Bồi đắp lý tưởng Cách mạng cho thế hệ trẻ

12:02 04/09/2015     543

Công tác giáo dục   Chăm lo con người phát triển toàn diện, nhất là chăm lo giáo dục, rèn luyện lực lượng thanh, thiếu niên và nhi đồng với tư cách là chủ nhân tương lai của nước nhà, luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của quốc gia dân tộc.
Với mong muốn có một thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống hào hùng của ông cha và có đủ khả năng làm chủ tương lai đất nước, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Có lẽ chưa thời nào mà thanh, thiếu niên được sống trong tâm thế tự tin, cởi mở với nhiều thời cơ, vận hội như thời nay. Tuổi trẻ có được thuận lợi may mắn đó, một phần do những thành quả cách mạng mà bao thế hệ ông cha ta đã gây dựng, bồi đắp nên; phần khác, do xã hội thông tin mang lại. Tuy nhiên, khi mạng xã hội bùng nổ và internet len lỏi vào mọi “ngóc ngách” của cuộc sống, cũng là lúc thanh, thiếu niên phải đối mặt với không ít sản phẩm thông tin, văn hóa lai căng, xấu độc và rất dễ bị “tiêm nhiễm” những thói hư, tật xấu, thậm chí bị sa ngã, tha hóa về nhân cách. Vì vậy, đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên là một trong những giải pháp quan trọng để thế hệ trẻ giữ vững được sứ mệnh cao cả của mình đối với vận mệnh dân tộc và tương lai đất nước.

Lý tưởng cách mạng, mới thoạt nghe có vẻ trừu tượng. Nhưng hiểu một cách giản dị nhất, đó là sống có mục đích, có niềm tin với những điều tốt đẹp ở tương lai. Lý tưởng của thanh, thiếu niên Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài mục tiêu mà đồng bào, chiến sĩ cả nước ta đang thực hiện là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sống có lý tưởng, niềm tin mới có cơ sở, động lực để phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện ngày càng tiến bộ, trưởng thành và cống hiến cho quê hương, đất nước. Đứng trước “ngưỡng cửa” cuộc đời, bạn trẻ nào có lý tưởng, lẽ sống cao đẹp, người đó có “ngọn đuốc soi đường” đi tới tương lai. Ngược lại, nếu ai không biết chọn cho mình một cái đích để đi, một cái nơi để đến, người đó khó có thể đi trên đường đời trơn tru, bằng phẳng, nếu không muốn nói là sẽ gặp gập ghềnh, chông gai.

Nhận thức là như vậy. Điều quan tâm nhất hiện nay là tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên các cấp cần tạo ra những hình thức, nội dung sinh hoạt, học tập và sân chơi như thế nào để thông qua đó, vừa lồng ghép hoạt động giáo dục truyền thống, bồi đắp lý tưởng, niềm tin tốt đẹp, vừa hình thành phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh, thiếu niên? Ví như mới đây, trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức sự kiện Điểm hẹn Thanh niên Thủ đô “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, huy động 12.000 bạn trẻ tham gia xếp thành 4 khối hình lớn: Bản đồ Việt Nam, cờ Tổ quốc, cờ Đảng và biểu tượng Hà Nội. Trung ương Đoàn cũng vừa phát động cuộc thi “Dưới bóng cờ Tổ quốc” nhằm động viên, khuyến khích các bạn trẻ có những hình ảnh, video ghi lại các hoạt động giàu ý nghĩa bên lá cờ Tổ quốc thân yêu. Các hoạt động đó đều hướng tới mục đích là giáo dục truyền thống, bồi đắp lý tưởng cách mạng phù hợp với tâm lý, sở thích giới trẻ.

Việc giáo dục lý tưởng, niềm tin, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không phải ngày một ngày hai là xong, mà hoạt động này cần phải làm thường xuyên, bền bỉ với những hình thức, nội dung, cách làm sáng tạo, hấp dẫn mới có thể lôi cuốn được đông đảo thanh niên tham gia tự nguyện, nhiệt tình. Điều đó đòi hỏi cơ quan chức năng và tổ chức đoàn, hội, đội phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thích ứng với tình hình mới cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng và yêu cầu ngày càng cao của thanh, thiếu niên.