Khởi nghiệp từ ý tưởng biến nước biển thành nước ngọt

05:24 03/12/2018     1024

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Nhận thấy nguồn nước mặn gần như vô hạn, còn nước ngọt ở vùng biển thì thiếu thốn, giá thành để chuyển hóa nước biển thành nước ngọt hiện còn khá cao, nhóm sinh viên trường Đại học Quy Nhơn do Đinh Thành Tấn làm trưởng nhóm đã hình thành ý tưởng nghiên cứu, thiết kế, sản xuất dụng cụ lọc nước biển sử dụng năng lượng mặt trời.

Ý tưởng của 5 bạn trẻ đã giành giải nhì Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Định” năm 2017

 

Ý tưởng khởi nghiệp trên là sản phẩm hợp tác từ 5 bạn trẻ: Đinh Thành Tấn, Nguyễn Hoài Huệ, Trần Thị Lệ Thi, Huỳnh Quang Đạt (khoa Vật lý) và Phạm Thị Ánh Tuyết (khoa Quản trị kinh doanh).

Sử dụng chính những kiến thức tiếp nhận trên giảng đường, sau khi tìm ra cách lọc nước biển thành nước ngọt phù hợp, nhóm sinh viên đã mày mò vẽ thiết kế mô hình. Lặn lội chở nhau mua sắm vật liệu, tận dụng những vật dụng có sẵn, các bạn bắt tay chế tạo thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt. Sau nhiều lần chỉnh sửa, cuối cùng bộ thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt cũng hoàn thành.

Thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt của nhóm bạn trẻ hoạt động bằng năng lượng mặt trời, bao gồm các bộ phận: Một gương cầu lõm để hội tụ ánh sáng mặt trời, giá đỡ, hệ thống ống dẫn và các bình chứa nước biển, bộ phận lọc tạp chất và cuối cùng là bình chứa nước ngọt sau khi tách lọc. Nguyên lý hoạt động của thiết bị là khi cho nước biển vào bình chứa, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu trực tiếp xuống bề mặt gương cầu lõm và phản xạ hội tụ để tạo ra nhiệt năng làm nước biển trong bình nóng lên rồi bay hơi. Thể tích nước ngưng tụ trên bề mặt nghiêng sẽ tích tụ và được thu gom về đường ống dẫn xuống bình chứa nước ngọt.

Điều đặc biệt của sản phẩm này là nhóm đã dùng chất xúc tác TiN đưa vào trong nồi chứa nước biển, giúp sản phẩm đạt hiệu suất sản xuất nước ngọt tăng gấp 3 - 5 lần so với những thiết bị lọc nước biển bằng năng lượng mặt trời hiện có trên thị trường.

Sinh viên Đinh Thành Tấn - Trưởng nhóm ý tưởng chia sẻ: “Từ khi hình thành ý tưởng đến khi tham gia cuộc thi, nhóm đã được học hỏi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm của các thầy cũng như các chủ doanh nghiệp. Bước đầu, nhóm đã sản xuất thành công thiết bị lọc nước biển công suất 30 - 40 lít nước sạch/ngày.

Thiết bị này hữu dụng cho vùng ven biển, đảo, tàu thuyền và lồng bè nuôi hải sản xa bờ... nơi không có điện để chạy máy lọc nước biển áp lực cao công suất lớn.

Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc sở Khoa học & Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng để nhóm hiện thực hóa ý tưởng.

"Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến để tối ưu hóa sản phẩm. Chẳng hạn như gắn môtơ để chảo parabol kim loại tự động quay theo hướng ánh sáng mặt trời chiếu, tìm chất liệu đảm bảo chống ăn mòn tốt hơn, làm tăng độ sáng của gương chiếu trong parabol để cường độ năng lượng mặt trời mạnh hơn...

Trong tương lai gần, thiết bị sẽ được đưa ra thị trường với giá bán khoảng 3 triệu đồng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhóm còn đa dạng các dòng sản phẩm với máy lọc nước cỡ vừa và nhỏ dùng cho hộ gia đình và máy lọc nước cỡ lớn cho trang trại, khu vực dân cư…” - Tấn cho biết.

Hy vọng trong thời gian đến, sản phẩm thú vị của nhóm sinh viên tài năng này sẽ sớm thành hiện thực hóa trong đời sống, đáp ứng như cầu cho ngư dân đi biển, cho người dân xã đảo… những nới thiếu thốn nước ngọt nhưng lại thừa nguồn nước biển.

Khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên nói chung và trong sinh viên nói riêng đang trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ. Song, để khởi nghiệp thành công, bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, đoàn thể, thì điều bản thân mỗi đoàn viên, thanh niên cần đó là nội lực của chính bản thân, tư duy và niềm đam mê, dấn thân với con đường mình đã theo đuổi. Câu chuyện của nhóm bạn trẻ trên là một minh chứng cho điều đó.
 

(Nguồn TĐ Bình Định)- ĐH