Hiến kế chấn hưng giáo dục

08:58 07/09/2015     1055

Công tác giáo dục   Bước vào năm học 2015-2016, Báo Quân đội nhân dân đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, các bậc cha mẹ học sinh và bạn đọc hiến kế chấn hưng nền giáo dục và đào tạo nước nhà. Chúng tôi trân trọng trích đăng một số ý kiến này.
Thiếu tướng, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho học sinh, sinh viên luôn là nhiệm vụ cấp thiết

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực, nhất là tại khu vực Biển Đông, tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường, các thế lực thù địch vẫn ráo riết chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong đó lực lượng học sinh, sinh viên (HS, SV) luôn là mục tiêu để các thế lực thù địch tác động, chuyển hóa về tư tưởng. Do đó, việc tăng cường kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) đối với HS, SV luôn là nhiệm vụ cấp thiết. Trong suốt thời gian qua, công tác này đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trên thực tế, HS, SV qua giáo dục QP-AN đã nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng về QP-AN; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, có kỹ năng quân sự cần thiết, phát triển nhân cách toàn diện, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng nhập ngũ, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Minh.
Thiếu tướng, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay công tác giáo dục QP-AN vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Như sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giáo dục QP-AN ở một số địa phương, cơ quan, tổ chức chưa toàn diện, chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này. Ở một số nơi, giáo viên giáo dục QP-AN chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng; phương pháp tổ chức thực hiện ở nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo chậm đổi mới nên chất lượng giáo dục QP-AN còn hạn chế.

Để công tác giáo dục QP-AN tiếp tục được thực hiện nền nếp, hiệu quả, theo tôi cần triển khai, thực hiện tốt ba giải pháp sau:

Một là, cần tăng cường phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục QP-AN với cơ chế chính sách phù hợp.

Hai là, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy môn giáo dục QP-AN đáp ứng tình hình mới. Trong đó, giảm bớt thời gian dạy lý thuyết, tăng cường thời gian học thực hành kỹ năng quân sự, tham quan, thực tế đơn vị binh chủng, quân chủng, bảo tàng… phù hợp với bài học, ngành học của sinh viên, học sinh.

Ba là, đề xuất với Nhà nước bảo đảm ngân sách, đáp ứng tốt cơ sở vật chất, thiết bị dạy học QP-AN cho HS, SV. Bởi, môn học giáo dục QP-AN là môn học đặc thù được Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh khẳng định là môn học chính từ trung học phổ thông đến đại học, là môn học lồng ghép trong tiểu học và trung học cơ sở. NGỌC KHÁNH (ghi)

Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Khúc Văn Phú, Trưởng khoa Khoa học Cơ bản, Học viện Hậu cần: Nghiên cứu khoa học là một mũi xung kích
 Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Khúc Văn Phú.
Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Khúc Văn Phú.

 Khoa Khoa học Cơ bản là đơn vị trang bị những kiến thức nền tảng, cơ bản cho các đối tượng học viên trong toàn học viện. Năm học này, một trong những nội dung được chúng tôi luôn quan tâm là nâng cao chất lượng các hoạt động khoa học, đưa công tác nghiên cứu khoa học đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo và góp phần phát triển khoa học hậu cần quân sự. Khoa tập trung xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học tập trung vào các lĩnh vực phục vụ trực tiếp nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của học viện và giải quyết những đòi hỏi bức thiết của thực tiễn đơn vị, trọng tâm như: Làm đề tài các cấp, hoàn thiện hệ thống giáo trình tài liệu, đẩy mạnh phát huy các sáng kiến cải tiến, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học. Chúng tôi đã xây dựng, định hướng kế hoạch nghiên cứu khoa học ngay từ đầu năm học theo phương châm “thiết thực, khả thi, kịp thời, hiệu quả”. Để xây dựng tiềm lực khoa học, khoa luôn chú trọng kêu gọi, thu hút đông đảo cán bộ giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu, đặc biệt là các giảng viên trẻ. Hiện nay, khoa có 8 nghiên cứu sinh, đây là nguồn lực tốt để xung kích vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh tập trung xây dựng tiềm lực khoa học, phải kết hợp bồi dưỡng giảng viên đầu ngành của từng bộ môn; chú trọng việc tự học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học của giảng viên; duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin khoa học, hội thảo khoa học cấp bộ môn và cấp khoa… PHẠM KIÊN (ghi)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng được với quá trình hội nhập quốc tế, theo tôi cần tập trung vào 3 giải pháp cốt lõi sau:

