Sửa đổi Luật Thanh niên: Phải có tính khả thi trong thực tế

16:23 28/08/2019     1287

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: Luật Thanh niên sửa đổi phải thực sự có tính khả thi, đột phá và không ngại đưa vào những vấn đề cụ thể tốt hơn, mới hơn, hỗ trợ tốt nhất cho thanh niên là những ý kiến lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học đưa ra trong Hội nghị “Phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)”.

Anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về thanh niên Việt Nam và anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam chủ trì hội nghị

 

Hội nghị “Phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)” được tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia, nhà khoa học; những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác Đoàn.

Dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi) gồm 6 Chương và 62 Điều; tăng 26 Điều so với Luật năm 2005, trong đó có: Quy định về đối thoại với thanh niên, Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; Quy định về trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên và đối với một số nhóm thanh niên cụ thể; Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên; Quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên; Quy định về trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên; Các điều khoản thi hành.

Luật phải có tính khả thi

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi) đã có cách tiếp cận mới, gần gũi và giải quyết nhiều vấn đề về thanh niên hơn, tuy nhiên Luật vẫn cần phải chặt chẽ về mặt khoa học và có tính khả thi, cụ thể hóa nhiều khía cạnh hơn nữa để đáp ứng được kỳ vọng của thanh niên về một bộ luật hoàn chỉnh dành riêng cho một khối đối tượng đặc thù. 

Ông nhận xét Luật thanh niên năm 2005 chưa có tác động nhiều đến đời sống của thanh niên nên lần sửa đổi này, luật phải thật sự hoàn thiện, gần gũi và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, cũng như phù hợp với từng độ tuổi và đối tượng thanh niên.  

“Cần quan tâm đến nguyện vọng của thanh niên là được học tập, lao động; được giải trí; được cống hiến và trưởng thành. Để Luật thật sự có ý nghĩa, có tính khả thi trong thực tế, được thanh niên quan tâm và đón nhận, cần khơi dậy sự cống hiến của thanh niên bằng hành lang pháp lý và chế tài thực hiện rõ ràng”. Ông nhấn mạnh.

 

“Luật phải có sự đột phá, tập hợp được chính sách cho một lực lượng xã hội to lớn và đóng góp chính vào sự phát triển của đất nước”. Ông Ngọ Duy Hiểu góp ý tại Hội nghị


Ông góp ý, Luật nên có phần giải thích từ ngữ được sử dụng trong Luật để phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, trong đó phân định chính sách rõ ràng với từng nhóm thanh niên, hiện đang được phân ra theo từng đối tượng như: thanh niên từ 16-18 tuổi; thanh niên tài năng; thanh niên yếu thế; thanh niên khu chế xuất…

Phản ánh thực trạng hiện nay của nhóm thanh niên là nhân tài của đất nước, nhưng không thiết tha với công việc ở khu vực công. “Đất nước đang cần nhiều người tài giỏi kiến thiết những công việc to lớn của đất nước, nhưng những nhân tài đều lựa chọn ra nước ngoài lập nghiệp hoặc phục vụ khối doanh nghiệp, phải chăng do chính sách chưa thực sự phù hợp để có thể thu hút nguồn nhân tài về với khu vực công”. Ông nói.

Bên cạnh đó, đối tượng thanh niên tại các khu công nghiệp được quy định trong Luật chưa rõ ràng, cần có một quy định trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương hay chế tài cụ thể như trích một phần kinh phí để chăm lo cho đời sống, y tế cho công nhân, giáo dục cho con em của những người đang đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của địa phương.

Theo ông Vũ Mão, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, trong Luật thanh niên sửa đổi, không nên ghi chung về quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, ngành mà nên ghi thật rõ ràng và cụ thể nhiệm vụ của các bộ, ngành tham gia trong Luật thanh niên sửa đổi, trong đó cần quy định rõ có bao nhiêu quyền hạn và trách nhiệm của riêng UBQG về thanh niên để các bộ ngành hiểu vai trò cũng như phối hợp với UBGQ trong việc kiểm tra, thực thi Luật thanh niên. 

Chính sách tốt sẽ tạo sức bật cho thanh niên cống hiến

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Luật thanh niên sửa đổi lần này là một cơ hội tốt để để những người soạn thảo có cách tiếp cận mới, trực diện hơn về khối đối tượng quan trọng của đất nước. Đây là nhóm nhân khẩu xã hội mang tính đặc thù chứ không phải một nhóm bình thường vì tính thừa kế và hậu bị, và là tương lai của đất nước.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi) tiếp cận với quyền và nghĩa vụ của thanh niên chưa đặc thù và còn rải rác. Ông cho rằng, Luật cần tập trung hơn vào 3 nhân tố chính trong quyền và nghĩa vụ của thanh niên, gồm có: học tập và rèn luyện; bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội; xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

“Luật thanh niên không phải chỉ để giải quyết nguyện vọng, yêu cầu của thanh niên mà còn phải hỗ trợ, tiếp sức và khơi dậy trong thanh niên mong muốn được học tập, rèn luyện và cống hiến. Muốn vậy, cần có những chính sách thực sự phù hợp, cũng như trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của các cấp bộ, ngành, quản lý nhà nước để kêu gọi, thúc đẩy thanh niên thực hiện”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, anh Lê Quốc Phong tiếp thu những góp ý và yêu cầu ban soạn thảo tổng hợp ý kiến để trình Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu. Luật Thanh niên được dành cho lực lượng quan trọng, thế hệ quyết định và thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, vì vậy càng thêm những chính sách, quy định mới khả thi hơn Luật Thanh niên năm 2005, không ngại đưa vào những vấn đề cụ thể nếu tốt hơn, mới hơn và không trùng lặp với các luật khác để hướng đến mục đích thúc đẩy thanh niên phát triển.

 

“Quan điểm và mong muốn của UBQG về thanh niên Việt Nam là luôn có thêm được nhiều chính sách tốt nhất cho thanh niên”, anh Lê Quốc Phong nhấn mạnh

 

Bên cạnh đó, anh Lê Quốc Phong cũng cho biết, cần làm rõ hơn vai trò, cơ chế vận hành và trách nhiệm của những cơ quan liên quan được nhắc đến trong Luật thanh niên (sửa đổi). Bởi trách nhiệm càng cụ thể rõ ràng, cơ chế giám sát, thực thi Luật càng hiệu quả hơn. Anh Phong mong muốn, Bộ Nội vụ sẽ lắng nghe tiếp thu để tạo nên diện mạo mới cho Luật thanh niên sửa đổi lần này.

“Nếu như chúng chọn cách an toàn để soạn thảo, nhưng không tạo được sự đột phá của một Luật sửa đổi mới và không tạo được động lực cho thanh niên, thì Luật sẽ chỉ nằm trên giấy mà không thể thực hiện được trong thực tế”, anh Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Dịp này, nhiều ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị cũng góp ý về một số quyền và nghĩa vụ của một số nhóm thanh niên cụ thể, như: thanh niên là nữ, thanh niên tình nguyện, thanh niên làm khoa học, thanh niên dân tộc, nhóm thanh niên yếu thế…để tạo sự bình đẳng của mỗi nhóm đối tượng trong thanh niên. Ngoài ra còn có các ý kiến về thể thức trình bày, cấu tạo các chương và từ ngữ được sử dụng trong dự thảo Luật thanh niên (sửa đổi); đối thoại với thanh niên và quy định về Tháng Thanh niên./.

 

Ngọc Anh