Thị trường lao động trong vòng luẩn quẩn

14:59 23/02/2012     1966

Xây dựng Đoàn   Bộc lộ nhiều nhược điểm, mâu thuẫn, rơi vào vòng luẩn quẩn… đó là những nhận xét mà các chuyên gia việc làm nói về thị trường lao động Việt Nam hiện nay.
a
Đào tạo công nhân có tay nghề kỹ thuật là việc làm cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Những mâu thuẫn giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đều có nguyên nhân từ hai phía. Đối với doanh nghiệp, trong các yếu tố tạo nên tranh chấp lao động thì tiền lương thấp là nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra, việc DN trốn đóng BHXH cũng gây cho NLĐ bức xúc.

Mâu thuẫn có thể kể ra là tình trạng mất cân đối giữa cung - cầu lao động; năng suất lao động thấp dẫn đến đồng lương của NLĐ không đủ tái tạo sức lao động… với cái vòng luẩn quẩn: chất lượng lao động thấp - năng suất lao động thấp - lương thấp, dẫn đến đói nghèo...

Kết quả nghiên cứu mới đây về "Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam" tại 1.000 DN với 9 ngành nghề ở 6 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, cứ hai DN được hỏi thì một DN lại cho rằng lực lượng lao động ở đây chưa tốt và 1/3 số người sử dụng lao động cho rằng họ không tìm được lao động có kỹ năng. Các DN tham gia điều tra xếp chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực. Sự thiếu hụt kỹ năng của công nhân cũng như cấp quản lý trong một số ngành nghề đang trở nên phổ biến. Vì vậy, trong khoảng 3-5 năm tới, chúng ta cần hướng tới đào tạo công nhân có tay nghề, kỹ thuật chứ không chỉ dừng lại ở công nhân giá rẻ, chi phí thấp như hiện nay.

Thị trường lao động Việt Nam đang thừa thầy thiếu thợ. Khi các trường nghề ra sức phát tờ rơi, quảng bá để thu hút học sinh nhưng vẫn ít người học, còn các tân cử nhân đại học lại tiếp tục đi học nghề để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Gần đây, tại TP Hồ Chí Minh, số sinh viên tốt nghiệp ĐH tiếp tục theo học nghề ở trường trung cấp ngày càng nhiều do nhận thấy bản thân còn thiếu kỹ năng thực hành hoặc chuyên ngành đã học không đáp ứng được yêu cầu công việc của DN.

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, bình quân mỗi DN thiếu khoảng 6 - 7 công nhân kỹ thuật bậc cao, công nhân lành nghề. Như vậy, 240.000 DN của cả nước đang cần khoảng từ 1,4 - 1,7 triệu lao động đã được đào tạo nghề. Phần lớn các DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, số DN sử dụng trên 500 lao động chỉ chiếm 6% (DN sử dụng dưới 50 lao động chiếm trên 50%). Công nghệ, máy móc sử dụng trong các DN vừa và nhỏ còn lạc hậu, việc bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho NLĐ tại các DN chủ yếu qua hình thức truyền nghề trực tiếp, số lượng lao động đã qua đào tạo tại các trường chiếm tỷ lệ ít.

Ở các DN năng động luôn đổi mới công nghệ, tổ chức lại sản xuất thì yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Và đây là một áp lực rất lớn đối với công tác đào tạo nghề trong những năm tới. Do đó, trường nghề phải "đón ý" DN để đào tạo nghề sát với thực tế. Ngược lại, phía DN cần có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo theo nghề. Các trường mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đặt hàng đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với DN. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các DN thành lập cơ sở dạy nghề.