Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Bài 8: Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết

07:04 11/06/2022     692

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo, nâng tầm nghệ thuật ngoại giao cao hơn trước, tránh để đất nước rơi vào thế bị cô lập.

Giữ hoà bình để phát triển

Ngày 7/6, trao đổi tại toạ đàm “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” do Đảng bộ báo Tiền Phong tổ chức, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thông tin về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nguyên Phó Thủ tướng cho rằng, ngoại giao Việt Nam có tính đặc thù, khác biệt so với nhiều nước. “Người sáng lập nền ngoại giao Việt Nam là Bác Hồ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam đã xây dựng trường phái ngoại giao Việt Nam với 4 nét đặc trưng: Kiên định về mục tiêu, hoà hiếu trong bản chất, linh hoạt trong hành xử, nhân văn trong cốt cách”, ông Khoan nói.

Ông Vũ Khoan phân tích, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn kiên định mục tiêu đất nước phải độc lập, dân tộc phải tự do. Việt Nam đã thể hiện tinh thần hoà hiếu suốt chiều dài lịch sử. Suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam luôn kiên trì giữ hoà bình, tìm mọi cách để có hoà bình. “Bác Hồ có nói nguyên tắc thì phải kiên định, nhưng sách lược phải linh hoạt. Ngoại giao Việt Nam rất linh hoạt”, ông Khoan nói.

Nêu ví dụ về tính nhân văn của ngoại giao Việt Nam, ông Vũ Khoan kể câu chuyện về Bác Hồ khi làm công tác ngoại giao rất chú ý đến yếu tố nhân dân, nhân văn. Năm 1946, Bác Hồ sang thăm Pháp. Bản thân Bác thời điểm trước đó bị Pháp kết án tử hình, nhưng khi làm Chủ tịch nước, với vị trí nguyên thủ quốc gia, Người một mình sang Pháp, đi máy bay của Pháp, về bằng tàu thuỷ của Pháp. Ở Pháp vài tháng, Bác chủ yếu hoạt động với người dân, dư luận xã hội, đội ngũ báo chí. Theo ông Khoan, sau này, ngoại giao Việt Nam tiếp tục kế thừa, phát huy 4 nét đặc trưng đó. “Hiện nay, trong hội nhập quốc tế, ngoại giao Việt Nam càng cần phải linh hoạt, hoà hiếu, phải giữ hoà bình để phát triển”, ông Khoan nói.

Ba cách ứng phó

Về tình hình thế giới hiện nay, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng đang có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tiếp nối sau 3 đợt cạnh tranh từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Đợt một, theo ông Khoan, diễn ra từ năm 1945 đến năm 1991, là cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe, hai cực của thế giới gồm Liên Xô và Mỹ. Đợt hai từ năm 1991 đến đầu thế kỷ 21, sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thế giới trở về đơn cực, chủ yếu cạnh tranh về kinh tế. “Giai đoạn này chúng ta có điều kiện để bình thường hoá quan hệ với các nước”, ông Khoan nói.

 

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Bài 8: Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết ảnh 1

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Đợt ba, từ năm 2000 đến năm 2016, có các sự kiện nổi bật như vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 vào Mỹ, khủng hoảng kinh tế năm 2008, nền kinh tế Trung Quốc vươn lên vị trí số 2 thế giới, Mỹ phải điều chỉnh, xoay trục sang châu Á. “Đợt 4 từ năm 2016 đến đầu năm 2022, khi Mỹ nêu rõ Trung Quốc và Nga là đối thủ chủ yếu, nước Mỹ muốn khôi phục lại ảnh hưởng, xảy ra cuộc chiến tranh kinh tế với Trung Quốc”, ông Khoan nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, sau ngày 24/2/2022, khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thế giới đang bước vào một giai đoạn mới, liên quan đến cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, có nhiều thay đổi, biến động cả về chính trị, kinh tế, an ninh, tiền tệ… “Cạnh tranh chiến lược sẽ sinh ra nhiều vấn đề. Hiện nay, chúng ta thấy sự phân chia, phân hoá ở cấp độ toàn cầu, cấp độ giữa các quốc gia với nhau, thậm chí ngay trong một số quốc gia, ngay trong từng gia đình. Thế giới trở nên bất an, cả về chính trị, kinh tế, thương mại, tiền tệ. Ngoài phân hoá về tư tưởng, còn có sự phân hoá về kinh tế, tiền tệ. Sự tập họp của các nước lớn cũng thay đổi. Việc này tác động rất lớn tới xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nghèo đói”, ông Khoan phân tích.

“Việt Nam cần thực hiện chính sách ngoại giao thật khôn khéo, nghệ thuật ngoại giao phải nâng lên mức cao hơn trước, đừng để rơi vào thế bị cô lập, tấn công”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Trong bối cảnh đó, ông Khoan cho rằng, Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số thành tựu, nhưng thách thức còn rất nhiều. Cái dễ nhìn thấy nhất là giá xăng dầu, lương thực, phân bón hiện nay đều cao. Nhiều khó khăn cùng dồn lại một lúc, gồm sự cạnh tranh chiến lược, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Hội nhập sâu rộng mang lại nhiều thứ, nhưng cũng xuất hiện nhiều vấn đề. Ví dụ, xuất khẩu của Việt Nam tăng nhưng hơn 70% là của các công ty FDI. Những doanh nghiệp này chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 20% GDP.

“Không thể yên tâm được, một đất nước nông nghiệp mà hiện tất cả các công ty cơ khí nông nghiệp không còn. Một nước nông nghiệp mà không đủ phân bón, không đủ thuốc trừ sâu, không có cơ khí nông nghiệp là không ổn”, ông Vũ Khoan chia sẻ.

Để ứng phó, theo ông Vũ Khoan, có 3 cách. Thứ nhất, Việt Nam cần phải nâng cao độc lập, tự chủ về kinh tế. “Quan trọng nhất là tự lực, nhưng không đồng nghĩa với tự cô lập. Việt Nam cần đủ sức tự đứng trên đôi chân của mình. Thứ hai là đa dạng hoá, đa phương hoá hơn nữa. Thứ ba, Việt Nam cần thực hiện chính sách ngoại giao thật khôn khéo, nghệ thuật ngoại giao phải nâng lên mức cao hơn trước, đừng để rơi vào thế bị cô lập, tấn công”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu.

 

 

Thep TPO