Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới

21:05 07/11/2021     1853

Hoạt động Hội, Đội   ĐTN: Ngày 7/11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam, Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

 

Đồng chí Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam

 

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam cho biết, diễn đàn là một trong những hoạt động thực hiện nội dung phối hợp giữa Trung ương Hội LHTN Việt Nam với PNJ trong triển khai chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc”, giai đoạn 2021-2025, với 3 nội dung: tổ chức các hoạt động tuyên truyền về hạnh phúc gia đình trong thanh niên; tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu” và tổ chức các hoạt động xây dựng “Gia đình trẻ hạnh phúc”.

Các chương trình giao lưu trực tiếp và trực tuyến với thanh niên theo chủ đề “Gia đình trẻ hạnh phúc, ấm no, tiến bộ” nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm gìn giữ gia đình hạnh phúc, xây dựng các giá trị của gia đình hiện đại, truyền đạt kinh nghiệm cho các bạn trẻ trước khi kết hôn; tổ chức các sự kiện, cuộc thi có liên quan đến chủ đề “Gia đình trẻ hạnh phúc, ấm no, tiến bộ” để hiểu rõ giá trị của gia đình đối với bản thân và xã hội.


Chia sẻ về tình hình thực tế các gia đình gặp phải trong thời gian giãn cách xã hội, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, thu nhập hộ gia đình tháng 1/2021 thấp hơn khoảng 11-22% so với mức thu nhập tháng 6/2020. Hộ gia đình chủ động về kinh tế nhưng thu nhập từ lao động vẫn giảm. Điều này khiến giảm chất lượng cuộc sống và tác động lớn trên các khía cạnh phi kinh tế của đời sống hộ gia đình; sức khỏe tinh thần trở thành vấn đề nhức nhối đang nổi lên. Giãn cách xã hội gây tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng, trong đó có phụ nữ, trẻ em, gây khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ xã hội.

 

Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin chia sẻ tại chương trình

 

Thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Số lượng người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê (2021), trong 9 tháng đầu năm, có tới 85,5 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2021 ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp là 3,43%  và thiếu việc làm  4,39%, tăng cao nhất kể từ quý I/2020, TS Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội phân tích,  trong bối cảnh này, lao động thanh niên, vốn dĩ đã gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm thỏa đáng trong điều kiện bình thường lại càng chịu nhiều rủi ro và khó khăn hơn do tác động của đại dịch COVID-19. Thị trường lao động thanh niên đã bị ảnh hưởng trầm trọng cả ở góc độ cung, cầu lao động. Họ gặp phải cú shock kép!

 

Bà Trịnh Thu Nga, Phó viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ về sự dịch chuyển lao động trẻ trong thời gian giãn cách xã hội bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và dự báo xu thế cùng các giải pháp để giải quyết việc làm cho lao động trẻ trong trạng thái bình thường mới; các cơ chế, chính sách đối với người lao động.

 

Dẫn số liệu quý II/2021, lực lượng lao động thanh niên giảm 194 nghìn người, việc làm thanh niên cũng giảm 128 nghìn việc làm (so với quý II/2020). Lao động thanh niên đang có xu hướng chuyển dịch ngược về khu vực nông thôn và chuyển sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp... TS Trịnh Thu Nga nhận định, trong điều kiện bình thường mới, thách thức trong việc làm của thanh niên là rất lớn, nhưng không có nghĩa là không thể vượt qua. Bên cạnh tiếp tục rà soát để hỗ trợ những người lao động, trong đó có thanh niên theo các gói hỗ trợ lần thứ hai và lần thứ ba của Chính phủ; khuyến khích người lao động trở lại các thành phố, các khu công nghiệp- khu chế xuất làm việc; phát huy vai trò của hệ thống dịch vụ việc làm địa phương và các cấp bộ đoàn trong giải quyết việc làm cho thanh niên cần khuyến khích thanh niên mạnh dạn làm chủ doanh nghiệp và tự tạo việc làm, nâng cao kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong điều kiện bình thường mới.

Diễn đàn đã dành thời lượng để người xem giao lưu với các diễn giả là: Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tâm lý đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng; anh Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận; TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội; bác sĩ Huỳnh Hương Giang, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, thành viên Mạng lưới tư vấn sức khỏe chia sẻ về cách phòng, chống dịch bệnh COVID–19 khi cách ly và trong trạng thái bình thường mới ở chỗ ở và nơi làm việc…

 

 

Theo các khách mời, dù đối mặt với nhiều khó khăn về thu nhập, việc làm, nỗi lo dịch bệnh hay phải thay đổi thói quen sinh hoạt... nhưng đừng để "cái khó bó cái khôn". Việc giãn cách đã đem lại cho các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ quãng thời gian được ở bên nhau,  hiểu nhau hơn, cùng nhau sẻ chia, chơi cùng con cái... cũng như biết trân quý những giá trị của cuộc sống bình thường...

 

Bảo Anh