Vai trò của Tài năng trẻ trong phát triển KHCN Việt Nam

17:22 10/11/2012     2791

3 Phong trào   Web.ĐTN: Đây là một trong 3 chủ đề được các đại biểu thảo luận trong chương trình “Gặp gỡ toàn quốc tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam” do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ khoa học và Công nghệ tổ chức được diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 9/11.
Chủ trì buổi thảo luận có đồng chí Nguyễn Văn Lạng - Thứ trưởng Bộ KHCN; GS.TS Mai Trọng Nhuận – Đại học quốc gia Hà Nội; TS Vũ Thanh Mai - Ủy viên BTV, Trưởng Ban TN trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.

x
Quang cảnh buổi thảo luận

Phát huy hơn nữa vai trò của tài năng trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Tài năng trẻ chính là sự kết hợp giữa trí tuệ, óc sáng tạo, lòng nhiệt tình và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có điều kiện phụng sự đất nước ở độ tuổi sung sức nhất. Khơi nguồn hiền tài từ lớp trẻ, đặc biệt là tuổi trẻ trí thức là con đường lâu dài và đúng đắn nhất để phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XI đề ra mục tiêu đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo TS. Lê Xuân Định,Phó Cục trưởng, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ trong Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2020 cho rằng, ba nhiệm vụ chủ yếu sẽ được tập trung thực hiện đồng bộ là tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở các cấp, ngành.

Đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong những năm qua, đã tổ chức, xây dựng nhiều phong trào, chương trình, sân chơi hiệu quả, bổ ích nhằm thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kiến thức cho học sinh, sinh viên, góp phần tạo nuôi mầm các tài năng trẻ. Thông qua các hoạt động của Đoàn, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều gương học sinh, sinh viên điển hình xuất sắc, vượt khó vươn lên đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, công nghệ, là nguồn bổ sung quan trọng cho đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam.

v
Đại biểu Nguyễn Hữu Hà – sinh viên năm thứ 4 ĐH Thủy Lợi phát biểu

Tại diễn đàn “Vai trò của Tài năng trẻ trong phát triển khoa học công nghệ Việt Nam”, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ, bày tỏ kinh nghiệm, kiến nghị đề xuất với Đảng, Nhà nước để phát huy hơn nữa vai trò của tài năng trẻ đối với sự phát triển khoa học công nghệ.

Để đào tạo tài năng KHCN, rõ ràng phải trang bị kiến thức đủ và rộng cho các bạn trẻ, trong đó người thầy đóng vai trò cực kỳ quan trọng. PGS.TS Phạm Văn Hội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt nam chia sẻ, để đào tạo tài năng trong KHCN cần phải luôn luôn khuyến khích và động viên lòng ham mê tìm tòi nghiên cứu và sáng tạo của các bạn trẻ. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy rất nhiều ý tưởng mới trong KHCN xuất phát từ giới trẻ ngay trong thời kỳ còn là sinh viên và có nhiều ý tưởng bản thân người thầy cũng không hiểu, vì vậy không có đánh giá đúng tính tích cực của các ý tưởng này, sẽ làm ảnh hưởng đến lòng đam mê sáng tạo của giới trẻ.

PGS.TS Phạm Văn Hội cho rằng, sử dụng tài năng là một yếu tố rất quan trọng trong công cuộc xây dựng nền KHCN hiện đại cho mỗi quốc gia. Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta, việc sử dụng tài năng KHCN càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, do công nghệ chưa được phát triển mạnh, các nguồn kinh phí chi cho nghiên cứu KHCN chủ yếu từ ngân sách, vì vậy việc trọng đãi tài năng KHCN cũng bị hạn chế nhiều - PGS.TS Phạm Văn Hội nhấn mạnh.

Khát khao cống hiến cho KHCN nước nhà


Với tư cách là một người trẻ, được thừa hưởng những điều kiện học tập, nghiên cứu tốt do cha ông mang lại, được chứng kiến những tấm gương lao động hết mình của những con người bình dị say mê cải tiến công cụ lao động để giảm bớt sức lao động, tăng năng suất, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa - Tài năng trẻ đạt giải thưởng “Quả Cầu vàng” năm 2011 chia sẻ, những giảng viên, sinh viên trẻ luôn mang trong mình khát khao được cố gắng phấn đấu vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, về trang thiết bị thí nghiệm, về kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học…để có thể tham gia nghiên cứu khoa học, đề xuất các giải pháp hữu ích phục vụ công tác giảng dạy và ứng dụng trong thực tiễn.

TS Nghĩa nêu, khát khao được cống hiến, được sáng tạo luôn rực cháy trong tim mỗi người trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu khoa học công nghệ cũng gặp phải không ít những khó khăn, như: Thiếu đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, có uy tín để định hướng, tạo lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Thiếu các trang thiết bị kĩ thuật cao phục vụ công tác NCKH. Khó tiếp cận các thông tin khoa học kỹ thuật, ít có cơ hội tiếp cận các hướng nghiên cứu mới và làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Nguồn kinh phí và các chính sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học của các địa phương thường rất hạn hẹp.

