Sinh viên chủ động hội nhập quốc tế

23:12 19/12/2023     1042

Hoạt động Hội, Đội   ĐTN: Chiều 19/12, các tổ thảo luận tham gia góp ý văn kiện Đại hội và thảo luận chủ đề gắn với sinh viên như học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế, vun đắp lý tưởng, đạo đức… Tổ thảo luận số 3 tập trung vào chủ đề "Sinh viên chủ động hội nhập quốc tế", diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

 

Chủ trì tổ thảo luận số 3 trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI là anh Nguyễn Tiến Hưng - Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, chị H Giang Niê - Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk. Hơn 70 đại biểu sinh viên từ các trường đại học trên cả nước đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, sâu sắc xoay quanh chủ đề Sinh viên chủ động hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại buổi thảo luận, đồng chí H Giang Niê, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đại biểu tập trung nghiên cứu, góp ý về những nhận định, đánh giá kết quả triển khai 1 phong trào, 2 chương trình của Hội Sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, tập trung vào những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển tổ chức Hội, thành lập mới tổ chức Hội; đề xuất các giải pháp xử lý vướng mắc, khó khăn của trong công tác tổ chức Hội và các giải pháp mới, sáng tạo, đột phá trong công tác phát triển hội viên, công tác cán bộ Hội; đồng thời đóng góp ý kiến vào các chuyên đề của Đại hội và nghiên cứu, phân tích thêm về chủ đề của tổ thảo luận Sinh viên chủ động hội nhập quốc tế, đi sâu vào giải pháp nâng cao nhận thức của sinh viên, đánh giá, phân tích để chỉ ra những yêu cầu về kỹ năng, kiến thức cần có.

 

Đồng chí H Giang Niê, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk

 

Bên cạnh đó, ban tổ chức Đại hội mong muốn các đại biểu tích cực thảo luận, phát biểu về các nội dung đã được định hướng, đồng thời đề xuất những nội dung giải pháp cụ thể, thiết thực, những kiến nghị đề xuất xác đáng để đóng góp vào hệ thống giải pháp trong công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Hội Sinh viên cấp Trường cần tổ chức đa dạng hoạt động giúp sinh viên phát triển toàn diện

Tại buổi thảo luận, đại biểu Tưởng Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng trong thời đại chuyển đổi số, hội nhập quốc tế hiện nay, sinh viên có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức để khẳng định bản thân. 

 

Tưởng Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Quốc gia Hà Nội


Vì vậy đại biểu Tưởng Văn Thuán đề xuất một số giải pháp: các cấp bộ Hội cần xây dựng lộ trình, phương án triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế một cách bài bản, dài hơi hơn. Hoạt động không chỉ dừng ở việc đặt ra một số nội dung trong năm hay nhiệm kỳ nhưng thiếu tính gắn kết.
Thứ hai, Trung ương Hội Sinh viên cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động giao lưu, chia sẻ giữa Hội Sinh viên Việt Nam tại nước ngoài với trong nước. Hội Sinh viên cấp Trường cần tận dụng và xây dựng cộng đồng cựu sinh viên, tạo ra nhiều sân chơi, chia sẻ kinh nghiệm.

Thứ ba, hội nhập quốc tế không chỉ dừng ở việc nâng cao trình độ ngoại ngữ mà kiến thức, kỹ năng cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Hội Sinh viên cấp Trường cần tổ chức đa dạng hoạt động giúp sinh viên phát triển toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Sa - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trường Đại học Cần Thơ - giới thiệu hai môi trường hội nhập hiệu quả đang được áp dụng tại trường. Đó là phiên chợ sinh viên và CLB hướng dẫn sử dụng Tiếng Anh giao tiếp.

 

Nguyễn Thị Hồng Sa - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trường Đại học Cần Thơg đề xuất tổ chức thêm cuộc thi, chương trình thực tế hoặc chuyến đi học tập cho cán bộ hội theo xu hướng toàn cầu hóa.

 

Đại biểu Hồng Sa đề xuất thêm những chương trình tìm hiểu, chia sẻ trải nghiệm giữa sinh viên Việt Nam và các nước bạn dưới hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. “Vai trò của cán bộ hội sinh viên cũng vô cùng quan trọng. Họ là những người truyền động lực, tiếp xúc gần gũi với sinh viên, có thể tổ chức các nhóm chia sẻ giúp hội viên, sinh viên cảm thấy được quan tâm, đồng hành, từ đó có niềm tin để chia sẻ và mạnh dạn tham gia quá trình hội nhập quốc tế”, đại biểu Hồng Sa nói.

Công nghệ thông tin, ngoại ngữ là hành trang

Đại biểu Chu Hoa Bảo Trâm - sinh viên tiêu biểu trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) - cho rằng, hội nhập quốc tế đòi hỏi sinh viên phát huy bản sắc dân tộc, bản sắc cá nhân và thể hiện cái tôi đúng lúc, đúng chỗ.

“Lan tỏa, mở rộng bản sắc cá nhân là chìa khóa hội nhập quốc tế. Để nắm được chìa khóa thành công, sinh viên cần phương tiện là công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Yêu cầu đặt ra cho thế hệ sinh viên hiện nay là trau dồi kỹ năng, bản lĩnh chính trị để hòa nhập mà không hòa tan, đồng thời không ngừng tiếp thu kiến thức về tin học, ngoại ngữ để tự tin hội nhập”, đại biểu Bảo Trâm chia sẻ.

 

 

Đại biểu H’ Phương Hoa Êban - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Đắk Lắk, cũng kiến nghị giải pháp thúc đẩy sinh viên dân tộc thiểu số giao lưu quốc tế và nâng cao khả năng ngoại ngữ. Đại biểu H’ Phương Hoa Êban kỳ vọng triển khai những học bổng cho sinh viên dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để họ tham gia chương trình giao lưu quốc tế.

“Nhu cầu làm việc tại nước ngoài của thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên dân tộc thiểu số khá lớn. Các lớp học tiếng Anh trực tuyến, miễn phí kéo dài trong 5 tháng đã xuất hiện ở Đắk Lắk để hỗ trợ kiến thức nền cho sinh viên dân tộc. Tôi mong rằng những mô hình lớp học như vậy được nhân rộng trong thời gian tới”, đại biểu H’ Phương Hoa Êban nói.

Sau khi lắng nghe ý kiến của gần 20 đại biểu, đồng chí Nguyễn Tiến Hưng - Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam - khẳng định, tổ thảo luận đã thể hiện tinh thần sôi nổi, chia sẻ ý kiến đa dạng, phong phú xuất phát từ thực tiễn.

 

 

“Chia sẻ của các đại biểu về triển khai tập huấn, giao lưu,…là cơ sở để T.Ư Hội Sinh viên, Ban tổ chức Đại hội tiếp thu để triển khai các phong trào sinh viên trong nhiệm kỳ tới. Lực lượng nòng cốt là cán bộ hội, các đại biểu sinh viên tích cực sẽ lan tỏa và hỗ trợ các bạn sinh viên khác, thúc đẩy hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trở thành phong trào trong sinh viên”, đồng chí Nguyễn Tiến Hưng nói.
 

Bảo Anh