Phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng long: Vẫn là phim Trung Quốc... nói tiếng Việt!

15:44 13/06/2011     3673

Xây dựng Đoàn   Trước thông tin lên lịch phát sóng bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, GS sử học Lê Văn Lan đã lên tiếng phản đối bởi hậu quả bất lợi của nó
Trước thông tin lên lịch phát sóng bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, GS sử học Lê Văn Lan đã lên tiếng phản đối bởi hậu quả bất lợi của nó

Sau nhiều lần chỉnh sửa, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, bộ phim từng bị dư luận phản ứng và Hội đồng Duyệt phim quốc gia yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần đã được lên lịch phát sóng trên VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam vào cuối tháng này. Thông tin này đã gây phản ứng trong dư luận khán giả cũng như các nhà chuyên môn.

Vẫn sai lệch lịch sử

Ngày 20 và 21-2-2011, Hội đồng Duyệt phim quốc gia đã tiến hành duyệt lần thứ 3 bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Sau đó, ngày 15-3-2011, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã có công văn gửi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) nêu rõ: “Kịch bản phim đã thêm lời dẫn chuyện vào những chỗ cần thiết để làm rõ thông tin muốn chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta, các diễn viên Việt Nam được chọn rất hợp vai, diễn xuất tốt, âm nhạc phù hợp với Việt Nam.

Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng, không bị bóp méo, luôn đề cao tầm vóc và tình cảm của một vị vua vì dân, thương dân biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân”. Trên cơ sở đó, Bộ VH-TT-DL đề nghị VTV xem xét, quyết định việc phát sóng phim Lý Công Uẩn -  Đường tới thành Thăng Long theo quy định của Luật Điện ảnh và Luật Báo chí.

Tuy nhiên, GS Lê Văn Lan, người có vai trò “tu chỉnh kịch bản” ban đầu của phim và là nhà chuyên môn được mời ngồi ghế hội đồng thẩm định bộ phim, lại cho rằng: “Không nên chiếu bộ phim này”. Và ông, với tư cách là một nhà nghiên cứu sử học, đã hết sức băn khoăn thậm chí phản đối về cách đưa lịch sử lên phim trong Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Theo GS Lan, những gì ông đề nghị tu chỉnh trong kịch bản ban đầu, nhà sản xuất bộ phim không hề tiếp thu khiến cho bộ phim làm ra bị sai lệch nghiêm trọng về lịch sử và các nhân vật trong lịch sử.
 
Ví dụ, cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (980 - 981) thực sự là niềm tự hào của người Việt Nam nhưng bộ phim đề cập cuộc kháng chiến này dưới dạng một trận đánh ở một ngọn núi nào đó mang tên Chu Tước! Ở lần trình duyệt thứ nhất, có cảnh tại núi Chu Tước, thiền sư Vạn Hạnh khuyên và trao cẩm nang cho tướng quân Lê Hoàn rồi nói: “Không cần đánh! Giặc sẽ tự tan”. Nhân vật Lê Hoàn trong phim đã nghe theo lời khuyên này và ra lệnh: “Kẻ nào bàn đánh, chém!”.
 
Sau ý kiến góp ý có phần gay gắt của GS Lê Văn Lan, trong lần duyệt cuối, nhà làm phim đã sửa lại đôi chỗ nhưng vẫn đưa toàn bộ cuộc kháng chiến của dân tộc vào trận chiến ở núi Chu Tước! Trong khi đó, nhân vật thiền sư Vạn Hạnh đón đường hành quân ra trận của tướng quân Lê Hoàn và khuyên ông: “Chớ sát sinh nhiều”. Có thể nói, cuộc kháng chiến trong phim rất mờ nhạt, trong khi phim nhấn mạnh những cảnh “nồi da xáo thịt”, đấu đá nội bộ, chém giết nhau rùng rợn của anh em nhà họ Lê. Theo GS Lê Văn Lan, người Việt Nam ai cũng tôn vinh Lê Hoàn là anh hùng dân tộc, nhưng Lê Hoàn trong phim thì lại như một  ông vua lúc thì sống xa xỉ chỉ biết bắt dân xây dựng vườn ngự uyển, lúc lại nhu  nhược đến nỗi bị giặc cỏ bắt được khi đi kinh lý; hồ đồ sa thải các trung thần; trừng phạt Lý Công Uẩn vì đã can gián vua…
 
Nói chung, hình ảnh vua Lê Đại Hành hoàn toàn không đúng như lịch sử đã ghi chép và các nhà sử học xưa nay đã nhận định và tôn vinh. Đó là chưa nói chính sử đã chép rõ thái hậu Dương Vân Nga là một người thông tuệ, sắc sảo, quyết đoán, trong khi các nhà làm phim xây dựng hình tượng Dương Vân Nga là một người ủy mị, sướt mướt, thậm chí còn treo cổ tự tử khi được Lê Hoàn tỏ tình. Quan Chi hậu Đào Cam Mộc, một đại thần nhà Tiền Lê và một đại công thần nhà Lý, người cai quản mọi việc trong nội cung, vốn là một quan nội thị thì trong phim lại thành một tướng quân võ biền.
 
