễ thực hiện, cây giống sẵn có tại địa phương và không mất nhiều chi phí đầu tư nên rất thích hợp để nhân rộng. Thời gian tới gia đình trồng thêm 3000m2 và sẵn sàng giúp đỡ các bạn đoàn viên thanh niên, bà con ở các địa phương khác đến trao đổi kinh nghiệm trồng bồn bồn để có thể phát triển kinh tế gia đình”.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, Đào Văn Sinh còn rất tích cực tham gia các hoạt động đoàn tại địa phương. Anh được biết đến là một đoàn viên rất nhiệt tình và năng động trong công tác Đoàn của ấp Tân Bằng. Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ để những đoàn viên, thanh niên khác có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương Phong Lạc.