Bảo vệ môi trường cần trở thành hoạt động thường xuyên trong tuổi trẻ

19:03 18/09/2015     2192

3 Phong trào   Web.ĐTN: Chiều ngày 18/9, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ mười hai - khóa X tiếp tục làm việc và cho ý kiến vào Báo cáo sơ kết Chương trình hành động số 12 CT/TWĐTN ngày 24/12/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”.
Các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn và Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư BCH Trung ương Đoàn đã chủ trì Hội nghị.

Vai trò của thanh niên tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường


Bí thư Tỉnh Đoàn Hải Dương Hoàng Quốc Thưởng mở đầu cho các ý kiến góp ý vào báo cáo nêu ý kiến việc các đội thanh niên tình nguyện trong tỉnh tham gia bảo vệ môi trường hoạt động còn chưa được bài bản. Tuy nhiên, bước đầu các đội đã duy trì tốt các hoạt động ra quân ngày thứ 7, ngày chủ nhật xanh ... đã phần nào tác động đến nhận thức của nhân dân và thanh thiếu niên về bảo vệ môi trường.

Đồng chí Thưởng đề xuất việc vận động các doanh nghiệp trẻ tham gia cam kết bảo vệ môi trường; đồng thời mô hình HTX thanh niên đã được triển khai, tuy nhiên việc thành lập mô hình HTX thu gom rác thải môi trường do thanh niên đứng ra làm chủ còn chưa nhiều nên cần tính toán và có sự đầu tư để xây dựng mô hình nhân rộng.

g
Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng giới thiệu với hội nghị những mô hình bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả

Nêu ý kiến về ứng phó biến đổi khí hậu và môi trường của tuổi trẻ Nghệ An, Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An Nguyễn Đình Hùng cho biết, tỉnh Nghệ An đã thành lập Đội phòng chống biến đổi khí hậu và phòng chống lũ lụt với 300 người tham gia và Đoàn thanh niên tỉnh chỉ đạo thành lập các đội hình thanh niên xung kích tham gia xử lý các tình huống xảy ra về môi trường ở cơ sở.

Minh chứng về ý kiến của mình, đồng chí Hùng đã giới thiệu các mô hình đã được triển khai, thực hiện trong thời gian qua, đó là: mô hình thanh niên huyện Nam Đàn tham gia phòng chống cháy rừng và hàng năm đều được tập huấn thường xuyên; mô hinh trồng rừng chắn sóng của thị Đoàn Cửa Lò đã phát huy hiệu quả; tổ thu gom rác thải trong giáo dân ở Bùi Ngòa, xã Hưng Trung, Hưng Nguyên đã góp phần xanh, sạch đẹp địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động; ...

Là đơn vị đặc thù với nhiều Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế, Bí thư Đoàn khối doanh nghiệp Trung ương Hồ Xuân Trường nêu ý kiến trong báo cáo cần đánh giá thêm về việc tiết kiệm năng lượng theo chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn và Tập Đoàn Điện lực Việt Nam ký kết, cũng như việc triển khai thực hiện ở các tỉnh, thành. Tuy là chương trình mới triển khai, nhưng đồng chí Trường đề nghị báo cáo cần đề cập những kết quả bước đầu để khẳng định vai trò của tuổi trẻ.

Bên cạnh đó, đồng chí cho biết thêm, Đoàn khối đã chỉ đạo Đoàn thanh niên các đơn vị tổ chức đăng ký cam kết tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng có hiệu quả; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Giờ trái đất” đã được xã hội ghi nhận và bước đầu đã có những bước chuyển biến cơ bản về nhận thức trong xã hội và thanh thiếu nhi.

t
Bí thư Đoàn khối doanh nghiệp Trung ương Hồ Xuân Trường nêu ý kiến

Đề xuất với Trung ương Đoàn, đồng chí Trường nêu ý kiến việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc trồng rừng và hàng năm tiến hành rà soát để chỉ đạo các tỉnh, thành Đoàn phối hợp với các Sở tài nguyên và môi trường tổ chức ra quân trồng rừng bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển kinh tế.

Chia sẻ về cách làm của tuổi trẻ Thủ đô trong bảo vệ môi trường, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng đã giới thiệu với hội nghị những mô hình hiệu quả đang được các cấp bộ Đoàn tổ chức triển khai để cùng trao đổi, đó là: mô hình Văn phòng xanh, hàng cây thanh niên, mô hình thu gom rác thải ... đã được thực hiện ở nhiều huyện, thị, quận của thành phố và đã, đang thực hiện mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, đồng chí Thắng cũng nêu ý kiến báo cáo cần nêu thêm kết quả hoạt động quyên góp kinh phí của ĐVTN ủng hộ cho đồng bào nhân dân vùng bão lũ; hoạt động tình nguyện tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, hướng dẫn nhân dân dùng ClominB để lọc nước sinh hoạt trong những ngày mưa bão, ... đây là những hoạt động hết sức ý nghĩa và gắn với công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu quả tuổi trẻ Thủ đô.

Bảo vệ môi trường trở thành hoạt động thường xuyên

Phát biểu ý kiến với Hội nghị, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, hội nghị cho ý kiến vào báo cáo sơ kết Chương trình hành động số 12 CT/TWĐTN ngày 24/12/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường” đã được tập trung bàn để cùng rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai và làm sao sự tác động của phong trào vừa là khía cạnh đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa là nhiệm vụ giáo dục thanh niên cho tốt.

5
Đ/c Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn trao đổi tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh mong muốn, đối với phong trào ở cơ sở, khi chỉ đạo tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường cần nghiên cứu kỹ về nội dung hoạt động, xem kỹ nhu cầu của cơ sở đó đang cần là gì, đồng thời, nhân rộng các mô hình hoạt động bảo vệ môi trường hiệu quả ra trong toàn tỉnh.

Tuy nhiên, đồng chí Vinh cũng nêu việc khó của các cấp bộ Đoàn là hoạt động bảo vệ môi trường phải được diễn ra thường xuyên, do vậy các hoạt động của Đoàn tại cơ sở phải có tính khả thi, như: xóa điểm đen môi trường và linh hoạt hơn để cơ sở tự chọn việc thực hiện để phù hợp với tình hình thức tế. Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn không nhất thiết phải tổ chức ra quân mà duy trì được các hoạt động theo lịch định kỳ đã được thống nhất chung để qua đó tạo ý thức trong đoàn viên thanh niên.

Đối với công tác truyền thông, tổ chức Đoàn cần chú ý tuyên truyền các đội tình nguyện môi trường hoạt động có hiệu quả để làm sao nhân rộng, có sự lan tỏa và lấy thanh niên làm để làm gương. Đồng thời tạo được nề nếp ở các cơ sở khác ở mỗi đơn vị. Khuyến khích cơ sở có những hoạt động sáng tạo với môi trường, cũng như thống nhất một số loại hoạt động như: từ việc lớn trồng rừng phòng hộ, trồng rừng ngập mặn chắn sóng đến những việc nhỏ hàng ngày như phát quang lối đi, xử lý các bãi rác ô nhiễm...

“Biến hoạt động bảo vệ môi trường trở thành hoạt động thường xuyên; về biến đổi khí hậu phải kiên trì để có những biện pháp phù hợp, hiệu quả tùy theo điều kiện tình hình thực tiễn ở địa bàn cơ sở”, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nói.