Người trẻ Tu Mơ Rông đón 'lộc trời' dược liệu

10:04 30/04/2018     1415

Tuổi trẻ sáng tạo   Những loại cây dược liệu quý (sâm ngọc linh, hồng đẳng sâm, đương quy, sơn tra, ngũ vị tử) lại chọn Tu Mơ Rông, Kon Tum làm nơi trú ngụ. “Lộc” trời ban cho vùng đất khó này đã được người trẻ của vùng đất cách mạng một thời nhanh nhạy nắm bắt và góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Phát triển rừng để trồng sâm

Tôi đến huyện Tu Mơ Rông những ngày cuối tháng 4. Nắng nóng, hanh khô. Xe máy đổ hết đèo Văn Rơi đến trung tâm huyện Tu Mơ Rông 15h chiều, đột nhiên không khí mát lạnh như nằm dưới vườn thông Đà Lạt. Cảm giác địa điểm này như có máy điều hòa khổng lồ của rừng xanh ban tặng.

Đến xã Măng Ri (Tu Mơ Rông), nơi đây, trước kia là căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Kon Tum, vừa là thủ phủ các loại cây dược liệu. Tôi nhớ mãi cuộc gặp với chủ tịch UBND xã Măng Ri Nguyễn Bá Thành 2 năm trước. Thời điểm đó mưa kéo dài, các quán tạp hóa đã hết lương phẩm dự trữ, cán bộ xã Măng Ri phải nấu cháo rau khoai lang để chống đói. Vậy mà, thật lạ nụ cười ai cũng tươi, sự thiếu thốn dường như không tồn tại.

Đầu năm 2017, huyện đoàn Tu Mơ Rông phát động mô hình trồng sâm dây (hồng đẳng sâm) cho thanh niên 11 xã trên địa bàn. Bí thư xã đoàn Măng Ri A Nhoai (SN 1986) là ngọn cờ tiên phong, đi vào bới lá rừng tìm hạt sâm dây mang về gieo trồng trên mảnh đất hơn 2.000m2 được UBND xã Măng Ri cấp cạnh khu căn cứ cách mạng. Dẫn chúng tôi vượt núi 2km chứng kiến nhiều cây cổ thụ 4 người ôm đến mô hình sâm dây của mình, A Nhoai thông tin vụ đầu tiên với giá 100 nghìn đồng/1kg, mỗi sào ước tính đạt 5 tạ, tổng thu hơn 100 triệu đồng. Trên đà kinh nghiệm gặt hái được sau mùa đầu tiên, A Nhoai cho biết sẽ tiếp tục xin UBND xã cấp thêm 1,5 ha đất rừng để mở rộng diện tích, trồng thêm sâm ngọc linh và các loại cây dược liệu để bảo vệ rừng.


g
Bí thư xã đoàn Măng Ri A Nhoai (bên phải) chăm sóc vườn sâm dây.


Theo A Nhoai, sâm dây đạt 1kg/4 củ sẽ thích hợp để thu hoạch. “Sâm dây có ưu điểm là dễ chăm sóc, không lo chuột hay kẻ trộm. Bởi vậy, mình vừa có thể lo công việc trên xã vừa phát triển kinh tế”- A Nhoai cởi mở.

Là nông dân tiêu biểu của huyện Tu Mơ Rông, từng nhận nhiều bằng khen của Hội nông dân Việt Nam với sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu sâm ngọc linh, chủ tịch Hội nông dân xã Tê Xăng A Hình (54 tuổi) luôn là người được thanh niên các xã lân cận tìm đến để học hỏi kinh nghiệm.

Theo chia sẻ từ nông dân này, những năm 1980 người dân nơi đây kiếm sâm ngọc linh rất dễ dàng. Chỉ cần trèo núi 1 giờ đồng hồ là mang về cả gùi sâm ngọc linh. Lúc đó ngọc linh chưa có giá trị, cả gùi 10kg chỉ đổi được một đôi dép “tông Lào” hay 1kg cá khô. Ngoài ra, ngọc linh còn được người dân đun nước uống. Nhiều đợt người dân đi lấy tràn lan nhưng thương lái không về mua nên vứt bừa quanh nhà. Từ năm 2001 giá sâm đắt đỏ, người dân lại vào rừng mót từng củ nhỏ bằng ngón tay về trồng.