Không lùi bước trước những khó khăn, để tiếp tục hỗ trợ cho các bạn sinh viên, giảng viên, trí thức trẻ thực sự dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, Ths Đoàn Kim Thành – Giám đốc Trung tâm phát triển KH và CN trẻ thuộc Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu mô hình, đó là, Thành Đoàn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP tổ chức chương trình “Vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ”, đây là chương trình nghiên cứu đa ngành và là mô hình duy nhất của cả nước dành riêng cho đối tượng nghiên cứu trẻ từ 35 trở xuống. Nguồn ngân sách để thực hiện chương trình từ 2-3 tỷ đồng một năm, mỗi công trình nghiên cứu được hỗ trợ từ 80 - 100 triệu đồng.  Từ khi triển khai đến nay, qua 15 năm đã  có 873 hồ sơ đăng ký sơ tuyển của gần 1.000 tác giả, nhóm tác giả trẻ, trong đó triển khai thực hiện 216 đề tài nghiên cứu khoa học.

a
Ths Đoàn Kim Thành – Giám đốc Trung tâm phát triển KH và CN trẻ thuộc Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh

Ths Đoàn Kim Thành khẳng định, mục tiêu của chương trình không những để hỗ trợ nghiên cứu các công trình có khả năng ứng dụng vào thực tiễn mà còn là môi trường để ươm mầm và phát triển những tài năng khoa học trẻ.

Đến từ trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) TS Trần Thị Hải cho rằng, không cần phải có những trường Đại học đạt chuẩn quốc tế, chỉ cần có những Trung tâm nghiên cứu để tập hợp các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ có sự đam mê sẽ thúc đẩy KHCN phát triển.

TS Hải nhấn mạnh: Không đam mê thì không làm được gì kể cả việc nhỏ. Đam mê phải sáng tạo, sáng tạo phải đam mê, người sáng tạo luôn chú tâm việc mình làm, đo đó “Đam mê – khát vọng - tạo nên mọi thứ”.

Hoàng Thị Mỹ Nhung đến từ Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia là người được đào tạo tại nước ngoài, trở về Việt Nam công tác cho biết, đối với những khoa học trẻ như chúng tôi chỉ cần có môi trường thuận lợi để làm việc và chỉ cần được làm việc mà thôi để tạo ra được những sản phẩm có ứng dụng trong thực tế mà không phải trên giấy. Nhung cho rằng, nhiều nhà khoa học nghiên cứu ra sản phẩm có ứng dụng nhưng không màng đến lợi nhuận cho mình, do đó các sản phẩm làm ra cần được bảo đảm đăng ký sở hữu trí tuệ.

Với Lê Doãn Cảnh đến từ Tập đoàn dầu khí quốc gia thì cho rằng, khó khăn đối với các nhà khoa học trẻ là cần được khai thác cơ sở dữ liệu, nhưng lại rất thiếu, trong khi đó phải mua lại rất đắt. Cảnh đề nghị Nhà nước cần có sự hỗ trợ với những người làm nghiên cứu như Cảnh.

a
Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Văn Lạng (giữa)

GS.TS Mai Trọng Nhuận cho rằng, các bạn trẻ phải có niềm đam mê, sáng tạo và kiên trì theo đuổi đến cùng trên con đường nghiên cứu khoa học. Để làm được điều đó, các bạn phải tranh thủ sự ủng hộ của tổ chức Đoàn, Hội sinh viên để bằng sự đam mê, khát vọng tìm tòi, sáng tạo và được cống hiến sức mình để đi trên con đường khoa học. Nhưng cũng phải có đủ kiến thức chuyên môn, kinh tế - văn hóa xã hội, đồng thời mạnh dạn công bố sản phẩm KHCN và có sự hợp tác, chia sẻ để cùng phát triển.

Đối với tổ chức Đoàn, Hội, theo GS.TS Nhuận cần động viên, khuyến khích niềm đam mê của các nhà khoa học trẻ để họ sáng tạo kiên trì theo đuổi; đồng thời có được các đối tác để cung cấp cơ sở dữ liệu, tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ được giao lưu tham quan học hỏi, phát triển các nguồn tài chính để đầu tư cho cơ sở vật chất nghiên cứu, khuyến khích đăng ký bản quyền, hỗ trợ bảo vệ các sản phậm và kết nối cho được nhà khoa học trẻ với doanh nghiệp và người sử dụng. Khen thưởng, động viên kịp thời các cá nhân, các sản phẩm, mô hình là nguồn động viên rất lớn đối với các nhà khoa học trẻ.

“Chúng tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước con thuyền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn hiện tại và ngày càng phát triển hướng tới một nền kinh tế tri thức mà ở đó không chỉ có các nhà khoa học, các tài năng trẻ mới có khát vọng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mà còn có ngày càng nhiều những người nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên… tham gia nghiên cứu khoa học, cải tiến kĩ thuật và chuyển giao công nghệ, phổ biến các tri thức khoa học nhằm năng cao dân trí và áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống” - TS. Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.