Khung chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn sẽ phù hợp với các đối tượng đào tạo

15:27 14/07/2015     2826

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ Đoàn, sáng ngày 14/7, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Học viện TTN Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng khung chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn.
Chủ trì điều hành Hội nghị có các đồng chí Đặng Quốc Toàn - Bí thư BCH Trung ương Đoàn; TS Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Học viện TTN Việt Nam và PGS.TS Vũ Hồng Tiến - Phó Giám đốc Học viện TTN Việt Nam. 

Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia, nhà nghiên cứu về công tác Đoàn và phong trào TTN; đại diện Bộ Nội vụ, Thành Đoàn Hà Nội, Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh, Trung tâm bồi dưỡng cán bộ TTN tỉnh Thanh Hóa; các Bí thư Đoàn cơ sở, Đoàn trong doanh nghiệp và lãnh đạo các Khoa của Học viện TTN Việt Nam.

tg
TS Nguyễn Hải Đăng - Giám đốc Học viện TTN Việt Nam báo cáo đề dẫn Hội thảo

Theo báo cáo đề dẫn, thực hiện Quyết định số 2264/QĐ-TTg ngày 14/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn giai đoạn 2015 - 2020”, Trung ương Đoàn đã xây dựng dự thảo khung chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội với 8 khung chương trình bồi dưỡng, như: Khung chương trình bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ kỹ năng cơ bản Đoàn, Hội, Đội; Khung chương trình bồi dưỡng chức danh Bí thư Đoàn cơ sở; Khung chương trình bồi dưỡng Bí thư Đoàn cấp huyện; ...

Theo đó, chương trình được xây dựng trên nguyên tắc: trước khi bồi dưỡng theo chức danh hoặc mảng nghiệp vụ công tác thì cán bộ Đoàn chuyên trách cần được bồi dưỡng nội dung chương trình bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng, sát với thực tiễn tiễn.

Mỗi khung chương trình gồm có 3 phần cơ bản: lý luận, nghiệp vụ - kỹ năng và kiến thức cập nhật bổ trợ. Tùy theo từng chức danh, nghiệp vụ cán bộ cần bồi dưỡng, tỷ lệ các phần có thể điều chỉnh mức độ nhất định một cách phù hợp.

Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ TTN tỉnh Thanh Hóa cho rằng, về khung chương trình công tác đã được Học viện TTN Việt Nam chuẩn bị là rất khoa học công phu, cơ bản phù hợp với công tác Đoàn và phong trào TTN hiện nay. Với 8 khung chương trình, trong đó có 2 khung 260 tiết dành cho cán bộ Đoàn cơ sở và đối tượng cấp tỉnh và Trung ương; ... cơ bản Bí thư Đoàn cơ sở được tập huấn hàng năm, các đối tượng bí thư cấp ủy cơ sở cần quan tâm do đó cần bồi dưỡng các đối tượng này trong 260 tiết.

Thiếu 02 khung chương trình dành cho cán bộ Đoàn trong doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp có vốn FDI và doanh nghiệp trong các cơ quan Nhà nước .. đa số các cán bộ Đoàn này còn thiếu về kỹ năng và nghiệp vụ. Bên cạnh đó, nên xem xét xây dựng khung chương trình cho cán bộ Đoàn của khối lực lượng vũ trang.

f
Đ/c  An Thanh Thảo - Bí thư Đoàn phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội

f
Đ/c Nguyễn Ngọc Đức - phường Tân Lập, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên trao đổi tại Hội thảo

Là một cán bộ Đoàn phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội, đồng chí An Thanh Thảo nêu ý kiến lý thuyết trong các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nên ít hơn, cần tập trung trao đổi những vấn đề thực tế đang gặp phải, giới thiệu những mô hình hay nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động cơ sở hiện nay đang cần. 

“Về tập huấn công tác Đoàn cán bộ cơ sở chúng tôi cần được tập huấn nhiều hơn về công tác đoàn vụ, vì thực tế đôi khi chúng tôi rất lúng túng khi xử lý những tình huống”, Thanh Thảo đề xuất. 

Cùng có ý kiến với Thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Đức - phường Tân Lập, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên trao đổi, chương trình 260 tiết cần được trang bị cho cán bộ Đoàn cơ sở những kỹ năng cần thiết để thu hút tập hợp thanh niên, với những nội dung tuyên giáo, kiểm tra ... thì thời gian trao đổi cần vừa phải. Tuy nhiên, cán bộ Đoàn cơ sở cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn về sinh hoạt hai chiều hiện nay đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực tiễn ở cơ sở.

Với nhiều năm gắn bó với tổ chức Đoàn, TS Lê Văn Cầu - Tổng biên tập Tạp chí Thanh niên cho rằng, về cơ bản tạo dựng khung chương trình bồi dưỡng như vậy là cần thiết, để bồi dưỡng đào tạo cán bộ Đoàn cơ sở thì sẽ có các đối tượng cụ thể khác nhau, nội dung sẽ cũng khác nhau, cho nên tùy đối tượng cụ thể để vận dụng phù hợp. Chương trình bồi dưỡng nên có cả lý thuyết và thực hành.

Theo ý kiến của TS Phạm Bá Khoa - Giám đốc Bảo tàng tuổi trẻ Việt Nam chia sẻ, cần bổ sung 4 nội dung của khung chương trình bồi dưỡng, đó là: mảng công tác chỉ đạo cán bộ Đoàn ở khung 260 tiết; cần có bài giảng riêng về hệ thống chính trị và xác đinh vị trí của tổ chức Đoàn; sinh hoạt Đoàn hai chiều cần làm rõ để đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở vận dụng phù hợp; mảng quốc tế của Đoàn cần được trao đổi để làm rõ vai trò của Đoàn trong sự hội nhập quốc tế là rất cần thiết.

5
Đ/c Đặng Quốc Toàn - Bí thư BCH Trung ương Đoàn phát biểu tại Hội thảo

Bàn về nội dung bồi dưỡng, TS Nguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng Ban ĐKTH Thanh niên Trung ương Đoàn nêu ý kiến cần bổ sung thêm nội dung đào tạo các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, thành viên Hội tri thức trẻ, thầy thuốc trẻ ... và trang bị một số kỹ năng cần thiết cho cán bộ làm công tác Hội LHTN Việt Nam. 

Về hình thức thi, TS Cường đề xuất nên bỏ việc thi, thay vào đó là ngay từ đầu khóa đào tạo hãy giao cho mỗi học viên nghiên cứu một dự án để giải quyết vấn đề thực tế đang xảy ra cần được giải quyết và trong công tác đào tạo cần có giảng viên là thành viên Thường trực Hội LHTN Việt Nam tham gia.

Trên cơ sở các ý kiến trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo, Bí thư BCH Đặng Quốc Toàn mong muốn Học viện TTN Việt Nam sẽ tiếp thu các ý kiến để bổ sung vào khung chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn; đồng thời phối hợp với các Ban của Trung ương Đoàn để hoàn thiện và báo cáo với Ban Bí thư BCH Trung ương Đoàn để sau khi thống nhất và được phê duyệt sẽ sớm ban hành khung chương trình bồi dưỡng cán bộ Đoàn nhằm thực hiện trên phạm vi cả nước.