Kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật cho thanh niên tại tỉnh Tuyên Quang

08:41 07/11/2012     3380

3 Phong trào   Web.ĐTN: Trong hai ngày 5 và 6/11/2012, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam do đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tiến Dĩnh dẫn đầu đã có buổi làm việc, kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật cho thanh niên tại tỉnh Tuyên Quang.
Đoàn công tác còn có các đồng chí: Phạm Ngọc Quynh - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam; Doãn Đức Hảo – Phó vụ Trưởng Vụ Công tác Thanh niên Bộ nội vụ; Phương Đình Anh – Phó trưởng Ban TN nông thôn Trung ương Đoàn.

a
Đ/c Nguyễn Tiến Dĩnh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh Tuyên Quang về chính sách cho thanh niên

Quan tâm tạo điều kiện để thanh niên Yên Sơn học tập, phát triển kinh tế


Huyện Yên Sơn nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Tuyên Quang, huyện có diện tích tự nhiên 113.425,7ha, dân số toàn huyện 41.323 hộ với 160.370 khẩu, bao gồm trên 22 dân tộc sinh sống tại 473 thôn, bản thuộc 30 xã và 01 thị trấn. Trong đó, lực lượng thanh niên trên 30.425 người, thanh niên nông thôn chiếm 50,1% trên tổng số thanh niên toàn huyện. Hiện có 7.452 đoàn viên sinh hoạt ở 50 cơ sở Đoàn và 20.694 thanh niên sinh hoạt trong 35 cơ sở Hội.

Thực hiện chính sách, pháp luật cho thanh niên, những năm qua, Yên Sơn đã tạo điều kiện cho 3.301 học sinh, sinh viên được vay vốn với 47.818,6 triệu đồng. Trong phong trào “Sáng tạo trẻ” và “Thi đua dạy tốt, học tốt” đã có 7 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng viên kinh nghiệm về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác giảng dạy. Nhiều mô hình phát triển kinh tế giỏi trong thanh niên xuất hiện, như: mô hình của đoàn viên Âu Quốc Đạo - xã Nhữ Án chăn nuôi lợn siêu nạc, nuôi cá và gia cầm thương phẩm; đoàn viên Nguyễn Văn Sinh - xã Mỹ Bằng, đoàn viên Nhữ Ánh Sáng - xã Trung Sơn kinh doanh sản xuất gạch; mô hình trồng cây cảnh của đoàn viên Lương Xuân Kỳ - xã Mỹ Bằng, đoàn viên Trần Văn Thịnh – xã Trung Môn với mô hình ép củi trong công nghiệp và trong sinh hoạt từ phụ phế phẩm của các ngành nông nghiệp và lâm nghiệp. Đã có 4.815 ĐVTN được đào tạo nghề, 9.072 ĐVTN được tư vấn giới thiệu việc làm, 17.256 ĐVTN được giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp trong nước và nước ngoài;…

Với những kết quả đạt được thì việc đầu tư thích đáng cơ sở vật chất cho thanh niên để thanh niên thực hiện tốt chức năng của mình còn những hạn chế, theo đồng chí Phạm Kiên Cường, việc trang thiết bị làm việc của Đoàn thanh niên còn hạn chế, chủ yếu trông chờ vào chính quyền cơ sở, hoặc còn nhiều khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, hoặc xây dựng trung tâm TTN cấp huyện hiện nay chưa có.

Bên cạnh đó, thu hút sinh viên tốt nghiệp Đại học, nhân tài trẻ có trình độ học vấn cao về công tác tại địa phương đối với huyện còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, Huyện cũng đã triển khai thực hiện tuyển thẳng được 3 trường hợp theo ngành, riêng ngành giáo dục đã có chính sách tuyển thẳng các đối tượng xuất sắc – đồng chí Cường cho biết thêm.

a
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tiến Dĩnh phát biểu trao đổi tại buổi làm việc với huyện Yên Sơn

Từ thực tiễn đó, các vấn đề về thực hiện chính sách cho cựu TNXP; vay vốn học tập, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên; cơ chế chính sách thu hút sinh viên trẻ tốt nghiệp về địa phương làm việc tạo nguồn cán bộ; kinh nghiệm trong tổ chức tư vấn, giải quyết việc làm cho thanh niên; cách thức trong tuyên truyền vận động giáo dục thanh niên; cơ chế phối hợp giữa UBND huyện với huyện Đoàn; phát hiện bồi dưỡng, sử dụng, đào tạo nhân tài trẻ là con em của địa phương; xây dựng điểm vui chơi giải trí cho thanh niên; tỷ lệ lao động có việc làm có trình độ … đã được đề cập trao đổi tại buổi làm việc.

