Tình nguyện “cõng luật về với vùng bản”

08:20 06/04/2020     2363

Thanh niên tình nguyện   Web.ĐTN: Với tên gọi gần gũi “Hành trình cõng luật về với vùng bản”, những ĐVTN tình nguyện của Chi đoàn Sở Tư pháp Quảng Trị đang nỗ lực để đưa những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nơi còn ảnh hưởng nhiều phong tục, tập quán lạc hậu.

Đã bao giờ bạn tự hỏi “Tình nguyện là gì hay chưa?”. Tôi tin chắc rằng, mỗi một chúng ta khi trải qua đều ghi dấu những cảm xúc riêng có trong mỗi hành trình tình nguyện ấy. Với tôi, “Tình nguyện là những việc làm có ích cho mọi người, cho cộng đồng và toàn xã hội dựa trên tinh thần tự nguyện”.

Trong chuỗi hoạt động tình nguyện của Chi đoàn Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị, nổi bật là hoạt động“Trợ giúp pháp lý miễn phí về với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa” trên địa bàn tỉnh hay còn được chúng tôi gọi bằng cụm từ gần gũi “hành trình cõng luật về với vùng bản” là một trong những hoạt động diễn ra thường xuyên và sôi nổi của Chi đoàn Sở Tư pháp. Mỗi lần đến với bà còn vùng bản trong tôi lại lâng lâng nhiều cảm xúc khó tả, cảm nhận niềm vui được lan tỏa, trao đi sự yêu thương và những việc làm có ích.

Nhiệt huyết “Cõng luật về với vùng bản”

Sáng sớm tinh mơ, trên những chuyến xe về với các bản làng, trời mưa lất phất hòa quyện không khí của núi rừng miền tây Quảng Trị khác hẳn so với miền xuôi, không gian được phủ một lớp sương mù nhẹ khiến người ta mang một cảm giác thật dễ chịu. Chúng tôi, những đoàn viên mang trên mình màu áo xanh tình nguyện, nhanh chóng men theo những triền núi, đi qua những con đường cheo leo, len lỏi vào các thôn, bản làng vùng cao của các xã miền sơn cước: xã A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Rụt, A Dơi,  … của huyện Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

 

Màu áo xanh tình nguyện trên “hành trình cõng luật về với vùng bản”

 

Những bước chân khẩn trương của các đoàn viên là những tình nguyện viên là những luật sư, trợ giúp viên pháp lý, công chứng viên, cử nhân luật… mang trong mình sự nhiệt huyết, niềm khát khao cống hiến, góp sức trẻ, sự năng động, sáng tạo cùng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để đưa những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nơi còn ảnh hưởng nhiều phong tục, tập quán lạc hậu.

Như thường lệ, hoạt động tình nguyện của chúng tôi được đông đảo người dân hưởng ứng. Bà con đến đây từ rất sớm, hiện diện trên khuôn mặt ấy là sự niềm nở, tươi cười và những lời hỏi thăm, động viên, quan tâm, ân cần,Bà con ai nấy cũng vui, biết mấy anh chị lên đây bà con đã sắp xếp thời gian lên nương rẫy để lắng nghe, hỏi han- chị Đỗ Hoàng Hạnh Nhi, công chức Tư pháp- Hộ tịch xã Lìa, huyện Hướng Hóa chia sẻ. Trong không gian sinh hoạt của nhà văn hóa thôn bản rất đơn sơ, mộc mạc, gần gũi và ấm áp, những ánh mắt, chăm chú, háo hức lắng nghe một cách say sưa của bà con dường như tiếp thêm lửa để chúng tôi làm việc hăng say và hiệu quả hơn.

Ông Hồ Văn Hạnh Chủ tịch UBND xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: “Chúng tôi rất cảm kích trước những việc làm thiết thực của Chi đoàn Sở Tư pháp. Giờ đây, ngoài thời gian lên nương rẫy, bà con có cơ hội tiếp cận pháp luật, được giải đáp những vướng mắc về pháp luật, những đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân được giải quyết, bà con ai nấy đều phấn khởi”.

 

Quang cảnh một buổi tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số

 

Mỗi đợt trợ giúp pháp lý miễn phí Chi đoàn Sở hỗ trợ trung bình 50 người dân/đợt, góp phần phổ biến, tuyên truyền pháp luật trên một số lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của công dân, đặc biệt là các chế độ ưu đãi liên quan đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em…., giải đáp những thắc mắc về chính sách pháp luật mà người dân đang gặp phải. Ngoài ra, đoàn viên Chi đoàn đã tiếp nhận nhiều đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của bà con (trung bình 8 đơn yêu cầu/đợt).

Qua đó, giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giảm thiểu những ứng xử tự phát không đúng pháp luật như nạn bạo hành trẻ em, bạo lực học đường, các vụ án liên quan đến trẻ em, tội phạm là trẻ em …; nâng cao trình độ và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Hãy cho đi yêu thương để nhận lại sự yêu thương

Mỗi lần tham gia hoạt động tình nguyện trợ giúp pháp lý về với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, trong tôi bỗng trào dâng lên một cảm xúc thật khó diễn tả bằng lời, một niềm tự hào xen lẫn hạnh phúc. Có ai đó đã từng nói rằng: “Hãy biết cho đi yêu thương để nhận lại sự yêu thương”. Sau mỗi chuyến tình nguyện, chúng tôi lại cảm nhận rõ hơn câu nói ấy, đó là sự trải nghiệm, là niềm vui, niềm hạnh phúc và những nụ cười khi đưa những chính sách pháp luật về với đồng bào, cùng nhau chung sức xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân ngày càng vững mạnh. Mãi trong tôi, những dòng cảm xúc vẫn còn đọng lại và tôi thực sự cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn rất nhiều, những ấn tượng khó phai nơi vùng núi miền tây tỉnh Quảng Trị, nơi khoác lên mình màu xanh đại ngàn.

 

Đoàn viên phát tờ rơi, tờ gấp để bà con tiếp cận pháp luật

 

Ở đó, chúng tôi đã làm những việc tuy nhỏ nhưng có ích cho cộng đồng và tôi tin, tinh thần tình nguyện của màu áo xanh tình nguyện hy vọng sẽ lan tỏa khắp núi rừng, truyền thêm sức sống để bản làng vươn mình trỗi dậy, đâu đây vẫn còn vang vọng trong tôi những giai điệu tự hào của tuổi trẻ qua lời bài hát “Thanh niên Việt Nam tiến bước” của tác giả Nguyễn Văn Luân, thật triết lý, sâu sắc và thấm thía làm sao, nó như chắp cánh đưa chúng tôi tiếp nối chặng hành trình trên những nẻo đường phía trước:

“Tuổi trẻ ơi tay nắm tay cùng nhau đi tới
Tâm trí, sáng trong lòng mang bao khát vọng
Là thanh niên ngại chi gian khó trên đời
Cháy mãi trong tim tình yêu Tổ quốc sáng ngời”.

 

Lê Huyền - Chi đoàn Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị