Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Bài 7: Đừng đổ cho cơ chế

21:27 10/06/2022     621

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Ngày 7/6, Đảng bộ báo Tiền Phong tổ chức Toạ đàm chuyên đề Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Khách mời tham dự toạ đàm có nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan; nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư) Nguyễn Đức Hà.

Hai cấp độ đấu tranh

Trao đổi về chuyên đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 35 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Theo ông Hà, không bao giờ các thế lực thù địch muốn có một Việt Nam hùng mạnh, một Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh. Các thế lực này tìm mọi cách, tranh thủ mọi thứ, không từ bỏ thủ đoạn nào để chống phá Đảng và nhà nước ta, và đều bắt nguồn từ việc chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác Lê nin, phản bác, bôi nhọ Chủ nghĩa Mác Lê nin với mục đích làm giảm ảnh hưởng của Chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh…

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Bài 7: Đừng đổ cho cơ chế ảnh 1

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư) Nguyễn Đức Hà. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Ông Hà cho rằng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Chủ nghĩa Mác Lê nin, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; bảo vệ cương lĩnh, điều lệ Đảng; bảo vệ pháp luật, bảo vệ tổ chức Đảng, đảng viên của mình. Nói rộng ra, là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước và bảo vệ nhân dân. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta gắn liền với sự tồn vong của Đảng. “Trong Nghị quyết 35 cũng xác định phải đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Những quan điểm sai trái có thể có ngay trong nội bộ chúng ta, phải đấu tranh, làm rõ, đả thông tư tưởng. Còn quan điểm thù địch thì đã là dã tâm, là bản chất, thì phải đấu tranh, phản bác”, ông Hà nêu.

Ông Nguyễn Đức Hà cho biết, đấu tranh trong nội bộ chính là việc đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Việc này, T.Ư đã xác định từ Hội nghị T.Ư 4 khoá XI, chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Hiện nay, T.Ư đặt ra một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, để làm thế nào không có chuyện “lực bất tòng tâm”. T.Ư xác định một số đảng viên suy thoái, rồi sau đó là một bộ phận đảng viên suy thoái, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, để thấy tình hình rất phức tạp, nguy hiểm. Nhiệm kỳ ĐH XII, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khoá XII xác định, phải kiên quyết, coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Cảnh giác cao độ với tình trạng suy thoái

Cùng với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khoá XI, Nghị quyết T.Ư 4 khoá XII đặt ra thêm nhiệm vụ chống tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ, chỉ ra một hệ thống các biểu hiện suy thoái, trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, 9 biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá. “Biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá không phải từ trên trời rơi xuống, dưới đất mọc lên mà bắt nguồn của nó là suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức lối sống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đến tự diễn biến, tự chuyển hoá là bước rất ngắn, cho nên phải nhận thức rõ vấn đề, đừng ai vỗ ngực tự ảo tưởng tôi sẽ không tự diễn biến, tự chuyển hoá. Thậm chí nó cứ ngấm từ từ, dần dần, và nếu không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm vượt lên chính mình thì cũng rất dễ xảy ra”, ông Hà nói, đồng thời cho rằng, đây là việc rất khó, bởi càng ngày, mặt trái của kinh tế thị trường càng tác động, chui vào từng ngõ ngách, từng gia đình, từng cá nhân.

“Đội ngũ cán bộ của ta có nhiều, đâu phải đồng chí nào cũng suy thoái, cũng bị cám dỗ. Tôi không tán thành với quan điểm đổ cho cơ chế. Cùng một cơ chế, cả nước thực hiện, nhưng đâu phải ai cũng hư hỏng. Tại sao vẫn còn nhiều cán bộ giữ gìn được lập trường, tư tưởng”.

Ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban tổ chức T.Ư)

Ông Hà cũng lấy ví dụ về Hội nghị T.Ư bất thường vừa diễn ra. Theo ông Hà, điều này phù hợp với quy định, quy chế khi xem xét xử lý kỷ luật các Ủy viên T.Ư có vi phạm. Nếu ở mức độ khiển trách, cảnh cáo, thẩm quyền của Bộ Chính trị. Nhưng nếu ở mức nặng hơn thì thuộc thẩm quyền của Ban chấp hành T.Ư. “Nếu đợi đến Hội nghị T.Ư thường kỳ (khoảng tháng 10/2022) thì các cán bộ sai phạm còn đủ uy tín để làm việc không. Quan điểm hiện nay là rõ đến đâu kết luận, xử lý đến đó và kiện toàn cán bộ sớm”, ông Hà nêu, đồng thời cho rằng, cán bộ không được chủ quan, bởi vượt qua chính mình, vượt qua cám dỗ, lợi ích không phải là việc dễ.

 

Theo TPO