Để bảo vệ hơn 2 nghìn cây sâm ngọc linh, ông A Hình phải kết hợp với những người thân trong gia đình làm chòi thay phiên nhau bảo vệ, túc trực ngày đêm. Bên cạnh đó, quanh vùng sâm được rào dây thép gai kiên cố. Ngoài việc chống trộm, người trồng sâm ngọc linh còn phải đối diện với những con chuột chỉ thích ăn củ sâm ngọc linh, được người dân nơi đây gọi là “chuột quý tộc”. Để diệt loài vật này, người dân phải đặt bẫy xung quanh vườn sâm của mình. “Khác với những cây dược liệu khác, sâm ngọc linh rất khó chăm sóc. Mình luôn nhắc với thanh niên trên địa bàn huyện rằng, phải chọn tán rừng nhiều bóng mát, sâm sẽ sinh trưởng tốt. Nếu bỏ phân hóa học cây sẽ chết. Trước khi nhân giống, phải ngâm hạt ngọc linh vào nước tỏi khoảng 1 giờ đồng hồ, tỉ lệ nảy mầm sẽ rất cao” - Ông A Hình chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Thành cho biết trên địa bàn xã có 487 hộ, trong đó 80% bà con trồng cây dược liệu. Tới đây, xã sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 50 ha giao khoán cho bà con, đặc biệt là thanh niên trồng cây dược liệu để bảo vệ rừng. Từ khi người dân trồng các loại cây dược diệu thì không còn xảy ra tình trạng phá rừng nữa.

Bảo vệ nguồn gen

Trao đổi với PV, ông Vương Văn Mười- Phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện đang tích cực phát triển cây dược liệu trên địa bàn với mục tiêu phát triển du lịch gắn với những giống sâm chất lượng nhất. Khách đến Tu Mơ Rồng không phải bận tâm về chất lượng sâm, hay tình trạng sâm giả. Định hướng của huyện là bảo tồn và phát triển. Vì mục tiêu của tỉnh Kon Tum đến năm 2020 sẽ phát triển đạt 500 ha sâm ngọc linh; đến năm 2025 đạt 1.000 ha, từ đó sẽ chế biến sâm thành các sản phẩm đồ uống, dược liệu khác nhau. Huyện không quảng bá sản phẩm bởi hiện nay việc nghiên cứu nuôi cấy mô vẫn chưa thành công.

“Hiện nay trên địa bàn không có cơ sở nào bán các sản phẩm từ sâm ngọc linh. Ai cần mua phải vào tận các thôn làng rồi nhờ chủ vườn bán cho một vài củ, mua nhiều họ sẽ không bán. Ngay cả bản thân tôi, trước kia trực tiếp vào mua 3 củ sâm với trọng lượng 2 lạng mà phải thuyết phục bà con 3 ngày”- Ông Mười nói và khẳng định rằng qua nghiên cứu cho thấy, địa bàn huyện Tu Mơ Rông có khí hậu, độ cao phù hợp nên củ sâm cho hàm lượng dinh dưỡng cao đặc biệt.

Cũng theo ông Mười, hàng năm tỉnh đều chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Y tế phối hợp với UBND huyện về kiểm nghiệm nguồn gốc giống sâm, nếu phát hiện cây lạ sẽ kiên quyết, tiêu hủy.

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Tu Mơ Rông A Trung, đề án “Phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông giai đoạn 2018-2022, định hướng đến 2027” của huyện đoàn Tu Mơ Rông xác định thanh niên là lực lượng nòng cốt. Với tổng diện tích tự nhiên gần 86 nghìn ha, để phát huy hết lợi thế về tài nguyên rừng thì phải đẩy mạnh công tác giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng, nhằm khai thác hợp lý, cải tạo rừng và trồng rừng. Lực lượng tiên phong đảm trách công việc này tốt nhất không ai khác là thanh niên.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 325 ha sâm ngọc linh; hồng đẳng sâm 32 ha; đường quy 30; ngũ vị tử, sơn tra là cây trồng dưới tán rừng, hiện đang rất phát triển. Riêng các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây sẽ phát triển cây dược liệu theo đề án của huyện đoàn. Ðề án này được triển khai xuống Làng thanh niên lập nghiệp.