Góp ý vào chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ tương lai

12:32 23/08/2015     1742

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ góp ý vào khung chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ do Học viện Thanh thiếu nhi (TTN) Việt Nam xây dựng nhằm hoàn chỉnh khung chương trình trong thời gian sớm nhất.
Sáng ngày 22/8, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Học viện TTN Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ. Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội thảo có nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Vũ Mão; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; đại diện Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, các Ban Trung ương Đoàn; Thành Đoàn Hà Nội, Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương và Trường Đoàn Lý Tự Trọng, TP Hồ Chí Minh.

d
Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Theo khung chương trình dự kiến được Học viện TTN Việt Nam giới thiệu tại Hội nghị sẽ có 5 nội dung, bao gồm: Kiến thức về đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội; Kiến thức lãnh đạo, quản lý; Những vấn đề về Đoàn, Hội, Đội; Thực tế chuyên môn; Thi và viết báo cáo thực tế. Ngoài ra, ban xây dựng khung chương trình dự kiến bổ sung kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý 7 nội dung, như: Xử lý điểm nóng; Kỹ năng phát ngôn, đấu tranh với dư luận; Xây dựng và quản lý chiến lược phát triển của đơn vị; Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, giai đoạn 2011 - 2020; ...

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khóa đạo tạo lãnh đạo trẻ có từ 80 đến 100 học viên, đối tượng chính sẽ là cán bộ Đoàn và sinh viên đã tốt nghiệp, từng tham gia hoạt động Đoàn, Hội có nguyện vọng tham gia khóa đào tạo. Qua sàng lọc sẽ chọn 20 đồng chí để tiếp tục bồi dưỡng và cử đi thực tế tại cơ sở, bảo vệ báo cáo sau quá trình đi thực tế tại cơ sở để chọn ra 05 - 10 đồng chí xuất sắc nhất. Các đồng chí xuất sắc là cán bộ Đoàn sẽ được xem xét để giới thiệu giữ các chức vụ của Đoàn; đối với sinh viên xuất sắc được xem xét vào làm việc tại các cơ quan của Đoàn.

Mở đầu cho các ý kiến góp ý vào khung chương trình dự kiến, TS Phạm Bá Khoa - Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ thuộc Trung ương Đoàn, nguyên giảng viên Học viện TTN Việt Nam cho rằng, ở nội dung thi nên có những cách thức khác nhau, như: thi viết 180 phút với nội dung kiến thức về đường lối chính sách; kiến thức lãnh đạo, quản lý và những vấn đề về Đoàn, Hội, Đội tổ chức thi vấn đáp và nội dung thực tế chuyên môn áp dung thi trắc nghiệm đi kèm thực hành.

Làm việc trong môi trường đào tạo cán bộ Đoàn, Hội, Đội, Phó Hiệu trưởng trường Đoàn Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) Hà Tài Sáu cho rằng, để lớp đào tạo khóa I có tính thực tiễn cao thì khung chương trình đào tạo cần có sự liên thông về trung cấp, cao cấp lý luận chính trị để các học viên đã học cao cấp có thể tham gia thảo luận thêm ở các nội dung. Về cơ cấu cần gom 274 tiết lại, như: gom phần kỹ năng; gom những vấn đề Đoàn, Hội, Đội còn tách khá nhiều; còn lại 2 phần thực tế chuyên môn và viết báo cáo được chia tách ra đã có sự hợp lý.

g
TS Phạm Bá Khoa trao đổi ý kiến với Hội nghị

t
Phó Hiệu trưởng trường Đoàn Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) Hà tài Sáu chia sẻ ý kiến với các đại biểu

Đồng chí Sáu đề nghị, chương trình đào tạo tăng cường thảo luận các nội dung về Đảng, biển, đảo; về kỹ năng nên bổ sung thêm kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tìm hiểu thanh niên; về công tác Đoàn, Hội, Đội, mỗi nội dung nên từ 10 - 15 tiết, có nội dung chỉ nên để 10 tiết, có nội dung 20 tiết sẽ phù hợp hơn. Đối với vấn đề thực tế chuyên môn nên tính đến đối tượng học viên để có sự điều chỉnh, các học viên nên có đề cương báo cáo trước khi đi cơ sở và được duyệt đề cương từ trước và bản báo cáo thực tế này phải được bảo vệ với lớp học trước khi hoàn thành chương trình đào tạo.