Và con của “võ tướng” này cũng là một tướng võ, nhưng lúc được giao hộ vệ Lê Đại Hành tuần du thì lại ngơ ngẩn để cho vua bị giặc cỏ bắt sống. Đặc biệt, sự kiện vô cùng quan trọng là Thái tổ Lý Công Uẩn lên ngôi, lịch sử đã ghi rõ, ông lên ngôi ở Hoa Lư, được triều đình đồng thuận, thế nhưng trong phim thì lại lên ngôi ở một ngôi chùa đặc kiến trúc Trung Hoa! GS Lê Văn Lan khẳng định các nhân vật lịch sử trong phim ít nhiều đều bị làm cho sai lệch và điều này không chỉ không đúng với lịch sử mà còn ảnh hưởng đến việc giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc cho lớp trẻ.

Nhiều chi tiết phi lý

Trong lịch sử, búi tóc củ hành có thể coi là một bản sắc văn hóa đậm nét của người Việt Nam. Khi công cuộc “Cần vương” bất thành, cho đến cuối đời, sau 55 năm bị thực dân Pháp lưu đày tại Algeria, vua Hàm Nghi vẫn luôn để búi tóc củ hành cùng khăn vấn, áo the như một tuyên ngôn giữ gìn bản sắc dân tộc, khẳng định tính độc lập của đất nước. Trong khi đó, các nhân vật nam trong Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long đều có búi tóc vấn cao trên đỉnh đầu. Theo nhận xét của không ít khán giả từng được xem trailer bộ phim, búi tóc trên đỉnh đầu đặc Hán của Lý Thái Tổ trong phim chính là một sự sai lệch nghiêm trọng về văn hóa.

Về trang phục của vua, việc các nhà làm phim đội cho vua Lý Công Uẩn chiếc mũ “nhái” từ mũ “Bình thiên” của các hoàng đế Trung Quốc có từ Tần Thủy Hoàng cũng là điều khiến khán giả không chấp nhận được. Người Việt, với búi tóc củ hành sau gáy, không thể đội mũ “Bình thiên” vì chiếc mũ này được tạo ra để chụp vào búi tóc trên đỉnh đầu của người Hán, thế nhưng vua Lý Thái Tổ trong phim vẫn đội chiếc mũ y chang của hoàng đế Trung Quốc!
 
GS Lê Văn Lan cho biết ở trong lần duyệt cuối cùng, không chỉ trang phục của vua mà của cả quan dân trăm họ đều giống y đúc trang phục của người Trung Quốc. Mà không chỉ trang phục, nếu bộ phim được phát sóng, khán giả sẽ thấy cả bối cảnh cung điện, nhà cửa, chùa chiền, binh khí... cũng đều giống y như phim lịch sử Trung Quốc vẫn phát hằng ngày trên sóng các đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương. “Nếu phát sóng bộ phim, chắc chắn khán giả sẽ thấy đây đúng là bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt” - GS Lê Văn Lan nhận định.
 
Mọi thứ đều của Trung Quốc

Kịch bản được viết bởi một “tay ngang”- ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Trường Thành - đơn vị đầu tư kinh phí sản xuất bộ phim này - sau đó được nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chung Hòa - tác giả kịch bản của những bộ phim nổi tiếng, như Võ Tắc Thiên, Vương triều Ung Chính - “chuốt lại”.

Bộ phim được thực hiện với ê kíp làm phim (phía nước ngoài) là những gương mặt dày dạn kinh nghiệm phim trường ở Trung Quốc: Đạo diễn Cận Đức Mậu - đạo diễn phim Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên, Đại Tống khai quốc và đạo diễn Triệu Lôi; các chuyên gia hóa trang cũng của Trung Quốc; thuê trường quay Hoành Điếm Trung Quốc;  thuê đạo cụ phục trang Trung Quốc và đặt Trung Quốc may gần 700 bộ trang phục cổ; thuê diễn viên đóng thế của Trung Quốc và hàng trăm diễn viên quần chúng người Trung Quốc...
 

Chỉnh sửa nhiều lần

Theo kế hoạch, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (do đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu thực hiện, Công ty Cổ phần Trường Thành sản xuất) sẽ là bộ phim phát sóng chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tuy nhiên ngay khi những hình ảnh giới thiệu đầu tiên của phim xuất hiện trên internet, đã xuất hiện những ý kiến phê phán gay gắt nội dung bộ phim này cũng như kế hoạch phát sóng nó trên đài truyền hình quốc gia. (Báo Người Lao Động số ra ngày 10-9-2010 đã đăng bài “Phim Việt sao lai Trung Hoa?”).
 
Trước những phản ứng bất bình của công chúng, bộ phim đã được Đài Truyền hình Việt Nam trưng cầu giám định Hội đồng Duyệt phim Quốc gia, thuộc Bộ VH-TT-DL. Sau khi xem phim, Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đã yêu cầu nhà sản xuất chỉnh sửa và duyệt đi duyệt lại nhiều lần nhưng vẫn không đạt yêu cầu nên phim chưa thể phát sóng và phát hành ra nước ngoài, theo dự kiến của nhà sản xuất.