Phát huy truyền thống Anh hùng, xung kích và sáng tạo của lực lượng TNXP Việt Nam

20:19 15/07/2011     361

Công tác giáo dục   Kể từ ngày thành lập (15-7-1950) đến nay, lực lượng TNXP đã trải qua 61 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành.
Gần 50 vạn lượt cán bộ, đội viên của bốn thế hệ TNXP chống Pháp, chống Mỹ, khôi phục hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng kinh tế - xã hội, đã kế tiếp nhau giương cao cờ xung phong tình nguyện, có mặt ở những nơi khó khăn nhất để chiến đấu, phục vụ chiến đấu, công tác, lao động, học tập, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Ðảng, Bác Hồ, Chính phủ và Ðoàn thanh niên tin cậy giao phó. Lực lượng TNXP Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng CNXH, CNH, HÐH đất nước, lực lượng TNXP tiếp tục xây dựng những mô hình hoạt động có hiệu quả trong các phong trào Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước, Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc và Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Hàng vạn thanh niên gia nhập lực lượng TNXP, tình nguyện đến những vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, để thực hiện các chương trình, dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.


Các TNXP Làng thanh niên lập nghiệp biên giới Tây Sơn (Hà Tĩnh) thu hoạch chè. 

Tại những địa bàn khó khăn, gian khổ, phát huy truyền thống của mình,  với chức năng là tập hợp thanh niên để tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho đất nước, lực lượng TNXP đã và đang xung kích sát cánh cùng đồng bào các địa phương sắp xếp, ổn định dân cư gắn với việc giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên và các đối tượng khác. Bên cạnh đó, lực lượng TNXP tích cực tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn đang đặt ra,  góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng. Có thể kể đến những công trình, những địa chỉ mới của thế hệ TNXP ngày nay ở trên khắp mọi miền đất nước. Ðó là những Cung đường Hồ Chí Minh, những Làng Thanh niên lập nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, biên giới và xã đặc biệt khó khăn; Ðảo Thanh niên Bạch Long Vỹ, Ðảo Thanh niên Cồn Cỏ; Chương trình xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng cầu nông thôn ở khu vực phía bắc, miền trung, Tây Nguyên; xây dựng các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai; các Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế xây dựng các khu kinh tế  gắn với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Hiện nay, 22 tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức lực lượng TNXP với 107 đơn vị trực thuộc lực lượng TNXP Trung ương và lực lượng TNXP tỉnh, thành phố, thành đoàn. Trong đó, có 26 tổng đội, 11 trường, trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm, 22 doanh nghiệp; 48 ban quản lý dự án trực thuộc tỉnh, thành đoàn tham gia các dự án TNXP do T.Ư đầu tư. Mô hình Tổng đội TNXP, Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm, Doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích và các Ðội TNXP tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đang hoạt động có hiệu quả và được chính quyền các địa phương quan tâm, đầu tư phát triển. Các đơn vị TNXP đang quản lý 95.000 ha đất, trong đó 25.000 ha rừng phòng hộ; 45.000 ha rừng sản xuất; đã hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa  như: cao-su, cà-phê, chè công nghiệp, cây ăn quả với diện tích 15.000 ha. Các dự án lập nghiệp, xóa đói giảm nghèo, khai hoang đất trống, đồi núi trọc đã thu hút được 6.000 hộ gia đình trẻ đến lập nghiệp, phát triển các loại hình sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Doanh thu hằng năm của các đơn vị TNXP đạt 12.000 tỷ đồng;  giải quyết việc làm thường xuyên cho 15.000 lao động. Hằng năm, cai nghiện ma túy cho hàng nghìn thanh niên và giải quyết việc làm sau cai...

TNXP Việt Nam luôn nỗ lực khẳng định là lực lượng xung kích, thực hiện những nhiệm vụ khó khăn của địa phương, xây dựng những mô hình phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả, được các bộ, ngành và địa phương đánh giá cao, góp phần khẳng định vai trò của Ðoàn thanh niên tham gia thực hiện các mục tiêu quốc gia.

Ngày 30-1-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2011/NÐ-CP về tổ chức và chính sách đối với TNXP, trong đó quy định cụ thể năm nhóm nhiệm vụ của lực lượng này. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng TNXP hiện nay là tham gia chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân sản xuất và đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên. Ðây là nền tảng quan trọng để lực lượng TNXP tiếp tục phát huy khả năng của mình, tranh thủ các nguồn lực, vượt khó vươn lên làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng các công trình, dự án.