“Mong muốn kỹ năng thực tiễn cần được tăng cường nhiều hơn, vì những học viên này đang rất thiếu trong tổ chức các hoạt động tại cơ sở. Để khóa học diễn ra tốt, tài liệu học tập cần được gửi từ trước và được in ấn đẹp để cán bộ có sự cảm nhận và sử dụng hiệu quả tại cơ sở. Bên cạnh đó, cung cấp thêm kiến thức công tác quản lý tài chính của Đoàn cho học viên và nên là từ cấp huyện trở lên”, đồng chí Sáu nói.

Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Lê Thị Lan Hương nêu ý kiến nội dung hội nhập quốc tế còn ngắn, chỉ mang tính chất khái quát, giới thiệu, do đó cần được quan tâm sâu hơn ở nội dung này. Bên cạnh đó, về chiến lược phát triển thanh niên ở phần bổ sung, đây chỉ là một mảng nằm trong công tác quản lý Nhà nước về thanh niên, do vậy nên đưa nội dung chiến lược phát triển thanh niên này vào phần đầu của khung chương trình để có sự phù hợp hơn. 

Gắn bó nhiều năm làm người cán bộ Đoàn, Nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Vũ Mão bày tỏ mong muốn đào tạo cán bộ trẻ của Đoàn gắn với đào tạo cán bộ của Đảng, đề nghị có sự quan tâm, phối hợp đào tạo và cấp bằng của Đảng cho cán bộ Đoàn trong quá trình đào tạo.

f
Với những kinh nghiệm của người từng làm cán bộ Đoàn đã được Nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Vũ Mão góp ý vào chương trình đào tạo tại Hội nghị

Theo đồng chí Vũ Mão, mục tiêu của chương trình là hướng tới đào tạo “thủ lĩnh” thanh niên, do đó người thủ lĩnh phải có được những kiến thức về văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, văn hóa văn nghệ... để trở thành một thủ lĩnh có đạo đức trong sáng, có bản lĩnh, có trí tuệ, có nhiệt huyết với tuổi trẻ, với phong trào thanh niên.

Tham gia góp ý vào khung chương trình, đồng chí Vũ Mão nêu ở phần các kỹ năng của khung chương trình nên cần có kỹ năng của người cán bộ trẻ thuyết phục, trình bày ý kiến để được cấp trên chấp thuận. Đây là kỹ năng rất khó, đòi hỏi sự dũng cảm, tự tin và bản lĩnh của người cán bộ trẻ. Đồng thời, cần đào tạo các thủ lĩnh về kiến thức công nghệ thông tin, trước đó các học viên này nên được kiểm tra sử dụng công nghệ thông tin để có sự bồi dưỡng tiếp theo đảm bảo đạt được một tiêu chuẩn nhất định.

“Nên khai thác “chất xám” của những người đi trước, đã được trưởng thành từ môi trường của Đoàn, Hội để giành thời gian trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với những lãnh đạo trẻ trong tương lai”, đồng chí Vũ Mão nói.

Với những ý kiến trao đổi, chia sẻ và đề xuất vào dự kiến khung chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ tại Hội nghị sẽ là căn cứ để Học viện TTN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, có sự điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện khung chương trình đào tạo và báo cáo với Ban Bí thư BCH Trung ương Đoàn trước khi tổ chức lớp đào tạo lãnh đạo trẻ khóa đầu tiên trong thời gian tới, cũng như những năm tiếp theo.