Trao đổi về chính sách thu hút, phát triển lao động trẻ, Thứ trưởng
Nguyễn Tiến Dĩnh đề nghị, muốn thu hút được thanh niên nông thôn phải quan tâm vay vốn phát triển kinh tế, trong đó dạy nghề và đào tạo nghề nhất là đối tượng thanh niên nông thôn thông qua đào tạo nghề nông, chuyển đổi nghề phi nông nghiệp, làm sao để đảm bảo thu hút thanh niên; đồng thời quan tâm đến vấn đề vay vốn cho thanh niên, những gia đình có thanh niên nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định.

“Quy hoạch nguồn nhân lực cần quan tâm đây là vấn đề rất quan trọng, cần tập trung sao thu hút và giữ chân được người trẻ, cần có khâu “đột phá”. Trong quá trình phát triển chú trọng nguồn nhân lực” – Thứ trưởng trao đổi thêm.

Sử dụng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ; có chính sách với thanh niên dân tộc


Tại buổi làm việc ngày 6/11 của Đoàn công tác với tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Phạm Minh Huấn, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, gắn kết chặt chẽ công tác quy hoạch với đào tạo, sử dụng và luân chuyển cán bộ, chú trọng đội ngũ khoa học – công nghệ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với cán bộ trẻ đã trải qua công tác Đoàn, được rèn luyện và trưởng thành trong các phong trào thanh niên.

a
Đ/c Phạm Ngọc Quynh trao đổi tại buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang

Theo báo cáo, nhiều cán bộ  trẻ có năng lực, trình độ đã được luân chuyển, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo ở các cấp. Tính đến thời điểm 31/12/2010, tổng số cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước là 1.677 người (đối tượng thanh niên là 159 người, chiếm tỷ lệ 9,5%); 2629 người /14.443 cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước chiếm 18,2%. Tỷ lệ cán bộ Đoàn trong các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ngày càng tăng; nhiều cán bộ trẻ có năng lực, trình độ được phân công, bổ nhiệm giữ chức vụ chủ chốt của tỉnh, huyện, xã. Đã có 276 cán bộ được bầu vào Quốc hội, tham gia cấp ủy, HĐND, UBND các cấp (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII có 3/6 đại biểu trẻ trong đoàn đại biểu của tỉnh).

Tỉnh Tuyên Quang cũng đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với thanh niên dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho thanh niên dân tộc thiểu số trong học tập, trong dạy nghề và giải quyết việc làm, các chính sách cử tuyển, miễn giảm học phí; bố trí công tác và sử dụng thanh niên dân tộc thiểu số sau khi hoàn thành chương trình cử tuyển; đào tạo, bồi dưỡng thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số để đào tạo nguồn quản lý, lãnh đạo. Hiện Đoàn TN cấp tỉnh có 8/33 Ủy viên BCH, 01/11 Ủy viên BTV và 01/3 Phó Bí thư là người dân tộc thiểu số; Đoàn thanh niên cấp huyện có 94/210 Ủy viên BCH, 28/64 Ủy viên BTV, có 8/14 Phó bí thư và 5/11 Bí thư là người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, đã tạo điều kiện cho 15.585 học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng số tiền 234.171 triệu đồng thông qua Ngân hàng CSXH tỉnh; tiếp sức đến trường cho 201 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng “Tân Trào”; 447 sáng kiến kinh nghiệm và đề tài khoa học do đoàn viên đảm nhận, tổ chức Hội thi “Tin học trẻ cấp tỉnh”… giải quyết việc làm cho 63.554 lao động trong 5 năm (2006 - 2012); tư vấn, giới thiệu 24.400 thanh niên làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước và đã hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh (tính đến tháng 6/2012) với tổng số vốn vay là 79.169 triệu đồng, 4.019 dự án đã thu hút và tạo việc làm cho 8.335 lao động trẻ. Toàn tỉnh đã xây dựng được 176 mô hình nuôi trâu sinh sản, kết hợp với kéo cày.
a
Đ/c Nguyễn Hưng Vượng – Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang trao đổi

Trao đổi với Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Hưng Vượng – Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, nhiều nghề được đào tạo cho thanh niên chưa hợp với nhu cầu của thanh niên; nhiều sinh viên được đào tạo sau khi ra trường chưa được sử dụng, gây lãng phí. Theo đồng chí Vượng, nguyên nhân chính là do nhiều thanh niên tham gia học nghề còn theo phong trào.