Thứ nhất, cần đổi mới cơ chế, chính sách tài chính trong giáo dục đại học. Đầu tư cho giáo dục từ 3 nguồn là đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp của người học, xã hội. Tuy nhiên, hiện nay việc phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học, đặc biệt cho những trường trọng điểm, những ngành mũi nhọn thực sự chưa tương xứng, vẫn mang tính bình quân, chưa gắn với chất lượng đào tạo nên không tạo động lực cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường đại học công lập. Cùng với đó, việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo, không đủ bù đắp chi thường xuyên cho các trường cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư, nâng cao chất lượng giảng dạy. Xã hội rất kỳ vọng chất lượng đào tạo, nhưng khi chúng ta không có sự đầu tư tương xứng thì khó có chất lượng như mong muốn. Chúng ta vẫn nói năng suất lao động của chúng ta thấp hơn so với các nước khác, nhưng so sánh về suất đầu tư trên một sinh viên ở nước ta so với các nước khác cũng thấp hơn nhiều.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn.

Do đó, Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục đại học, nhưng đầu tư không dàn trải, đầu tư theo cơ chế đầu tàu vào các trường, các ngành trọng điểm; đồng thời ưu tiên đầu tư cho cơ sở vật chất và công tác nghiên cứu, điều này sẽ tạo được sức bật của cả hệ thống. Chính sách học phí cần đổi mới. Tăng học phí nhưng kèm theo các biện pháp hỗ trợ những gia đình chính sách, gia đình khó khăn, đơn cử như việc tăng mức vay vốn ưu đãi cho sinh viên.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng chương trình đào tạo với triết lý đào tạo rộng và cốt lõi, tạo ra được một lực lượng lao động có khả năng hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Trong thời đại công nghệ thay đổi chóng mặt như hiện nay, mục tiêu của chúng ta không chỉ là đào tạo được những kỹ sư có những kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức chuyên môn tương đối hoàn chỉnh mà còn là những người có phương pháp làm việc khoa học; có khả năng tự nghiên cứu, ứng dụng và phát triển kiến thức nền tảng để giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo. Tức là, chúng ta đào tạo sinh viên để sau khi ra trường các em có thể đảm nhận được nhiều vị trí công việc khác nhau thuộc ngành được đào tạo và đơn vị sử dụng lao động chỉ cần đào tạo bổ sung, chứ không phải là đào tạo lại. Đây cũng là xu hướng đào tạo của các trường đại học uy tín trên thế giới và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đang chuyển động theo xu hướng này.

Thứ ba, các trường và các đơn vị sử dụng lao động cần thay đổi quan niệm về thực tập của sinh viên. Hiện nay các trường rất khó khăn trong việc liên hệ thực tập, đặc biệt các công ty nhà nước. Các đơn vị cần phối hợp với các trường để thiết kế lại chương trình thực tập cho sinh viên như một chương trình tập sự việc làm. Các doanh nghiệp hãy xắn tay cùng các trường, như vậy sinh viên có cơ hội thực hành ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, cũng như học được các kỹ năng làm việc trước khi tốt nghiệp; còn doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian đào tạo bổ sung khi có nhu cầu tuyển dụng-đây chính là cái lợi lâu dài dành cho các đơn vị sử dụng lao động.