Những đứa con ưu tú của đảo

20:40 24/06/2018     833

Tuổi trẻ sáng tạo   Nhiều bạn trẻ đã âm thầm hy sinh tuổi thanh xuân của mình đem con chữ đến với học sinh nghèo ở đảo Thổ Chu, thuộc xã Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang), đảo tiền tiêu ở Tây Nam của Tổ quốc, cách đất liền (TP Rạch Giá) khoảng 220 km.
Ra đảo dạy học vì… ước mơ

Cô giáo Tạ Thị Hồng Kiều, 25 tuổi quê Hà Nội ra đảo Thổ Chu công tác được 4 năm. Cô Kiều cho biết động lực là từ những gương mặt ngây thơ, đáng yêu và ham học của các em học sinh đã thôi thúc cô vượt nghìn cây số để mang con chữ ra đảo.

Cô Kiều kể, trong một lần vào thăm người bác ở Gành Dầu (Phú Quốc, Kiên Giang), được bác gợi ý ra đảo dạy học, cô quyết định ngay lập tức bởi đó cũng là ước mơ của mình khi còn ngồi trên ghế giảng đường. “Lần đó, đi tàu từ đất liền 9 tiếng mới ra được đảo Thổ Chu. Lần đầu tiên đi tàu say sóng, ói kinh khủng. Khi đặt chân lên đảo thấy thiếu thốn đủ thứ, không đủ cả phòng học. Chúng tôi chỉ phải dạy 1 buổi nhưng phải kèm cho các em yếu. Chưa kể, các em đi theo cha mẹ đánh bắt ngoài biển mất 5 - 10 ngày, nếu gặp bão cả tháng mơi trở lại học được”, cô giáo Kiều chia sẻ.



u
Cô Võ Thị Thu Ngân (đội mũ) đang hướng dẫn học sinh vẽ tranh


Cô Kiều thường xuyên đến nhà học trò vận động các em đi học. Các em học bậc THCS biết làm mực, vác đồ thuê, nhiều cha mẹ không muốn cho các em đến lớp, bắt đi làm thêm lấy tiền phụ giúp gia đình. Điều kiện sống ở đây mỗi khi mùa mưa bão đến rất khó khăn. Tàu thuyền cả tháng trời mới ra biển được một lần nên thu nhập của bà con rất thấp. Khi có mưa bão rau muống giá cao lên đến 50.000 đồng/kg không có mà mua, thậm chí mưa bão kéo dài người dân không có gạo ăn, nhưng cô Kiều không nản…

“Nếu có ước mơ hãy đi và thử đặt chân lên đảo sẽ không muốn về vì ở đây môi trường, con người rất thân thiện, đặc biệt là sự hồn nhiên, ngây thơ của các em học sinh luôn cuốn hút chúng tôi”, cô Kiều nói và cho biết đã lập gia đình và mong muốn tiếp tục gắn bó ở đây.

Trở về đảo để cống hiến


Cô Võ Thị Thu Ngân, 28 tuổi, giáo viên trường Tiểu học và THCS Thổ Chu là học sinh cũ của trường, sống trên đảo hơn 20 năm nay. Cô Ngân cho biết, điều kiện học hành của các học sinh ở đây đặc biệt thiếu thốn nhưng nhiều thầy cô vẫn từ nơi khác đến cống hiến sức trẻ, khiến cô yêu quý nghề giáo viên, không muốn rời xa đảo. “Nhiều thầy cô đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để mang con chữ ra đảo. Vì thế tôi muốn tiếp tục được thay họ gánh vác trách nhiệm gieo con chữ tại hòn đảo xa xôi này”, cô Ngân chia sẻ.

Cô Ngân quê gốc ở An Giang, cùng gia đình ra đảo Thổ Chu từ năm lên 4 tuổi. Gia đình sống bằng nghề biển, nhà có 3 chị em. Chị gái của cô Ngân cũng đang là giáo viên dạy cùng trường, còn em gái út đang học ĐH ở TPHCM. “Con người ở đây chân chất, luôn quý mến nhau. Đảo này tuy không phải nơi tôi sinh ra nhưng đó là quê hương thứ 2. Vì thế, bản thân luôn muốn cống hiến hết mình cho đảo”, Ngân nói.

Cũng là một “đứa con ưu tú” của đảo, năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Nguyễn Văn Bình quay trở lại cống hiến cho đảo Thổ Chu. Thầy Bình quê gốc ở Quảng Trị, cùng gia đình ra đảo sống bằng nghề biển từ năm 1993. “Thầy cô của mình ngày xưa ở nơi khác đến họ tận tình chỉ bảo cho học sinh. Trong khi bản thân mình chính là người cua đảo sao không làm như họ được? Từ suy nghĩ đó, tôi quyết tâm quay trở lại đảo công tác đến giờ”, thầy Bình chia sẻ.

“Mỗi bước đi của trẻ cần có sự dìu dắt. Học sinh có đứa nghe lời, học giỏi nhưng có em chưa ngoan. Nếu không có sự quan tâm sát sao thì tương lai của các em sẽ gặp nhiều trắc trở. Các em được yêu thương, học hành đầy đủ, tương lai sẽ rộng mở hơn”, thầy Bình nói thêm.

Thầy Phạm Văn Tiệp, Hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS Thổ Chu cho biết, năm học 2017 - 2018 trường có 13 lớp (mầm non 2 lớp, cấp một 6 lớp, cấp hai 4 lớp và cấp ba 1 lớp) với tổng số 350 học sinh, tuy nhiên đến cuối năm chỉ còn 300 em. Điều kiện học hành trên đảo rất thiếu thốn. Công tác vận động học sinh đến lớp gặp nhiều khó khăn. Nhiều học sinh theo cha ra biển đi đánh bắt cá cách bờ gần 50 km, mỗi chuyến đi vài ngày mới quay về, khi đó học sinh mới đến lớp được. Ngoài ra, còn nhiều em khác sáng sớm 4 giờ phải đi làm mực thuê đến 1 - 2 giờ chiều mới về. Có hôm một lớp học chỉ lác đác vài ba người.

“Các thầy cô thường xuyên đến tận nhà động viên gia đình cho con em đến lớp. Chúng tôi cũng hiểu vì mưu sinh nên các em mới phải bỏ học. Nhiều thầy cô thương học trò chỉ còn cách nhẫn nại thuyết phục gia đình cho các em đến lớp mới có thể thay đổi được tương lai. Có nhiều em sáng dạ, ham học hỏi nên cũng là động lực cho chúng tôi tiếp tục sự nghiệp của mình ở đây”, thầy Tiệp nói.

Đồng chí Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, toàn xã có 669 hộ với 2.062 nhân khẩu, nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ đánh bắt nuôi trồng thủy sản, hậu cần nghề cá, thương mại dịch vụ. Những năm gần đây, nghề cá gặp nhiều khó khăn do khai thác quá mức, nguồn cá xung quanh đảo dần cạn kiệt. Các học sinh trên đảo thường học đến lớp 9 rồi nghỉ để phụ giúp gia đình. “Ở đây hầu hết giáo viên đều tình nguyện từ nơi khác đến. Nhưng cũng may mắn cho xã có vài em học hành xong quay trở lại phục vụ đảo như cô Ngân, cô Nga, thầy Bình”,
đồng chí Dừng nói.