Đừng ảo tưởng về năng lực bản thân

14:33 14/06/2013     2202

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Cầm xấp hồ sơ trên tay, Giang - cựu sinh viên ngành nông nghiệp (Trường ĐHCT), tự nhủ sẽ chỉ đầu quân vào một công ty ở trung tâm TP Cần Thơ, bất chấp lời khuyên của gia đình trở về quê công tác trong cơ quan nhà nước.
Có thể, mỗi người đều có những ước mơ, hoài bão riêng, nhưng vì  quá đề cao năng lực bản thân trong khi học lực chỉ tầm khá nên Giang cứ nhảy việc liên tục! Thái độ chê bai công việc vì không xứng tầm với tấm bằng cử nhân hoặc quá ảo tưởng về năng lực bản thân như Giang là tâm lý chung của không ít bạn trẻ đã được nhiều nhà tuyển dụng cảnh báo…
f
Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên, góp phần định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ. (Trong ảnh: Các bạn sinh viên đến với ngày hội Thanh niên Cần Thơ và tham gia tư vấn nghề nghiệp, việc làm).

Tốt nghiệp đã hơn một năm, Hằng (quê ở Hậu Giang) – sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐHCT vẫn chưa xin được việc làm, trong khi đa số bạn bè đã có nghề nghiệp ổn định. Với tấm bằng loại khá, Hằng vốn có khá nhiều cơ hội kiếm được việc làm phù hợp với năng lực. Thế nhưng, qua gần chục lần phỏng vấn xin việc, hầu hết các doanh nghiệp đều lắc đầu trước thái độ tự cao của Hằng. Một lần, Hằng vượt vòng phỏng vấn của một công ty địa ốc và được giao nhiệm vui trong một tháng phải ký được 1 hợp đồng mua bán nhà đất, thì Hằng chẳng hề do dự khi quyết định không làm việc cho công ty này. Hằng cho rằng: “Công việc của một cử nhân quản trị kinh doanh là quản lý, điều hành chứ không phải là nhân viên kinh doanh”. Trong ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm do Hội Sinh viên tổ chức, trong phần giao lưu với các diễn giả, khi đại diện một đơn vị tuyển dụng đặt vấn đề mức lương, Hằng đã thẳng thắn trả lời: “Mức lương khởi điểm hợp lý cho người tốt nghiệp đại học là 10 triệu đồng/tháng, có vậy mới đảm bảo cuộc sống. Hơn nữa, nếu kết quả học tập của em loại xuất sắc có khi cần ở mức lương cao hơn mới ngang tầm với năng lực của em”. Việc trả lương tương xứng với năng lực làm việc là ý kiến chính đáng của người lao động, thế nhưng biểu hiện tự tin thái quá của Hằng khiến các diễn giả lắc đầu ngao ngán. Bởi giữa kết quả học tập và năng lực làm việc trong môi trường thực tiễn là hai việc khác nhau, thậm chí có độ vênh khá xa. Cũng vì cố giữ quan điểm lệch lạc ấy mà suốt một năm qua, Hằng vẫn thất nghiệp!