Bên cạnh đó, “Đội ngũ cán bộ trẻ đã được quan tâm, nhất là đội ngũ cán bộ Đoàn đã đáp ứng được yêu cầu công việc, có khả năng, ủy tín” – đồng chí Vượng khẳng định thêm.

Vấn đề dạy nghề còn chạy theo thành tích; thanh niên học nghề còn theo bạn bè, nhiều trung tâm dạy nghề mới được thành lập, kinh nghiệm còn hạn chế; các khu kinh tế, nhà máy phát triển chưa nhiều nên chưa thu hút được nhiều công nhân trẻ, tay nghề còn yếu – đồng chí Phạm Thị Kim Vân - Phó Giám đốc Sở lao động Thương binh và xã hội tỉnh thẳng thắn nhìn nhận.

Trao đổi thêm về vấn đề đào tạo sử dụng cán bộ trẻ, đồng chí Nguyễn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết, tỉnh đã có chương trình đào tạo sử dụng, thu hút nhân tài trẻ và đến nay đã thu hút được 45 đồng chí, đồng thời có chính sách cử cán bộ trẻ đi học nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước.

a
Đ/c Phạm Minh Huấn, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang trao đổi về những chính sách của tỉnh đối với thanh niên

Trong đào tạo nghề cho nông thôn hiện tỉnh còn vướng mắc, trong đó vấn đề ăn trưa cho con em nông thôn khi đi học nghề còn quá thấp - đồng chí Phạm Minh Huấn trao đổi.

Trong quy hoạch sử dụng, đào tạo cán bộ trẻ được đặt ra từ rất lâu đối với tỉnh, nhưng thực tế triển khai còn gặp khó khăn, kinh phí hỗ trợ còn ít, trong khi đó nhu cầu của thanh niên lại rất lớn, do đó khó thu hút được những sinh viên giỏi, đây là vấn đề nan giải của tỉnh Tuyên Quang – đồng chí Huấn chia sẻ.

Đồng chí Huấn nhấn mạnh, cần có những hình thức, giải pháp thu hút thanh niên tham gia các chương trình, kế hoạch của tỉnh. Trong đó, nghiên cứu áp dụng các mô hình đội thanh niên tình nguyện để cùng với các địa phương hỗ trợ cùng với sức trẻ của thanh niên để góp sức xây dựng địa phương phát triển. 

Đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định tại buổi làm việc, các ngành, thành phố của tỉnh đã ký chương trình phối hợp với Tỉnh Đoàn thể hiện sự quan tâm với thanh niên; đã triển khai các chương trình với thanh niên khá đồng bộ, tổ chức cho thanh  niên học tập quán triệt Nghị quyết, khuyến khích thanh niên tham gia triển khai KHCN, quan tâm tạo điều kiện cho sinh viên nghèo vay vốn, trao học bổng … trong đó chỉ tiêu dạy nghề đạt được mức cơ bản đây là sự cố gắng rất lớn của tỉnh dù là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Phát huy kết những quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục cần xây dựng quy hoạch 5 năm, hàng năm hết sức cụ thể trong thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên đi kèm là các chỉ tiêu thực hiện cụ thể.

Đồng chí đề nghị UBND tỉnh có chương trình ký kết với Đoàn thanh niên; tăng cường đôn đốc kiểm tra thực hiện chính sách đối với thanh niên từ tỉnh đến cơ sở theo mô hình Ban chỉ đạo; chú trọng việc thành lập Hội đồng thanh niên cấp tỉnh trong thời gian tới. Triển khai các đề án trong chương trình của tỉnh, nhất là công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thanh niên nông thôn, thành phố; tuyên truyền, tư vấn trong đào tạo nghề cho thanh niên theo nhu cầu của xã hội, có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, bồi dưỡng theo tiêu chí của Đảng có sự ưu tiên các công chức trẻ.