Quảng Nam: Thành công khi đưa người trẻ về bản

16:19 24/09/2015     1199

Công tác giáo dục   80% học viên các đề án thu hút trí thức về xã nghèo đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ được giao; góp phần tạo nên nhịp sống mới trên mảnh đất cũ.

5
Các ứng viên tham dự Đề án phải chứng minh được năng lực, nhiệt huyết cống hiến
để thay đổi diện mạo cuộc sống bà con nơi vùng đất mình đến

Là địa phương còn nhiều khó khăn, Quảng Nam luôn tạo cơ chế nhằm thu hút nhân tài về phục vụ cho sự phát triển của quê hương. Với 3 Đề án thu hút trí thức trẻ (Đề án 600 của Chính phủ, Đề án 500 của Bộ Nội vụ, Đề án 500 của tỉnh) hiện đang triển khai tại địa phương đã ngày càng phát huy hiệu quả khi thu hút được nhiều sinh viên có trình độ tăng cường về làm phó chủ tịch ở các xã từ miền núi đến đồng bằng.

Cơ hội cống hiến sức trẻ

Chị La Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nhớ lại thời gian mới bắt đầu công việc, chị không chọn các thành phố lớn mà muốn về vùng cao để tự tạo “áp lực” buộc mình phải làm được điều gì có ích khi chứng kiến cuộc sống thiếu thốn của bà con nơi đây.

Thời điểm mới bắt đầu, chị gặp nhiều khó khăn trong công việc khi chưa có kinh nghiệm quản lý. Cùng với cán bộ tại địa phương, chị đã sắp xếp lại quy trình làm việc mang tính khoa học hơn cho UBND xã, thực hiện một số đề án phát triển kinh tế địa phương…

Cùng nằm trong diện thu hút, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Phạm Thị Kính tham gia Đề án 500 trở về quê hương xã Tam Lộc (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) làm việc. Ngay những ngày đầu, chị được giao trách nhiệm xử lý tồn tại trong chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Đây là một nhiệm vụ khá nhạy cảm, đòi hỏi sự vững vàng trong nghiệp vụ và khéo léo trong ứng xử của cô phó chủ tịch trẻ. Nhưng bằng năng lực và nhiệt huyết bù sự chút thiếu sót về kinh nghiệm thực tế, chị Kính đã nhanh chóng nắm bắt và giải quyết những tồn động này, bước đầu tạo dựng niềm tin của bà con đối với lực lượng cán bộ trẻ.

Nhìn nhận về năng lực của cấp phó, ông Bùi Nguyên Bảo - Chủ tịch UBND xã Tam Lộc tự hào: “Bản thân chị Kính có tư chất lãnh đạo, có tâm và có quyết tâm, chúng tôi tin tưởng ở đề án 500 trong thời gian tới sẽ tiếp tục đào tạo được những cán bộ có đầy đủ năng lực và phẩm chất đạo đức tốt như chị Kính”.

Chị La Thị Thanh Thủy cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng chị tin mình sẽ cùng bà con hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành mục tiêu của đề án. Đề án là một cơ hội lớn để thế hệ sinh viên như chị được cống hiến sức trẻ cho quê hương.

Rộng cửa “vườn ươm lãnh đạo”

Dù nằm trong Đề án nào, các đối tượng thuộc diện thu hút đều là những học viên tốt nghiệp đại học chính quy, được tuyển chọn và đào tạo kĩ năng phù hợp với chức danh cán bộ, công chức cấp xã.

Ông Nguyễn Hữu Sáng – Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam cho biết: "Trẻ, giỏi và nhiệt huyết - đó là tiên chí mà chúng tôi lựa chọn các ứng viên". Qua nhiều đợt tuyển chọn, 3 Đề án được triển khai thời gian qua đã tạo nguồn nhân lực quan trọng để hoàn thiện hệ thống chính trị cấp cơ sở và tạo nguồn cán bộ cho cấp huyện, cấp tỉnh sau này. Đây chính là “vườn ươm” góp phần bồi dưỡng cán bộ công chức trẻ phục vụ yêu cầu phát triển tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, đối với các bạn sinh viên thì đấy là cơ hội được thể hiện và nhìn nhận năng lực bản thân. Không riêng gì tỉnh Quảng Nam, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều có chính sách thu hút nhân tài. Những trí thức trẻ có lòng nhiệt huyết, có tinh thần học hỏi thì cơ hội việc làm bao giờ cũng rộng mở.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, đối với Đề án 500 của tỉnh Quảng Nam, đã có 4/268 học viên được bố trí vào chức danh cán bộ, 261/268 học viên được bố trí vào các chức danh công chức.

Ngoài lương, các học viên được hưởng chế độ chính sách theo diện thu hút gồm trợ cấp lần đầu, trợ cấp hằng tháng trong vòng 5 năm, đào tạo kỹ năng cũng như tạo điều kiện phát huy năng lực, khả năng làm việc tại địa phương.