Cô tiến sĩ trẻ mê “màng mỏng”

15:13 17/11/2012     1644

Xây dựng Đoàn   Tuổi trẻ phải “gieo” sự nỗ lực, lòng kiên nhẫn và quyết tâm mới mong sau này được “gặt” những kết quả tốt. Chủ nhân Quả cầu vàng năm 2012 - Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh Thu, khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM tâm sự như thế về triết lý sống của mình. Đặc biệt, trong công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), cách sống, cách nghĩ đó của cô càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.
a
Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh Thu hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tạo màng lọc trên máy.
>> Vai trò của Tài năng trẻ trong phát triển KHCN Việt Nam

Bước chuyển bất ngờ


Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh Thu hiện vừa là giảng viên lớp cao học của khoa Vật lý, vừa là nghiên cứu viên Phòng Vật lý chân không của trường. Bên cạnh công tác giảng dạy, cô dành phần lớn thời gian cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là nghiên cứu và chế tạo công nghệ màng mỏng có khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời. Điển hình, công trình “Nghiên cứu chế tạo màng quang xúc tác TiO2 và TiO2:N, cho ứng dụng làm sạch vi khuẩn trong nước và chống đọng nước bề mặt” của cô được đánh giá cao. Công trình đoạt giải nhì giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2010 và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011. Đó được xem như thành quả mở đầu cho công nghệ làm sạch nước bằng vật liệu màng mỏng. Công trình nghiên cứu đã tạo ra màng lọc có khả năng hấp thụ được ánh sáng mặt trời khá tốt, giúp tăng khả năng tiêu diệt vi khuẩn Ecoli và phân hủy các chất hữu cơ.

Những thành công đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho thời gian dài gắn mình với phòng thí nghiệm và cũng chứng minh quyết định chuyển ngành học của cô chưa bao giờ là sai. “Tôi khởi đầu những năm tháng đại học với ngành toán - tin, bởi tôi mê giảng dạy. Nhưng sau những giờ học Vật lý của GS Mai Chí Thọ, tôi đã dành hết thời gian cho việc “tráng” màng lọc. Không hiểu sao tôi lại mê nó đến vậy”, TS Thu nhớ lại. Để rồi, từ quyết định chuyển ngành bất ngờ đó, cô đã mang về thành công cho bản thân bằng giải nhì giải thưởng Sinh viên NCKH (Eureka) cấp bộ 2 năm sau đó với đề tài nghiên cứu chế tạo màng nhôm (ứng dụng trong công nghệ chế tạo bao bì chất lượng cao). Bên cạnh đó là hàng loạt các giải thưởng nghiên cứu khoa học các cấp.

Làm khoa học, phải có đam mê

Với người trẻ, chỉ có làm việc hết mình, quyết liệt phấn đấu cho chuyên môn mới mong tìm kiếm được thành công. TS Vũ Thị Hạnh Thu cũng không phải ngoại lệ. Gần 2 năm sau khi lấy học vị tiến sĩ, cô dành hết thời gian cho giảng dạy. Cô tâm sự rằng, gần như ngày nào cũng đi theo một lộ trình sắp sẵn. “Nhưng dần dà rồi cũng chán. Đôi khi mình thèm cái cảm giác được ngồi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hàng giờ liền, thích được tận tay “tráng” màng lọc và muốn “nhấm nháp” từng chút cái cảm xúc lâng lâng khó tả khi nghiên cứu thành công một vấn đề nào đó… và rồi mình đã quay trở lại đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu”, TS Thu chia sẻ. Hiện tại, cô dành nhiều công sức cho việc ứng dụng công trình nghiên cứu đoạt giải VIFOTEC để chế tạo màng lọc vi khuẩn trong không khí. Với mong muốn sẽ cho ra đời sản phẩm có thể thay thế màng lọc nhập ngoại hiện nay trên thị trường.

Một chút băn khoăn nếu có của TS Hạnh Thu không nằm ngoài tư tưởng sống của trí thức trẻ hiện nay. Cô tâm sự: “Qua tiếp xúc với các đồng nghiệp cùng trang lứa, biết được họ đang sống rất dư dả nhờ giảng dạy hơn là nghiên cứu. Thử nghĩ, nếu cứ thế thì đến một lúc nào đó, người dạy sẽ nhiều hơn cả người nghiên cứu”. Tuy nhiên, sau chuyến giao lưu tại Hà Nội cách đây không lâu, trò chuyện với các nhà khoa học trẻ, cô nhận ra rằng lý tưởng sống của mình không hề đơn độc. Một người trẻ cần khẳng định mình bằng chính chuyên môn, phải đạt đỉnh chuyên môn mới dám nghĩ đến hướng rẽ cho sự nghiệp. Nghĩa là phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu quyết liệt cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của bản thân.

Có lẽ vì nguyên nhân đó mà dù đã lập gia đình, TS Hạnh Thu vẫn chưa từ bỏ niềm đam mê “màng mỏng” của mình. “Mong ước của tôi là sẽ trở thành một trong những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu và chế tạo vật liệu quang để làm sạch môi trường và ứng dụng cho pin mặt trời. Hy vọng công nghệ “màng mỏng” Việt Nam rồi sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, TS Vũ Thị Hạnh Thu cho biết thêm.