Gia đình Hằng vốn có cơ ngơi khá giả, khi là chủ đại lý phân phối nước giải khát tại thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Thấy con gái rảnh rỗi, cha mẹ Hằng khuyên con gái ở nhà phụ giúp quản lý việc buôn bán của gia đình. Thế nhưng, Hằng một mực khước từ và ôm mộng có cơ hội đầu quân vào làm việc tại một tập đoàn nước ngoài với mức lương hậu hĩnh – nơi mà Hằng cho là xứng đáng với quá trình học tập của mình. Trong khi, kết quả học tập chỉ đạt loại khá, khả năng sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp, ứng xử còn nhiều hạn chế. Biết con mình ngộ nhận về năng lực bản thân, cha mẹ Hằng đã nhiều lần giải thích, khuyên răn, nhưng cô đều bỏ ngoài tai.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha mẹ đều là cán bộ, công chức nhà nước, Giang - sinh viên ngành Nông nghiệp, Trường ĐHCT vốn được cha mẹ khích lệ, quan tâm hỗ trợ tối đa để con tập trung cho chuyện học hành, thế nên kết quả học tập của Giang đều đạt loại giỏi. Giang còn đăng ký học vượt, hoàn thành chương trình học sớm hơn một học kỳ. Ý định sắp xếp cho con trở về công tác tại phòng nông nghiệp huyện để phục vụ quê hương, cha mẹ Giang ngỏ ý định cho em làm việc trong một cơ quan nhà nước làm việc. Nghe lời tâm sự của gia đình, Giang bĩu môi, nói: “Làm việc ở huyện cần gì kỹ sư, nếu có chỉ các bạn học loại trung bình – khá thôi. Vả lại ở nông thôn không có điều kiện để con phát huy năng lực, kiến thức học được”. Suy nghĩ vậy, nên Giang thường hay tự đề cao bản thân, xem thường bạn bè học ở những ngành nghề mà theo Giang là không cần trình độ cao. Bất lịch sự hơn, trong nguyên tắc giao tiếp của Giang là khi biết người nào đó không ngang bằng về trình độ học vấn sẽ chẳng thèm chào hoặc có thái độ chê bai vì lý do ngớ ngẩn là “không xứng tầm”.
 
Cũng với lý do yêu cầu công việc chưa tương xứng với năng lực mà Diễm – sinh viên ngành cử nhân Anh văn, Trường ĐHTĐ vẫn còn lao đao tìm việc. Ước mơ trở thành cô giáo, nên sau khi tốt nghiệp, Diễm nộp hồ sơ về nhiều Sở Giáo dục – Đào tạo ở các tỉnh, thành, nhưng không được tuyển dụng. Cuối cùng, Diễm được tuyển dụng vào nhân viên phiên dịch cho một công ty Đài Loan ở Bình Dương. Nhưng chỉ làm việc chưa đầy 3 tháng thì Diễm xin nghỉ việc với lý do: “Tôi không thể ăn cơm chung với công nhân vì rõ ràng tôi thuộc tầng lớp trí thức!” – Trang chia sẻ. Điệp khúc “trí thức” cũng là câu cửa miệng của Minh – cựu sinh viên ngành Ngữ văn, Trường ĐHCT. Từng là nhân viên thời vụ của một trường trung cấp trên địa bàn thành phố, Minh cho rằng, năng lực của bản thân ít nhất phải là giảng viên đại học. Thế nhưng, nhiều lần tham gia phỏng vấn xin việc ở các trường đại học, Minh đều không trúng tuyển. Nay dù là giáo viên của một trường chuyên ở Bạc Liêu, nhưng hễ gặp bạn bè, Minh đều than thân trách phận bởi công việc không “xứng tầm” với năng lực bản thân và thua kém bạn bè trong lớp khi về làm việc tại một trường vùng sâu, vùng xa.

Trong một lần tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên do Liên Chi hội sinh viên Hậu Giang - Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, ông Huỳnh Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH đào tạo và tư vấn kỹ năng sống Success cho rằng, các bạn trẻ không nên đề cao quá khả năng của bản thân, bởi giữa kiến thức học được trong nhà trường và năng lực đáp ứng với công việc thực tế. Không những vậy, thái độ tự tin thái quá đến nổi ảo tưởng về năng lực bản thân sẽ khiến bạn trẻ mất điểm khi phỏng vấn xin việc. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là đa số các bạn trẻ chưa được trang bị tốt kỹ năng mềm cần thiết, như: kỹ năng phỏng vấn xin việc, giao tiếp ứng xử, hoặc quá trình trải nghiệm thực tế còn khá hạn chế, từ đó có suy nghĩ chưa đúng. Không riêng ông Minh, theo nhiều nhà tuyển dụng, mỗi bạn trẻ nên tránh thái độ chê việc, mà hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, đơn giản. Kết quả đạt được trong công việc dù nhỏ nhưng đó là tiền đề để người quản lý tin tưởng giao cho người trẻ những công việc quan trọng hơn.

Để định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, hàng năm, Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệm với những người thành đạt trong cuộc sống. Qua đó, giúp nhiều sinh viên hiểu được năng lực bản thân, hiểu rõ yêu cầu của nhà tuyển dụng để xác định đúng đắn mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.