Ba chàng trai giàu nghị lực

15:40 13/06/2011     2653

Công tác giáo dục   Ba bạn học sinh trường nghề dưới đây có chung hoàn cảnh là nghèo. Một điểm chung khác: các bạn quyết học giỏi nghề không chỉ để kiếm sống, không lo bị đói mà còn để sống có ích, trở thành thợ giỏi.
Ba bạn học sinh trường nghề dưới đây có chung hoàn cảnh là nghèo. Một điểm chung khác: các bạn quyết học giỏi nghề không chỉ để kiếm sống, không lo bị đói mà còn để sống có ích, trở thành thợ giỏi.

Nguyễn Thanh Duy (trái) cùng cha sửa lại căn nhà tuềnh toàng -  Ảnh: T.Xuân

* Nguyễn Thanh Duy
(ấp Thới Hiệp A, thị trấn Thới Lai, TP Cần Thơ):

Học nghề để tiến thân

Học xong lớp 9, cậu học trò Nguyễn Thanh Duy xin cha đăng ký học nghề điện công nghiệp tại Trường trung cấp nghề Thới Lai gần nhà, để giảm gánh nặng cho gia đình và mau ra trường kiếm việc làm.

Nhà của Duy là một cái chòi lá nhỏ, bốn bề xác xơ. Tài sản trong nhà không có gì đáng giá, kể cả chiếc giường cũ mục vừa là bàn học vừa là chỗ ngả lưng của hai cha con. Ấy thế mà ông Nguyễn Văn Son, cha Duy, bảo: “Vậy là tốt lắm rồi. Trước đây gần 10 năm hai cha con tui ở trong căn nhà như cái chòi vịt”.

Ông Son bảo: “Tài sản lớn nhất của tui là thằng Duy. Tội nghiệp, nó thiệt thòi đủ thứ, không có điều kiện đi học lên cao nên theo học nghề để tiến thân”. Còn Duy thì bảo khó khăn mấy cũng sẽ học nghề đến nơi đến chốn để ra trường xin vào làm tại Khu công nghiệp Trà Nóc, kiếm tiền sửa lại căn nhà, mua cho cha chiếc xe đạp.

Duy tự tin: “Mình thấy nhiều người rất thành công khi bước ra từ trường nghề nên lấy đó làm động lực để vượt khó. Quan trọng là mình chọn được một nghề đúng đắn, hợp sở thích và quyết tâm đeo đuổi tới nơi tới chốn”.

* Đặng Chí Linh
(xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang):

Từ công nhân bước vào trường nghề

Nhà nằm ở tận đê bao ngoài rừng U Minh Thượng, có ít đất sản xuất nhưng bị nhiễm phèn nặng phải bỏ hoang, nên gần hai năm nay cha Linh phải rời xứ lên tận Long An làm thuê cho một trang trại nuôi gia cầm, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng. Mẹ Linh thì quanh năm tảo tần bán vé số.

Học xong cấp II, thấy nhà quá khổ Linh bỏ dở việc học lên Bình Dương xin làm công nhân. “Lúc đầu thấy mình nhỏ tuổi nên không ai dám nhận. Năn nỉ mãi mới được một doanh nghiệp chế biến gỗ thương tình cho vào làm”, Linh kể. Công việc nặng nhọc, giờ giấc làm việc thay đổi liên tục và do phải nhịn ăn thường xuyên nên Linh bị kiệt sức, ngã bệnh rồi mang trong người chứng đau dạ dày, viêm đa khớp khi mới 16 tuổi.

Đặng Chí Linh (trái) thực hành sửa chữa ôtô  - Ảnh: T.Xuân

Bước chân vào trường đời từ rất sớm, Linh ý thức tay trắng khó làm nên sự nghiệp mà phải có nghề trong tay mới dễ tìm việc ổn định. Nghĩ vậy nên Linh trở về quê, đăng ký học nghề sửa chữa ôtô - máy nổ tại Trường CĐ Nghề Kiên Giang.

Nói về nghề mình đang theo đuổi, chàng lớp phó học tập của lớp bảo chọn nghề là do đam mê chứ không chạy theo phong trào. “Trước mắt mình học cho tốt đã, sau khi ra trường sẽ tiếp tục học hỏi, nghiên cứu để nâng cao trình độ tay nghề và quyết trở thành một thợ giỏi”, Linh quả quyết.

* Danh Ốp
(ấp An Thọ, xã Định An, huyện Gò Quao, Kiên Giang):

Giúp mình và giúp bà con

Đã 28 tuổi nhưng Danh Ốp mới học năm 2 lớp chăn nuôi thú y K7 Trường CĐ Nghề Kiên Giang. Xuất thân là con nhà nghèo nên từ nhỏ Danh Ốp nửa buổi đi học, nửa buổi đi chăn trâu mướn quần quật suốt năm năm liền để mỗi năm được trả công 30 giạ lúa.

Danh Ốp nghiên cứu tại phòng thí nghiệm -  Ảnh: T.Xuân

Đến khi thôi giữ trâu mướn, Ốp chuyển sang nghề giặm lúa thuê, cắt lúa mướn rồi “đóng đinh” luôn với cái nghề khiêng gạch, phụ hồ khi còn là học sinh. Lên lớp 11 thì cha mất, Ốp phải bỏ học đi làm thợ hồ ròng rã mấy năm trời. Không chấp nhận làm cái nghề bấp bênh này mãi, Danh Ốp xin mẹ đăng ký học ngành chăn nuôi thú y tại Trường CĐ Nghề Kiên Giang.

Ốp nói: “Mình là con nhà nông. Thấy bà con dưới quê còn lam lũ, thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm sản xuất, ít khi được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên mình quyết định học nghề địa phương cần để khi ra trường về quê nhà giúp bà con phát triển nghề trồng lúa, trồng mía, nuôi heo, nuôi cá”.

Hiện tại Ốp vừa học vừa làm phụ hồ kiếm tiền trang trải việc học. Nói về việc vừa học vừa làm của mình, Ốp vui vẻ: “Bây giờ chịu cực được thì sau này gặp sóng gió không lo bị ngã mà lại vững vàng hơn”.

720 triệu đồng cho “Nhất nghệ tinh”

Năm 2011, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trao học bổng cho 170 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học trường nghề. Tổng kinh phí chương trình trên 720 triệu đồng (4 triệu đồng/học bổng và quà tặng) trích từ giải golf “Gây quỹ tiếp sức đến trường” (do Công ty CP Phân bón Bình Điền và báo Tuổi Trẻ tổ chức). Buổi trao học bổng lần này diễn ra ngày 11-5 tại Kiên Giang.

Đây cũng là chương trình góp phần đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ thợ lành nghề phù hợp với khu vực ĐBSCL. Đồng thời đưa ra thông điệp “vào đại học không phải là con đường duy nhất, học nghề cũng là ngả dẫn về tương lai”.