TP.HCM: Hơn 1.000 sinh viên tham gia đối thoại về khởi nghiệp

17:39 30/05/2018     1290

3 Chương trình   Web.ĐTN: Ngày 26/5, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức talkshow “Từ giảng đường đến doanh nghiệp” tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Talk show “Từ giảng đường đến doanh nghiệp” nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội “Phỏng vấn – Tuyển dụng” lần 17, năm 2018 do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố tổ chức.

Talk show nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết trong quá trình tìm việc, phỏng vấn ứng tuyển và hội nhập doanh nghiệp; đồng thời, tạo cầu nối giữa sinh viên tìm việc với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Khách mời của talkshow là các diễn giả có nhiều kinh nghiệm và đã khởi nghiệp thành công, đó là: Công dân trẻ tiêu biểu Lê Yên Thanh - người khởi nghiệp thành công với ứng dụng Busmap; Giám đốc Thương mại AB InBev Việt Nam Hoàng Phương; Giám đốc Anbooks Ngô Phương Thảo; Giám đốc điều hành Isobar Việt Nam Thi Anh Đào; CEO Hồ Đức Hoàn - sáng lập EBIV.

Các diễn giả trao đổi tại chương trình
Các diễn giả trao đổi tại chương trình


Xác định rõ sở thích, hướng đi là điều mà các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh khi chia sẻ về bước chuẩn bị đầu tiên của sinh viên trong hành trình tiếp cận với nghề nghiệp.

Anh Lê Yên Thanh - công dân trẻ tiêu biểu, người khởi nghiệp thành công với ứng dụng Busmap cho rằng, người trẻ cần biết rõ mình thích làm gì. Bởi lẽ, khi làm những điều đúng với đam mê thì mỗi ngày đi làm sẽ giống như đi chơi”. Anh Thanh cũng nêu ý kiến, việc người trẻ không xác định được mình phù hợp với ngành, nghề gì là một vấn đề nguy hiểm.

Dưới góc độ một nhà tuyển dụng, chị Thi Anh Đào - Giám đốc điều hành Isobar Việt Nam cho rằng, người trẻ cần quan tâm đúng mức đến lĩnh vực ứng tuyển nếu muốn gia nhập vào bất kì doanh nghiệp hay tổ chức nào. Chị Đào cho hay, nếu không dành đủ sự “quan tâm”, các ứng viên khó gắn bó lâu dài với ngành nghề mong muốn.

CEO Hồ Đức Hoàn - sáng lập EBIV khẳng định, sinh viên nên thay đổi nhận thức ngay từ đầu, đây không phải là “xin việc” mà là sự hợp tác công bằng. Bên tuyển dụng và bên ứng tuyển sẽ trao đổi cho nhau những giá trị mà cả hai bên thật sự cần.

Cùng quan điểm trên, anh Hoàng Phương - Giám đốc Thương mại AB InBev Việt Nam chia sẻ, CV xin việc chỉ là một công cụ “bán hàng”. Trước khi ứng tuyển, các ứng viên nên xác định rõ mình là ai và mình muốn làm việc tại vị trí nào.

Hàng trăm sinh viên đến tham dự Talk show
Đông đảo sinh viên đến tham dự Talk show


Trao đổi với sinh viên về những trăn trở xoay quanh vấn đề kinh nghiệm làm việc, các diễn giả nhấn mạnh đây là một sự đảm bảo không thể thiếu. Cụ thể, sinh viên phải thể hiện rằng họ hứng thú và phù hợp với ngành, nghề họ lựa chọn. Đây là yêu cầu cơ bản để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, tổ chức.

“Trước khi tham gia ứng tuyển, việc tìm hiểu về văn hóa, giá trị công ty là một điều vô cùng quan trọng. Nó giúp người trẻ không phải “sốc” trong những ngày đầu dấn thân vào nghề”, chị Ngô Phương Thảo - Giám đốc Anbooks chia sẻ.

“Đó là việc chúng ta xác định rõ khung rủi ro có thể chấp nhận được. Cụ thể, dự án bắt đầu, ta cho phép vay mượn trong giới hạn một số tiền nhất định, vượt qua nó ta hãy dừng lại mọi thứ. Đó là sự đánh đổi cho bài học kinh doanh”, anh Hoàn chia sẻ.

Chị Thi Anh Đào cho biết thêm, khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi người, chỉ nên khởi nghiệp khi ta đã có cái nhìn bao quát về con đường sẽ đi, đủ tầm nhìn, đủ năng lực đối đầu mọi rủi ro. Khởi nghiệp không thể là phép thử và không nên là phép thử.

Giải đáp băn khoăn của sinh viên về vấn đề vấp ngã sau khởi nghiệp, các diễn giả chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân, đồng thời đưa ra quan điểm rằng bất cứ ai cũng sẽ không tránh khỏi thất bại, quan trọng là ta học được gì sau thất bại. Đồng thời, các diễn giả đưa ra vấn đề thực tế là việc giới trẻ rất dễ “tổn thương” sau những lần vấp ngã, đây là một trong những hạn chế cần khắc phục.

Đối với chị Ngô Phương Thảo, khởi nghiệp đừng nghĩ quá nhiều về lợi nhuận, khởi nghiệp chỉ thực sự có triển vọng khi nó giải quyết được những nhu cầu của xã hội. Hay nói cách khác, giá trị các start up tạo ra phải gắn liền với giá trị xã hội cần.

Bạn Đoàn Huỳnh Xuân, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mình thấy tự tin, quyết tâm hơn rất nhiều sau khi tham dự chuyên đề. Khởi nghiệp không đơn thuần chỉ là đam mê mà còn là sự quyết tâm, lý trí trong xử lý những bất lợi có thể xảy ra”.