Phát triển ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên

08:26 27/07/2018     695

3 Phong trào   Web.ĐTN: Nhằm kết nối thủ lĩnh thanh niên các ban, bộ, ngành ở Trung ương đóng góp các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy, chung tay hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, ngày 25/7, tại Hà Nội, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp”.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Dự tọa đàm có Bí thư Đoàn Thanh niên các cơ sở đoàn, Đoàn trường học thuộc Đoàn Khối các cơ quan Trung ương; Bí thư Đoàn Thanh niên các cơ sở đoàn thuộc Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương; các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đoàn viên, sinh viên Khối các cơ quan Trung ương và các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Tại Tọa đàm, đồng chí Trần Hữu, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương đã thông tin về những kết quả trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên Khối các cơ quan Trung ương. Theo đó, Đoàn Khối đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên; tổ chức các Diễn đàn, Hội nghị, Hội thảo về hỗ trợ khởi nghiệp như: “Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan Trung ương đồng hành với thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp”; Hội thảo “Thanh niên, nghiên cứu viên trẻ với Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4”;  “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cơ hội và thách thức với thanh niên trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; “Lý luận về hoạt động khởi nghiệp và một số yếu tố tác động từ góc độ pháp lý”… 

Đồng chí mong muốn trong thời gian tới, các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp sẽ cùng với Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức các chương trình thiết thực, tư vấn, giúp đỡ phát triển ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên; đặc biệt giúp đỡ sinh viên tiếp cận được các nguồn vốn để hiện thực hóa các ý tưởng, ước mơ của các bạn trẻ; góp phần hiện thực hóa mục tiêu tạo dựng hình ảnh quốc gia khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tại tọa đàm, đồng chí Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 (Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025)- Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra một số đề xuất về nâng cao hiệu quả phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như: nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc khuyến khích khu vực công lập đặt và mua hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời, nghiên cứu xây dựng chính sách thuận lợi về thị thực cho cá nhân người nước ngoài tới Việt Nam để xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư…

Đồng chí Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về Đề án 1665 về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Đề án 1665 tập trung vào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh  viên hình thành và hiện thực hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh  viên sau khi tốt nghiệp”. Đồng chí nhấn mạnh: “Cần thay đổi tư duy “sinh viên không phải học để xin việc mà là học để đi tìm việc làm và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp để khởi nghiệp chủ động và hiệu quả hơn”.

Đồng chí Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “3 yếu tố tạo động lực cho khởi nghiệp đó chính là khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách và đại học đóng vai trò tạo hạt giống khởi nghiệp”. Đồng chí cho rằng: “Khởi nghiệp thì khó khăn trăm bề, đặc biệt vấn đề vốn thì càng khó khăn. Trong khi đó, các quỹ tham gia vào đầu tư cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và đánh giá về các doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì vậy, cần nghiên cứu tạo sàn huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trước mắt thử nghiệm tại một trường đại học”.

Đồng chí cũng đề xuất các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên cụ thể: Thành lập Câu lạc bộ Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp kiến quốc; tổ chức Ngày hội sinh viên khởi nghiệp thành phố Hà Nội; lựa chọn và phát triển 1 vườn ươm trong Đại học; xây dựng chương trình trao đổi sinh viên khởi nghiệp quốc tế; nghiên cứu sàn huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, thử nghiệm tại 1 trường Đại học; hỗ trợ ươm tạo những dự án khởi nghiệp trong các trường Đại học; tạo Quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; phối hợp các cơ quan, đơn vị, tổ chức xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo về khởi nghiệp.

Tại Tọa đàm, đại diện sinh viên các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, sinh viên Phạm Văn Đại, sinh viên Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về 2 dự án khởi nghiệp: “Cổng thông tin kết nối Sinh viên - Nhà trường - Doanh nghiệp” và “Ứng dụng quản lý tương tác và thanh toán online cho sinh viên nội trú Đại học Quốc gia Hà Nội”.

Kết thúc chương trình, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội đã ký kết Biên bản hợp tác cùng tổ chức các hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp để tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp, kiến tạo trong tương lai.